| Hotline: 0983.970.780

Hạn chế ô nhiễm không khí: Bắt đầu từ kiểm soát nguồn thải tại chỗ

Thứ Hai 07/07/2025 , 13:31 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí tại Việt Nam ngày càng nghiêm trọng. Cục trưởng Cục Môi trường đề nghị cần kiểm soát nguồn thải tại chỗ và có lộ trình giảm bụi mịn rõ ràng.

Việc quản lý chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các đô thị lớn, nơi ô nhiễm ngày càng trở thành vấn đề cấp bách. Dù đã có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, nhưng triển khai thực tế còn nhiều bất cập, từ thiếu nguồn lực, hạ tầng quan trắc hạn chế, đến phối hợp liên ngành chưa đồng bộ.

Phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường đã trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để làm rõ thêm các chính sách về vấn đề này.

Luật đã có, thực thi vẫn khó

Thưa ông, việc quản lý môi trường không khí ở Việt Nam hiện nay đang gặp những khó khăn gì, đặc biệt là về mặt cơ chế, chính sách?

Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: Khương Trung.

Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: Khương Trung.

Công tác quản lý chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn nói riêng và trên phạm vi toàn quốc nói chung đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021–2025 (Kế hoạch 1973).

Căn cứ theo quy định, các địa phương cũng cần xây dựng và ban hành kế hoạch cấp tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, trong số 63 tỉnh, thành, mới chỉ có 20 tỉnh thực hiện điều này.

Về triển khai, vẫn còn không ít vướng mắc, trước hết là khó khăn trong kiểm soát nguồn phát sinh chất thải. Dù đã xác định được các nhóm nguồn chính như giao thông, công nghiệp, xây dựng, đốt phụ phẩm nông nghiệp, sinh hoạt dân cư…, song việc kiểm soát các nguồn phát thải này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu sự đồng bộ. Đặc biệt, khu vực phía Bắc còn chịu ảnh hưởng rõ rệt từ các yếu tố khí hậu, thời tiết.

Thứ hai là vấn đề về nguồn lực. Việc đầu tư cho các giải pháp kiểm soát chất lượng không khí, bao gồm cả hạ tầng giao thông, còn hạn chế. Dù Chiến lược phát triển giao thông xanh đã được phê duyệt, nhưng quá trình thực hiện lại gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn lực. Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng hay sử dụng công nghệ lạc hậu ra khỏi nội đô cũng đòi hỏi lộ trình và kinh phí lớn, bao gồm cả hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Thứ ba là công tác quan trắc. Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư và Bộ đã tham mưu triển khai một số trạm quan trắc không khí tự động. Hiện cả nước có khoảng 27 trạm đang vận hành, một số do trung ương, một số do địa phương quản lý. Tuy nhiên, chỉ có trung ương mới đảm bảo duy trì số liệu thường xuyên, còn nhiều địa phương vẫn thiếu nguồn lực vận hành liên tục.

Theo thông lệ quốc tế, ngoài các trạm cơ bản, cần phải tăng mật độ mạng lưới trạm cảm biến thì mới có thể dự báo chính xác và kịp thời hơn. Đây là việc bắt buộc phải được tăng cường trong thời gian tới.

Thứ tư là sự phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành và địa phương còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ và chưa có thiết chế điều phối hiệu quả. Ý thức của doanh nghiệp và người dân cũng là một yếu tố đáng lo ngại. Dù công tác tuyên truyền, truyền thông đã được chú trọng, nhưng tình trạng doanh nghiệp xả thải vượt chuẩn, người dân xả rác bừa bãi, phương tiện giao thông không đảm bảo kiểm soát khí thải vẫn diễn ra phổ biến. Bộ đang tập trung xây dựng và ban hành các quy chuẩn về khí thải để siết chặt hơn trong thời gian tới.

Mục tiêu 2030: Giảm ít nhất 20% bụi mịn PM2.5

Từ những khó khăn nêu trên, Bộ có đặt ra mục tiêu cụ thể nào trong việc kiểm soát chất lượng không khí đến năm 2030?

Trong dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025–2030, chúng tôi đã xác định rõ mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu cụ thể.

Mục tiêu tổng quát là từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn; nâng cao sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, nồng độ bụi mịn PM 2.5 sẽ phải giảm ít nhất 20% so với mức trung bình của năm 2024. Theo số liệu quan trắc, năm 2024, nồng độ PM2.5 trung bình tại Hà Nội là khoảng 47 µg/m³. Như vậy, trong 5 năm tới, mục tiêu là đưa con số này xuống còn khoảng 37 µg/m³, và tiếp tục giảm dần để tiệm cận ngưỡng 30 µg/m³ trong các giai đoạn tiếp theo.

Vậy đâu là giải pháp, thưa ông?

Để đạt được mục tiêu này, cần đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông đang lưu hành, đặc biệt là ô tô và xe máy. Bộ đang tham mưu Thủ tướng ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với các phương tiện này. Dự kiến Hà Nội và TP HCM sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 1/1/2027.

Cùng với đó, các đô thị cần rà soát, xây dựng kế hoạch di dời hoặc yêu cầu các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu phải chuyển đổi công nghệ thân thiện với môi trường. Trường hợp không thể di dời, bắt buộc phải đổi mới công nghệ.

Về phát triển giao thông xanh, các địa phương cần đầu tư mạnh vào phương tiện công cộng, xe buýt điện, phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Hà Nội và TP.HCM có thể phải cam kết đến năm 2030 cơ bản chấm dứt xe sử dụng xăng dầu, thay thế bằng phương tiện xanh.

Phát triển giao thông xanh, các địa phương cần đầu tư mạnh vào phương tiện công cộng, xe buýt điện, phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Ảnh: Khương Trung.

Phát triển giao thông xanh, các địa phương cần đầu tư mạnh vào phương tiện công cộng, xe buýt điện, phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Ảnh: Khương Trung.

Giảm áp lực dân số cơ học, tăng đầu tư cho hạ tầng

Ông có thể cho biết với việc tập trung phát triển kinh tế-xã hội tại các thành phố lớn khiến gia tăng dân số cơ học tại đây đang tạo áp lực như thế nào đến môi trường đô thị? Và có giải pháp gì để kiểm soát?

Thực tế cho thấy làn sóng dân cư từ nông thôn tiếp tục đổ về các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM. Sự gia tăng dân số cơ học kéo theo khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, nhu cầu về điện, nước, nhiên liệu và phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy đều tăng mạnh. Phần lớn người dân mới đến thành phố đều sử dụng xe máy như phương tiện mưu sinh.

Tất cả những yếu tố này đặt ra áp lực rất lớn lên hạ tầng kỹ thuật môi trường đô thị. Vì vậy, chính quyền địa phương cần đầu tư mạnh hơn vào hệ thống thu gom và xử lý chất thải, kiểm soát khí thải, xử lý nước thải… để vừa đảm bảo nhu cầu dân sinh, vừa bảo vệ môi trường bền vững.

Ông Hoàng Văn Thức cho biết, hiện nay, quy chuẩn khí thải đối với ô tô đã được ban hành và đang áp dụng. Đối với xe máy, dự kiến trong tháng 7 này, Bộ sẽ ban hành quy chuẩn khí thải tương ứng.

Song song đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải cho cả ô tô và xe máy đang lưu hành. Bộ Nông nghiệp và Môi trường hiện đang tổng hợp, hoàn thiện các góp ý sau đợt lấy ý kiến tại Hà Nội và TP HCM, để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng này.

Xem thêm

Bình luận mới nhất