Chương trình do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp Trung tâm Dịch vụ thương mại nông nghiệp phía Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức thu hút gần 90 doanh nghiệp từ 50 tỉnh, thành cả nước tham gia.
Tại phiên chợ, có nhiều sản phẩm là tài nguyên bản địa, có chỉ dẫn địa lý, OCOP (3-5 sao), nông thôn tiêu biểu theo tiêu chí xanh - sạch - tươi - an toàn, nguồn gốc rõ ràng từ miền Nam cho đến đất Bắc hay eo biển miền Trung, thậm chí là vùng núi Tây Nguyên. Đặc biệt, phiên chợ xanh tử tế còn bày bán những sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ tài nguyên bản địa, đặc sản địa phương…

Nhiều người tiêu dùng có mặt từ sáng sớm để mua các sản phẩm tại phiên chợ. Ảnh: Trần Quỳnh.
Ông Võ Thành - Giám đốc Công ty An Nhiên – chia sẻ, tham gia phiên chợ xanh tử tế đã giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa ra thị trường, tiếp cận người tiêu dùng… từ đó có một điểm bán tiêu thụ sản phẩm và khảo sát thị hiếu tiêu dùng. Xuất phát điểm chỉ với những trái bồ kết khô đơn sơ, nhờ những phản hồi và sự tin tưởng từ người tiêu dùng tại phiên chợ, đến nay An Nhiên đã phát triển hơn 10 sản phẩm từ thiên nhiên như bột bồ kết, hương nhang, các chế phẩm làm sạch… gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn và giữ gìn giá trị truyền thống.
“Chính sự tương tác trực tiếp giữa người bán và người mua tại phiên chợ đã giúp chúng tôi cải tiến sản phẩm, mở rộng ý tưởng, và đặc biệt là giữ được tinh thần tử tế - điều cốt lõi trong hành trình kinh doanh bền vững,” ông Võ Thành chia sẻ.

Chị Hồ Thanh Giang (TP. Thủ Đức, TP.HCM) tranh thủ mua các sản phẩm rau củ, gia vị tại phiên chợ. Ảnh: Hà Duyên.
Có mặt từ sáng sớm khi phiên chợ vừa mở, chị Hồ Thanh Giang (TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, chị đã mua nhiều loại gia vị, rau củ và cả bột gội đầu thiên nhiên để dùng. Các gian hàng khuyến mãi nhiều, sản phẩm lại rõ nguồn gốc, an toàn khiến người tiêu dùng yên tâm lựa chọn. "Phiên chợ tạo cảm giác gần gũi, người bán tư vấn tận tình, giá cả hợp lý. Quan trọng nhất là tôi cảm thấy vui khi vừa tiêu dùng tử tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường", chị Giang cho hay.
Theo bà Vũ Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm BSA, không chỉ là nơi kết nối người tiêu dùng với các sản phẩm nông đặc sản sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, phiên chợ còn là sân chơi hỗ trợ các hộ nông dân, hợp tác xã, làng nghề và các bạn trẻ khởi nghiệp tiếp cận thị trường, chia sẻ kiến thức và xây dựng thương hiệu nông sản địa phương.

Người tiêu dùng nhận các phần quà tặng khi đến mua sản phẩm tại phiên chợ. Ảnh: Trần Quỳnh.
“9 năm hoạt động không ngừng nghỉ, Phiên chợ xanh tử tế trở thành cầu nối bền vững giữa người tiêu dùng thành thị và người sản xuất nông sản sạch, tử tế trên khắp các tỉnh thành Việt Nam. Đây cũng là một trong những mô hình tiêu biểu của hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp, phát triển nông sản địa phương và thúc đẩy tiêu dùng bền vững”, bà Vũ Kim Anh nhấn mạnh.
Đáng chú ý, tại phiên chợ còn diễn ra chương trình đổi rác nhận quà xanh. Theo đó, người tiêu dùng mang đến các loại rác đã được làm sạch như: 10 cục pin cũ, 10 chai nhựa, 5 chai thủy tinh hoặc 0,5kg đồ điện tử hỏng… sẽ nhận lại một phần quà xanh từ thương hiệu Fuwa3e – là chế phẩm sinh học làm từ vỏ quả dứa, thân thiện với môi trường.

Gian hàng đổi rác nhận quà thu hút sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng. Ảnh: Hà Duyên.
Ông Lê Ngọc Thiên Long – Giám đốc bán hàng Công ty TNHH FUWA Biotech – cho biết chương trình "đổi rác nhận quà" đang thu hút sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng. "Chỉ đến khoảng 9 giờ sáng, gian hàng của chúng tôi đã tiếp nhận và trao quà cho hơn 70 khách hàng mang rác tái chế đến tham gia. Với mức độ hưởng ứng tích cực như vậy, chúng tôi kỳ vọng số lượng người đến đổi rác trong ngày mai sẽ còn tăng cao hơn nữa”, ông Long chia sẻ.