Theo quyết định điều chỉnh được UBND tỉnh Trà Vinh ban hành ngày 20/5/2025, diện tích nghiên cứu thực hiện dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh sẽ được điều chỉnh từ 21 ha lên khoảng 52,76 ha. Trong đó, phần diện tích trên đất là 22,36 ha, bao gồm 0,66 ha rừng phòng hộ (phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định), còn lại 30,4 ha là diện tích mặt nước liền kề.
Dự án do Công ty Cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen (thuộc Tập đoàn The Green Solutions - TGS), một trong những doanh nghiệp nội địa tiên phong trong phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam, làm chủ đầu tư.

Giai đoạn đầu của dự án đã được khởi công từ tháng 3/2023. Trong quý 2/2025, chủ đầu tư sẽ hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư cho phần mở rộng dự án. Ảnh: TGS
Với mức vốn đầu tư sau điều chỉnh là 7.986,8 tỷ đồng (tương đương hơn 340 triệu USD). Vốn nhà đầu tư chiếm 15%, còn lại 85% là vốn huy động từ tổ chức tín dụng hoặc các nguồn hợp pháp khác.
Theo thiết kế, nhà máy có công suất sản xuất 24.000 tấn hydro mỗi năm, 182.500 tấn amoniac/năm và 195.000 tấn oxy/năm. Amoniac sẽ đóng vai trò như phương tiện lưu trữ và vận chuyển hydro hiệu quả, nhằm giảm chi phí logistics và tăng độ an toàn trong vận hành.
Công nghệ được sử dụng là điện phân nước biển, khai thác từ nguồn nước biển gần bờ với lưu lượng khoảng 20.000 m³/ngày đêm. Dự án phát sinh lượng nước thải công nghiệp lên đến 5.200 m³/ngày đêm, đi kèm là yêu cầu xử lý nước thải theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi xả ra môi trường.
UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các nội dung đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), được Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chấp thuận từ tháng 3/2024. Cụ thể, chủ đầu tư phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục; bố trí khu vực lưu chứa chất thải nguy hại; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển; đồng thời có phương án tái sử dụng nước sau xử lý nếu đủ tiêu chuẩn.
Với phần diện tích liên quan đến rừng phòng hộ, doanh nghiệp cần hoàn thành đầy đủ thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, tránh gây ảnh hưởng đến tuyến rừng chắn sóng ven biển vốn rất quan trọng với địa phương.
Giai đoạn đầu của dự án đã được khởi công từ tháng 3/2023 trên diện tích khoảng 21 ha, với thời gian thi công 24 tháng. Trong quý 2/2025, chủ đầu tư sẽ hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư cho phần mở rộng dự án. Toàn bộ công tác thi công xây dựng phần nhà máy được dự kiến hoàn thành vào quý 2/2027.

Vị trí dự án tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: petrotimes.vn
Giai đoạn chạy thử sẽ diễn ra từ quý 3 đến quý 4/2027, trước khi dự án chính thức vận hành thương mại từ cuối năm 2027. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ tạo ra 300 – 500 việc làm cho lao động địa phương, ưu tiên lao động kỹ thuật và các chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ngoài ra, dự án còn được kỳ vọng sẽ đóng góp vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại huyện Duyên Hải, nơi có thế mạnh về kinh tế biển nhưng còn thiếu các dự án công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn.
Dự án Hydro xanh Trà Vinh được đánh giá là phù hợp với định hướng phát triển năng lượng tái tạo và mục tiêu trung hòa carbon mà Việt Nam cam kết tại Hội nghị COP26. Theo Chiến lược phát triển năng lượng Hydrogen quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (ban hành theo Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2021), Việt Nam xác định phát triển hydrogen là một phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng và xây dựng nền kinh tế xanh.