| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng trong vành đai 1 từ 1/7/2026

Thứ Bảy 12/07/2025 , 20:32 (GMT+7)

Theo Chỉ thị 20/CT-TTg, từ 1/7/2026, Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng lưu thông trong vành đai 1, thúc đẩy giao thông xanh và giảm ô nhiễm không khí.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025, yêu cầu triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, với những mục tiêu và lộ trình rõ ràng, trong đó có việc cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1 Hà Nội từ 1/7/2026.

Ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông cá nhân. Ảnh: Ngọc Thắng.

Ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông cá nhân. Ảnh: Ngọc Thắng.

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường luôn được Đảng, Nhà nước xác định là trụ cột không thể tách rời trong chiến lược phát triển bền vững đất nước. Hành lang pháp lý cũng như hệ thống chính sách về môi trường không ngừng được hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ô nhiễm môi trường tại nhiều nơi vẫn rất nghiêm trọng, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Tại Hà Nội, ô nhiễm không khí thường xuyên ở mức cao, nhiều chỉ số vượt giới hạn cho phép, trong khi chất lượng nước các sông nội đô bị ô nhiễm nhiều năm liên tiếp.

Nguyên nhân được chỉ ra gồm việc thiếu nhận thức đầy đủ từ một bộ phận tổ chức, cá nhân; sự thiếu đồng bộ, thiếu quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ; chế tài xử lý còn yếu; và sự không tương thích giữa quy định pháp luật với hạ tầng kỹ thuật, dân sinh.

Rà soát thể chế, xử lý nghiêm vi phạm môi trường

Chỉ thị 20 đặt ra hàng loạt yêu cầu cho các bộ ngành và địa phương, trong đó nhấn mạnh việc rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế, hoàn thiện quy định pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bảo vệ môi trường.

Các địa phương được yêu cầu xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cùng với đó là thúc đẩy đầu tư công nghệ, chuyển đổi số, đẩy mạnh hợp tác công - tư để giải quyết những vấn đề môi trường trọng điểm.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các bộ ngành rà soát, kiểm điểm tiến độ các chương trình, dự án bảo vệ môi trường, xử lý các dự án chậm, vướng mắc, đặc biệt là các dự án trực tiếp giải quyết tình trạng ô nhiễm (hoàn thành trong quý III/2025).

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường theo hướng tăng mức phạt, mở rộng thẩm quyền xử lý vi phạm và các biện pháp cưỡng chế hành chính như cắt điện, nước, hạ xếp hạng tín dụng... với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng (hoàn thành trong năm 2025).

Phát triển cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia

Hà Nội được giao triển khai ngay các giải pháp quyết liệt trong lĩnh vực giao thông và xử lý chất thải, nước thải. Ảnh: Khương Trung.

Hà Nội được giao triển khai ngay các giải pháp quyết liệt trong lĩnh vực giao thông và xử lý chất thải, nước thải. Ảnh: Khương Trung.

Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia, tích hợp vào hệ thống dữ liệu quốc gia. Trước mắt, sẽ tập trung vào dữ liệu quan trắc tự động tại các khu công nghiệp, cụm sản xuất có nguồn thải lớn và chất lượng môi trường tại các đô thị lớn. Dữ liệu này sẽ được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm môi trường.

Việc thẩm định, cấp giấy phép môi trường sẽ được siết chặt. Các địa phương cần hoàn thiện chính sách thuế, phí môi trường để tạo nguồn lực cho việc khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường (hoàn thành quý IV/2025).

Bộ Công an được giao vai trò trung tâm trong việc rà soát, cập nhật danh sách cơ sở gây ô nhiễm; chỉ đạo kiểm tra, điều tra và xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, cần mở rộng điều tra các hành vi thiếu trách nhiệm, tiêu cực trong quản lý gây ra hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng.

Bộ cũng sẽ ứng dụng công nghệ để tiếp nhận, xử lý tố giác vi phạm môi trường qua đường dây nóng, ứng dụng Zalo an ninh, VNeID, hệ thống camera giám sát tại các khu vực nhạy cảm.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương... sẽ được giao các nhiệm vụ cụ thể nhằm hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật khí thải, xây dựng chính sách thu phí môi trường, hỗ trợ phát triển công nghiệp môi trường và hạ tầng giao thông xanh.

Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức các cuộc thanh tra chuyên đề đối với những địa bàn có tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, các dự án sử dụng ngân sách đầu tư cho môi trường có dấu hiệu sai phạm.

Hà Nội cấm xe máy xăng trong vành đai 1 từ 1/7/2026

Đường vành đai 1 Hà Nội có chiều dài khoảng 12 km, nối liền các quận trung tâm của thủ đô. Đồ họa: INFO REALTY.

Đường vành đai 1 Hà Nội có chiều dài khoảng 12 km, nối liền các quận trung tâm của thủ đô. Đồ họa: INFO REALTY.

Đáng chú ý, Hà Nội được giao triển khai ngay các giải pháp quyết liệt trong lĩnh vực giao thông và xử lý chất thải, nước thải.

Theo đó, thành phố sẽ lập và công bố đề án vùng phát thải thấp trong quý III/2025; Phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện dùng năng lượng sạch; Ban hành cơ chế khuyến khích người dân và doanh nghiệp chuyển sang sử dụng phương tiện sạch trước ngày 30/9/2025.

Từ ngày 1/7/2026, cấm hoàn toàn xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực vành đai 1.

Từ ngày 1/1/2028, mở rộng phạm vi cấm đến vành đai 2 và hạn chế ô tô cá nhân dùng nhiên liệu hóa thạch.

Từ năm 2030, tiếp tục mở rộng vùng cấm xe máy xăng đến vành đai 3.

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ triển khai đề án xử lý ô nhiễm sông, kênh nội đô; di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khu sản xuất tập trung; kiểm soát chất thải nhựa dùng một lần trong khu vực vành đai 1.

Đường vành đai 1 Hà Nội là một trong những tuyến đường vòng kết nối các khu vực trung tâm của thành phố. Tuyến đường này đi qua nhiều điểm quan trọng và kết nối các khu vực đông dân cư, các khu vực thương mại, dịch vụ. Tuyến đường kết thúc tại khu vực Lạc Long Quân, hoàn tất vòng tròn của đường vành đai 1 và nối lại với cầu Nhật Tân.

Đường vành đai 1 Hà Nội có thể kết nối với nhiều tuyến giao thông lớn khác của thủ đô như đường Phạm Văn Đồng, Đại lộ Thăng Long và các khu vực quan trọng như sân bay Nội Bài, khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân

Chỉ thị 20 cũng nhấn mạnh vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách bảo vệ môi trường.

Các tổ chức truyền thông như VTV, VOV, TTXVN được giao xây dựng chuyên mục hằng tuần, tăng thời lượng tuyên truyền về bảo vệ môi trường, mô hình xử lý ô nhiễm hiệu quả trong và ngoài nước.

Các địa phương được yêu cầu công khai danh sách cơ sở sản xuất phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động; đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước, camera môi trường, kết nối với hệ thống quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu nghiêm túc triển khai, tổ chức sơ kết vào tháng 12-2025; định kỳ 6 tháng và hằng năm gửi báo cáo về Bộ Công an tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Việc tổng kết Chỉ thị sẽ được tiến hành vào tháng 6/2030, làm cơ sở đề ra nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong giai đoạn tiếp theo.

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Phân loại rác tại nguồn chưa ‘chạm’ được đến đa số người dân

Dù đã có luật và lộ trình rõ ràng, phân loại rác tại nguồn vẫn chưa trở thành thói quen phổ biến trong cộng đồng dân cư.

Sơn La công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa lũ

Sơn La Mưa lớn kéo dài đã gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên một số tuyến đường.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thanh Hóa kết thúc 26 đảng bộ huyện, thành lập 166 đảng bộ xã phường

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 46 thống nhất kết thúc hoạt động 26 đảng bộ cấp huyện và thành lập 166 đảng bộ xã, phường mới.

Bình luận mới nhất