| Hotline: 0983.970.780

Rác thải đại dương bủa vây Côn Đảo: [Bài 2] Hệ sinh thái và du lịch đều lâm nguy

Thứ Tư 16/07/2025 , 10:19 (GMT+7)

TP.HCM Không chỉ san hô chết trắng, cá dạt đi, rùa biển mắc lưới, biển đầy rác còn đe dọa du lịch, sinh kế và cả thương hiệu sinh thái của Côn Đảo.

Nguồn sống đang bị bóp nghẹt

Từng được đánh giá là một trong những hệ sinh thái biển nguyên sơ và đa dạng nhất Việt Nam. Vùng biển Côn Đảo sở hữu khoảng 1.400 ha rạn san hô, 2.400 ha thảm cỏ biển và là nơi sinh sống của hàng trăm loài cá, rùa biển, bò biển - loài thú biển quý hiếm bậc nhất Đông Nam Á. Nhưng các hệ sinh thái này lại đang suy yếu nghiêm trọng do tác động của rác thải đại dương.

Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, từ năm 2020-2024, diện tích san hô đang bị suy thoái bởi một trong những nguyên nhân đến từ rác thải nhựa, lưới đánh cá bỏ lại và các vật thể cứng mắc vào san hô. Rác nhựa bám lên rạn khiến san hô không thể tiếp nhận ánh sáng để quang hợp. Tình trạng này kéo dài sẽ làm san hô chết dần và kéo theo hàng loạt loài cá mất nơi cư trú.

Chú rùa biển này được cán bộ Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo kịp thời cứu thoát khỏi lưới ma và thả về biển hồi năm 2023. Ảnh: Lê Hồng Sơn.

Chú rùa biển này được cán bộ Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo kịp thời cứu thoát khỏi lưới ma và thả về biển hồi năm 2023. Ảnh: Lê Hồng Sơn.

Rác thải đại dương không chỉ ảnh hưởng đến san hô mà còn đe dọa trực tiếp các loài sinh vật biển. Trong vòng ba năm trở lại đây, có ít nhất 14 trường hợp rùa biển mắc lưới hoặc chết vì nuốt phải nhựa. Cá thể rùa nặng 70 kg được tìm thấy gần Bãi Nhát năm 2023 trong tình trạng dạ dày đầy túi nilon là một ví dụ đáng báo động.

Rất nhiều trường hợp du khách đã kịp thời phát hiện những cá thể rùa biển quý hiểm bị mắc lưới khi đang đi bộ trên bãi biển. Mới đây, trên đường băng rừng tới Vịnh Đầm Tre, anh Jos và chị Kim (du khách người Hà Lan) đã phát hiện một đống rác thải ngư nghiệp mắc ven bãi biển. Khi tiến lại gần, anh Jos nhận thấy có chuyển động lạ trong đống lưới và phát hiện một cá thể rùa đồi mồi đang bị mắc kẹt bên trong.

Chiếc lưới đánh cá quấn chặt quanh thân rùa, một phần bị cát vùi lấp khiến nó không thể tự thoát ra. Ngay lập tức, anh Jos đã tìm cách gỡ lưới, giải cứu cá thể đồi mồi và thả trở lại biển. Chị Kim  đã quay lại toàn bộ quá trình cứu hộ và gửi hình ảnh, video báo cáo cho lực lượng chuyên môn của Vườn Quốc gia Côn Đảo để theo dõi.

Côn Đảo từng được xếp hạng là Top 10 điểm đến sinh thái hấp dẫn nhất châu Á (theo CNN 2019), nơi du khách có thể trải nghiệm lặn biển ngắm san hô, theo dõi rùa đẻ trứng, khám phá rừng ngập mặn và du lịch tâm linh. Nhưng hình ảnh biển đầy rác đang làm xấu đi hình ảnh điểm đến từng được mệnh danh là “viên ngọc thô” của du lịch Việt.

Biển Côn Đảo đầy rác, bạc màu và đang dần ít cá... là những phản hồi của những du khách quốc tế khi đến nơi đây. Ảnh: Nguyễn Văn Vững.

Biển Côn Đảo đầy rác, bạc màu và đang dần ít cá... là những phản hồi của những du khách quốc tế khi đến nơi đây. Ảnh: Nguyễn Văn Vững.

Chị Lê Hồng Thắm, chủ một homestay ven biển chia sẻ: “Trước đây, khách châu Âu mê Côn Đảo lắm. Họ thích sự hoang sơ, xanh trong của biển. Nhưng gần đây, một vài đoàn khách phản hồi rằng bãi biển có rác, lặn biển thấy ít cá, san hô bạc màu”.

Không chỉ vậy, các tour lặn biển vốn là thế mạnh của du lịch sinh thái Côn Đảo đang ghi nhận lượng đặt giảm. Chưa kể, từ 2024, nước biển ấm dần lên do tác động biến đổi khí hậu cũng khiến các rạn san hô nhanh bị tẩy trắng. Một số công ty du lịch thậm chí phải điều chỉnh chương trình, chuyển sang tham quan trên bờ hoặc đưa khách tới những điểm xa hơn để tránh khu vực rác trôi nổi.

Thương hiệu "điểm đến sinh thái đẳng cấp quốc tế" từng là niềm tự hào của Côn Đảo đang đối mặt nguy cơ tụt hạng. Trong các hội thảo du lịch gần đây, các chuyên gia nhiều lần cảnh báo về tác động tiêu cực từ ô nhiễm nhựa đến hình ảnh điểm đến và giá trị sinh thái lâu dài.

Không thể chỉ phản ứng, cần chiến lược dài hơi

Không chỉ ngành du lịch, rác thải đại dương còn đang ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng trăm hộ dân ven biển sống nhờ vào đánh bắt và khai thác hải sản.

Theo số liệu từ UBND đặc khu, hiện Côn Đảo có hơn 200 tàu cá nhỏ, chủ yếu hoạt động gần bờ. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, sản lượng khai thác của nhóm tàu này giảm trung bình 20-30%, một phần do suy giảm nguồn cá, phần khác vì rác mắc vào lưới, hư hại ngư cụ.

Ông Phong là ngư dân gắn bó 30 năm với nghề nói: “Có hôm kéo lên 3 lần thì cả 3 lần đều rác. Lưới tưa ra, mất cả ngày sửa. Không bắt được cá mà còn tốn công, tốn của”. Giờ đây, thay vì ra khơi, ông chuyển sang phụ việc cho các đoàn lặn gom rác, mỗi ngày được khoảng 200.000 đồng, vừa ít thu nhập hơn, vừa tạm bợ, không ổn định.

Một số ngư dân khác cũng buộc phải chuyển nghề hoặc di cư vào đất liền. Trong khi đó, thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề biển vì "biển không còn nuôi được người".

Rác thải đại dương được UBND đặc khu Côn Đảo, các tổ chức và cá nhân thường xuyên thu dọn nhưng xem ra mới chỉ được giải quyết phần ngọn của vấn đề. Ảnh: Lê Bình.

Rác thải đại dương được UBND đặc khu Côn Đảo, các tổ chức và cá nhân thường xuyên thu dọn nhưng xem ra mới chỉ được giải quyết phần ngọn của vấn đề. Ảnh: Lê Bình.

Trước thực trạng này, chính quyền đặc khu Côn Đảo đã đưa ra nhiều sáng kiến như mô hình “Đô thị giảm nhựa”, chương trình “5 không” (không hàng mã, không mút xốp, không túi nilon, không chai nhựa, không khay nhựa một lần), phân loại rác tại nguồn và các chiến dịch tổng vệ sinh biển. Tuy nhiên, theo nhận định từ các tổ chức bảo tồn, phần lớn nỗ lực hiện nay mới chỉ tập trung vào rác trên bờ, trong khi rác dưới đáy biển - nơi nguy hiểm nhất lại chưa có cơ chế xử lý bền vững.

Bên cạnh đó, lực lượng vớt rác hiện nay chủ yếu là tình nguyện viên và nhóm thợ lặn bán chuyên. Côn Đảo chưa có đội ngũ thu gom rác biển chuyên trách, chưa có tàu chuyên dụng hay công nghệ theo dõi dòng rác. Nếu không đầu tư bài bản, hệ sinh thái biển sẽ khó phục hồi.

WWF và các tổ chức quốc tế đề xuất chính quyền Côn Đảo cần sớm thành lập tổ công tác chuyên trách về rác thải đại dương, đầu tư thiết bị, đào tạo nhân lực, kết hợp đồng bộ từ trên bờ xuống đáy biển. Song song, cần thiết lập cơ chế phối hợp với các địa phương lân cận - nơi phần lớn rác trôi dạt tới để kiểm soát nguồn rác từ gốc.

Dưới lòng biển sâu, nơi ánh sáng không còn rực rỡ, từng túi nilon được thợ lặn gỡ ra khỏi san hô là một tia hy vọng. “Biển Côn Đảo còn đẹp. San hô còn sống. Nhưng chúng đang thở yếu rồi. Nếu không cứu gấp, sẽ không kịp nữa”, thợ lặn Tùng nói, mắt nhìn xa về phía rạn san hô Hòn Tre Lớn.

Dù khó khăn, hành trình gìn giữ biển Côn Đảo chưa khép lại. Nhưng nếu không hành động chuyên nghiệp, đồng bộ và cấp tốc, vùng biển từng là biểu tượng thiên nhiên nguyên sơ ấy có thể mất đi chính thứ làm nên bản sắc - sự sống.

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Khả năng xuất hiện một cơn bão hướng vào Biển Đông

Một vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Philippines có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển vào Biển Đông trong 2-3 ngày tới, gây thời tiết xấu trên biển.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thanh Hóa kết thúc 26 đảng bộ huyện, thành lập 166 đảng bộ xã phường

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 46 thống nhất kết thúc hoạt động 26 đảng bộ cấp huyện và thành lập 166 đảng bộ xã, phường mới.

Bình luận mới nhất