Kiểm soát ô nhiễm không khí: hành động có trách nhiệm
Thứ Năm 10/07/2025 , 21:56 (GMT+7)
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa tổ chức Hội nghị tham vấn xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030”.
Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 7h30 sáng 9/7/2025, Hà Nội đứng thứ 11 trong danh sách 126 thành phố ô nhiễm trên thế giới, trong khi TP.HCM ở mức trung bình. Tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, đang là một vấn đề nhức nhối, kéo dài và có xu hướng gia tăng. Các thành phố này thường xuyên nằm trong danh sách các đô thị ô nhiễm nhất thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và môi trường sống.
Kiểm soát ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết để bảo vệ sức khỏe người dân, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa tổ chức Hội nghị tham vấn xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030”. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm không khí ở các thành phố, đô thị lớn là hiện hữu và đang trở thành thách thức lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông ĐỖ ĐỨC DUY
Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Môi trường
(Ý kiến Bộ trưởng Đỗ Dức Duy: Lãnh đạo Đảng và Chính phủ, trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính …. Chúng ta cần hành động ngay, hành động đúng và hành động có trách nhiệm, vì chất lượng không khí hôm nay là sức khỏe và sự phát triển bền vững của đất nước ngày mai).
Trước yêu cầu cấp bách của thực tiễn, Chính phủ đã điều chỉnh định hướng từ xây dựng đề án sang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia, trong đó phân định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương. Cụ thể, Trung ương đóng vai trò xây dựng thể chế, hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư hạ tầng quan trắc và dự báo; còn địa phương là chủ thể tổ chức triển khai, chịu trách nhiệm kết quả thực hiện.
Tuy nhiên, nói về các giải pháp cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội và cả nước, lãnh đạo Sở NN&MT TP Hà Nội có nhiều trăn trở: Dù đã xác định rõ nguồn phát thải và giải pháp, nhưng trong quá trình triển khai, vẫn còn nhiều vướng mắc.
Chẳng hạn, theo số liệu đăng ký, Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu phương tiện xe máy, nhưng thực tế lên tới hơn 8 triệu, chưa kể số lượng phương tiện từ các địa phương khác vào thành phố giao thương mỗi ngày - tạo áp lực rất lớn. Nếu chúng ta chỉ đưa ra mệnh lệnh hành chính kiểu như đến năm 2030 toàn bộ phương tiện phải sử dụng điện, hoặc chuyển đổi sang nhiên liệu xanh, sạch thì sẽ không khả thi. Bởi lẽ, phương tiện giao thông không đơn thuần chỉ để di chuyển mà còn là công cụ mưu sinh của người dân. Dù Hà Nội không còn hộ nghèo, nhưng vẫn còn rất nhiều hộ khó khăn. Nếu áp dụng giải pháp cấm đoán đơn thuần, sẽ gây hệ lụy xã hội
Phó Giáo sư, TS. HOÀNG DƯƠNG TÙNG Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, kế hoạch cần bổ sung các số liệu cụ thể để phân tích nguyên nhân ô nhiễm, các chính sách cụ thể và hoàn thiện các chính sách này phù hợp với thực tế cũng như học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia làm tốt.
(Ý kiến ông Hoàng Dương Tùng).
Dự thảo Kế hoạch hành động được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng trên cơ sở đánh giá hiện trạng, dự báo các áp lực môi trường trong 5 năm đến 10 năm tới, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành, chuyên gia.
Trọng tâm là xác định các nhóm nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí như khí thải phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, đốt phụ phẩm nông nghiệp, phát thải từ các khu công nghiệp… để xây dựng giải pháp khả thi, hiệu quả.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết: Bộ sẽ tiếp nhận những ý kiến góp ý hết sức chân thành, thẳng thắn, quý báu của các thành viên Tổ công tác và các đại biểu dự cuộc họp để hoàn thiện dự thảo, từ đó thực sự hoàn thiện một bản Kế hoạch hành động vì một Việt Nam trong lành và phát triển bền vững. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Bộ NN&MT sẽ tiếp thu đầy đủ, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và triển khai thống nhất trên phạm vi toàn quốc.