| Hotline: 0983.970.780

Phát triển hydro xanh: Cần lực đẩy để bứt phá

Thứ Sáu 18/07/2025 , 17:43 (GMT+7)

TP.HCM Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển hydro xanh nhưng quá trình triển khai vẫn vướng nhiều rào cản về chi phí, công nghệ, cơ sở hạ tầng và chính sách.

Hydro xanh - nguồn nhiên liệu sạch sản xuất từ năng lượng tái tạo đang nổi lên như một giải pháp chiến lược trong quá trình chuyển dịch năng lượng và hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon tại Việt Nam. Song tiềm năng này vẫn chưa thể bứt phá nếu thiếu hành lang pháp lý rõ ràng và các chính sách hỗ trợ đủ mạnh.

PGS TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng để phát triển hydro xanh, cần có sự kết nối giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo, nghiên cứu. Ảnh: Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM.

PGS TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng để phát triển hydro xanh, cần có sự kết nối giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo, nghiên cứu. Ảnh: Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM.

Chia sẻ tại Hội thảo Hydro Việt Nam - Hàn Quốc 2025 do Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường TP HCM tổ chức, ông Nguyễn Ánh Tâm - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Hydro ASEAN Việt Nam (VAHC) cho biết, hydro xanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải cho các lĩnh vực khó chuyển đổi như công nghiệp nặng, giao thông vận tải và phát điện. Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng hydro đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác lập lộ trình phát triển, với mục tiêu sản xuất 100.000 - 500.000 tấn hydro sạch mỗi năm vào năm 2030, tăng lên 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050. Tuy nhiên, từ chiến lược đến hiện thực vẫn còn khoảng cách rất lớn.

Cũng theo ông Tâm, Việt Nam có lợi thế về năng lượng tái tạo để sản xuất hydro xanh, nhưng vẫn thiếu những điều kiện cần thiết để phát triển thị trường. Cụ thể, các công nghệ điện phân, lưu trữ và vận chuyển hydro hiện chưa phổ biến, trong khi hạ tầng chuyên biệt như ống dẫn, trạm nạp và kho chứa gần như chưa được xây dựng. Đồng thời, giá thành hydro xanh vẫn cao hơn nhiên liệu hóa thạch, khiến các doanh nghiệp khó mạnh dạn đầu tư nếu không có cơ chế hỗ trợ.

Đại diện Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM và Câu lạc bộ Hydro ASEAN Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, đặt nền móng cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phát triển hydro xanh. Ảnh: Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM.

Đại diện Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM và Câu lạc bộ Hydro ASEAN Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, đặt nền móng cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phát triển hydro xanh. Ảnh: Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM.

Chia sẻ thêm về rào cản thực tế, TS. Nguyễn Hữu Lương - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Dầu khí Việt Nam – cho rằng các cơ chế tài chính như hợp đồng chênh lệch (CFD), giá mua điện cố định (FiT), hay tín chỉ carbon vẫn chưa được áp dụng cụ thể cho hydro. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực này cũng đang thiếu trầm trọng, từ kỹ thuật vận hành đến chuyên gia hoạch định chính sách. Việc phát triển hydro, theo ông Lương, không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn và đầu tư chiến lược từ Nhà nước.

Chia sẻ từ góc nhìn giáo dục và nghiên cứu, PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng để đưa hydro xanh trở thành một trong những trụ cột của chuyển dịch năng lượng, cần có sự kết nối giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo, nghiên cứu. Ngoài hành lang pháp lý, Việt Nam cần xây dựng các quỹ xanh để tài trợ cho nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao công nghệ; đồng thời tranh thủ các sáng kiến hợp tác quốc tế để tiếp cận kỹ thuật và tài chính xanh. “Phát triển hydro không chỉ là bài toán kỹ thuật mà còn là sự tổng hòa giữa chính sách, nguồn lực và cam kết đồng hành của các bên liên quan”, PGS.TS Huỳnh Quyền nhấn mạnh.

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ tiếp nhận hệ thống cảnh báo ngập

Hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập lụt (FRMIS) - công nghệ cảnh báo ngập hiện đại vừa được giao Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ tiếp nhận vận hành.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Dự báo ngày mai bão WIPHA tiến vào Biển Đông

Sáng sớm nay 18/7, bão WIPHA đã hình thành trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines) với cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Bình luận mới nhất