Những cánh đồng lúa - rươi hữu cơ ở An Thanh, Tứ Kỳ, Hải Dương đang mở ra một hướng đi xanh, tử tế và bền vững cho nông nghiệp Việt Nam.
“Làm nông nghiệp tử tế giữa ruộng đồng An Thanh”
Những cánh đồng lúa - rươi hữu cơ ở An Thanh, Tứ Kỳ, Hải Dương đang mở ra một hướng đi xanh, tử tế và bền vững cho nông nghiệp Việt.
Trên hoa, dưới lúa - rươi, người dân Tứ Kỳ, Hải Dương đang lặng lẽ viết nên một chương mới cho nông nghiệp quê hương.
Không còn bóng dáng của phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu, thay vào đó là những dãy hoa vàng rực nơi bờ ruộng - không chỉ làm đẹp cho cánh đồng, mà còn góp phần dẫn dụ côn trùng có lợi, đặc biệt là “khắc tinh” tự nhiên của loài chuột.
Một cách làm nông nghiệp tử tế, gìn giữ đất đai, bảo vệ môi trường và mang lại cuộc sống an lành cho người nông dân.Mô hình lúa - rươi hữu cơ đang mở ra một hướng đi khác biệt: Bền vững, an toàn và đầy hy vọng.
Kính mời quý vị cùng theo dõi phóng sự về câu chuyện nông nghiệp tử tế này.
Giữa những thửa ruộng xanh mướt ở xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, bà Giang - một xã viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Thanh - đang cần mẫn chăm sóc từng khóm hoa ven bờ, từng bông lúa đang thì con gái.
Từng gắn bó với cây chuối nhưng hiệu quả thấp, bà lựa chọn chuyển hướng với mô hình lúa - rươi hữu cơ, thân thiện với thiên nhiên và an toàn cho sức khỏe chính mình.
Phỏng vấn: BÀ PHẠM THỊ GIANG
Thôn An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương
Trước kia tôi trồng chuối, hiệu quả không cao, về sau bị sâu nên phái đi, mọi người ai cũng như ai, dọn dẹp rác, thuốc sâu không có, để nuôi rươi cáy. Lúa cứ đến mùa có đơn vị đến mua thóc tươi, không phải phơi, chúng tôi rất phấn khởi, không phải lo đầu ra”.
LỜI BÌNH
Không chỉ mang lại môi trường sống trong lành, mô hình lúa - rươi hữu cơ còn giúp người dân an tâm sản xuất khi đầu ra luôn được đảm bảo. Lúa chín đến đâu, doanh nghiệp thu mua đến đó - không qua thương lái, không bị ép giá. Giờ đây, với bà con Tứ Kỳ, làm nông không còn là cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn, mà là hành trình gieo trồng và chăm chút từng mùa vụ với tâm thế vững vàng và tin tưởng.
Phỏng vấn: BÀ PHẠM THỊ THẮM
Thôn An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương
“Nhà tôi canh tác là 1,5 mẫu, từ khi canh tác lúa rươi thu nhập ổn định hơn, năng suất hơn trước đây, bởi từ khi làm mô hình lúa rươi, trước đây chỉ canh tác thâm canh lúa thì kinh tế khó khăn, từ khi làm lúa rươi thu nhập ổn định hơn, sức khỏe tốt không bị độc hại, lúa chín đã có công ty thu mua tại đầu bờ giá ổn định. Canh tác không thuốc bảo vệ thực vật, không độc hại cho cây lúa, con rươi, và môi trường xung quanh”.
LỜI BÌNH
Là đầu mối tổ chức sản xuất và cũng là nơi định hướng phát triển vùng nguyên liệu bền vững, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Thanh đang từng bước mở rộng mô hình lúa - rươi hữu cơ một cách bài bản. Từ 137 ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ TCVN, Hợp tác xã đang cải tạo thêm hơn 200 ha nữa để đưa vào canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Dù năng suất không cao bằng canh tác thông thường, nhưng với người dân nơi đây, cái được lớn nhất là sức khỏe, là môi trường trong lành - và sau đó mới là hiệu quả kinh tế. Một khi đã hiểu rõ giá trị thật sự của nông nghiệp sạch, họ sẵn sàng tự nguyện thay đổi, và kết quả đem lại cũng rất đáng khích lệ.
Phỏng vấn: ÔNG PHẠM XUÂN LUẬN
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Thanh, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương
“Các thành viên đã tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, kết hợp với rươi cáy thì thu nhập tầm 450tr/ha là một điều rất phấn khởi với nông dân. Sản xuất hữu cơ cho năng suất thấp hơn sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV nhưng chính người dân tình nguyện, và được hưởng môi trường sinh thái trong lành. Cái được là cho chính bà con, sức khỏe bà con, sau đó mới là đầu ra sản phẩm”.
LỜI BÌNH
Để hạt gạo hữu cơ An Thanh vững vàng bước ra thị trường, sự đồng hành của doanh nghiệp đóng vai trò không nhỏ. Không chỉ là đơn vị thu mua, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới còn phối hợp chặt chẽ với hợp tác xã ngay từ đầu vụ - hỗ trợ giống, tư vấn kỹ thuật và giám sát quy trình canh tác. Khi vụ lúa chín, doanh nghiệp thu mua trực tiếp tại ruộng, giúp người dân yên tâm sản xuất, không lo khâu tiêu thụ. Qua từng năm, giá thu mua được điều chỉnh tăng dần - vừa ghi nhận nỗ lực của người trồng, vừa khẳng định giá trị ngày càng lớn của hạt gạo sạch nơi đây.
Phỏng vấn: ÔNG NGUYỄN VĂN TUÂN
Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới
“Chúng tôi phối hợp với HTX để tổ chức sản xuất, Toàn bộ việc canh tác của nông dân đã được HTX đánh giá về quy trình kỹ thuật. Đến vụ chúng tôi thu mua tại ruộng chứ không để người dân mang lúa về nhà. Trong giai đoạn đầu chúng tôi hỗ trợ về quy trình kỹ thuật, và giá giống lúa. Tuy nhiên hiện nay thì sản xuất của nông dân đã ổn định, HTX đã kiểm soát toàn bộ quy trình kỹ thuật. Công ty chúng tôi tập trung vào nâng cao giá trị đầu ra của người nông dân, qua hàng năm tăng dần giá thu mua để nâng cao thu nhập cho người nông dân”.
LỜI BÌNH
Sản xuất hữu cơ là một hành trình dài, đòi hỏi nhiều tâm sức, thời gian và chi phí. Vì thế, bên cạnh việc tổ chức sản xuất, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng cũng đóng vai trò then chốt. Khi người tiêu dùng hiểu đúng, tin tưởng và lựa chọn sản phẩm hữu cơ, giá trị kinh tế mới được nâng lên, tạo động lực cho người nông dân tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình. Đây cũng chính là bước đi chiến lược trong định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao mà tỉnh Hải Dương đang triển khai trong giai đoạn hiện nay.
Phỏng vấn: Bà Phạm Thị Đào
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương
“Với việc triển khai sản xuất hữu cơ trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, đang phù hợp và đúng định hướng của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới là phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, khi tạo ra sản phẩm hữu cơ thì việc quảng bá giới thiệu để nâng giá trị sản phẩm hữu cơ, để người tiêu dùng biết đến giá trị của sản phẩm thì mới đáp ứng được chi phí và giá thành cho sản xuất hữu cơ”.
LỜI BÌNH
Mô hình lúa - rươi hữu cơ ở An Thanh, Tứ Kỳ, Hải Dương đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ nông nghiệp sạch Việt Nam. Không chỉ làm ra hạt gạo ngon, con rươi béo khỏe, mà còn khơi dậy niềm tin vào một nền nông nghiệp tử tế - nơi mỗi người nông dân chính là người gìn giữ đất, nước và tương lai.
Với sự vào cuộc của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân, câu chuyện ở Tứ Kỳ không chỉ là câu chuyện của một vùng đất - mà là gợi mở cho con đường phát triển nông nghiệp xanh, sạch và bền vững trên hành trình xây dựng nền nông nghiệp xanh của Việt Nam.
Mô hình lúa - rươi tại An Thanh, Tứ Kỳ, Hải Dương đang mở ra một hướng đi mới cho nông nghiệp Việt - tử tế, nhân văn và vị nhân sinh. Ở đó, hạt gạo không chỉ nuôi sống con người, mà còn là kết tinh của tri thức, đạo đức và trách nhiệm với thiên nhiên.
Chính sự tử tế trong cách làm nông hôm nay sẽ đặt nền móng cho một nền nông nghiệp xanh - vì con người, vì môi trường và vì tương lai bền vững của thế hệ mai sau.