Còn nhiều trăn trở...
Từ ngày 1/7/2026, theo Chỉ thị 20/CT-TTg, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực vành đai 1 Hà Nội. Đây là bước đi quan trọng nhằm cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Dù ủng hộ quyết định này song nhiều người dân sống, làm việc trong khu vực vành đai 1 vẫn còn không ít trăn trở khi thời điểm áp dụng đang đến gần.

Nhiều người dân sống, làm việc trong khu vực vành đai 1 vẫn còn không ít trăn trở khi phải chuyển từ xe xăng sang xe điện. Ảnh: Hoàng Hiền.
Sống tại một khu chung cư ở phường Ngọc Hà, chị Thu Trang, một người kinh doanh online và đang sử dụng xe điện chia sẻ những lo ngại thực tế về hạ tầng sạc. Mặc dù khu nhà chị đã có lắp đặt hệ thống sạc, nhưng số lượng ổ cắm còn hạn chế và chưa đáp ứng nhu cầu nếu số người dùng xe điện tăng lên.
“Chuyển sang xe điện là xu hướng tích cực, tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng hiện tại, việc tìm được chỗ đỗ có ổ điện để sạc không hề dễ. Xe thì cần sạc vài tiếng, thường là sạc qua đêm, nhưng không phải lúc nào cũng có chỗ thuận tiện. Nhiều khi người khác đỗ chắn ổ sạc, tôi phải đợi hoặc tìm nơi khác, trong khi chạy ra trạm công cộng rất bất tiện. Nếu không có quy định rõ ràng về hạ tầng sạc trong chung cư, thì việc chuyển đổi phương tiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, chị Trang bày tỏ.
Cùng tâm trạng, Lê Huy, sinh viên năm cuối Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, nhiều khu trọ sinh viên hiện không cho mang xe điện vào nhà vì lo cháy nổ, trong khi cũng không có khu vực sạc chung. “Chúng em đi học, đi làm thêm bằng xe máy, nếu không cho chạy xe xăng nữa mà chỗ trọ lại không dùng được xe điện thì chẳng biết xoay xở ra sao”, anh Huy chia sẻ.
Không chỉ sinh viên, với nhiều người lao động thu nhập thấp, việc chuyển đổi sang phương tiện xe điện cũng là một gánh nặng không nhỏ. Đối với bà Hồng, người giúp việc theo giờ ở quận Đống Đa, chiếc xe máy vừa mua năm ngoái tuy là xe cũ nhưng vẫn là một tài sản có giá trị đối với cô.
“Tôi làm mấy nhà quanh khu phố cổ, mỗi ngày phải di chuyển nhiều lần, nhiều nơi. Xe máy cũ tôi mua từ năm ngoái, tuy là xe cũ nhưng cũng phải dành dụm để mua, chạy vẫn ổn. Giờ cấm xe xăng mà không có hỗ trợ đổi xe thì biết lấy đâu tiền mua xe điện, chưa kể sạc ở đâu, hỏng thì sửa thế nào?”, bà Hồng băng khoăn.
Câu chuyện của những người dân này cho thấy, để chủ trương cấm xe xăng đi vào cuộc sống, thành phố cần một lộ trình thực hiện cụ thể, linh hoạt và có tính hỗ trợ mạnh mẽ. Trong đó, việc phát triển hạ tầng trạm sạc, hỗ trợ tài chính cho nhóm yếu thế và hướng dẫn kỹ năng sử dụng xe điện an toàn là những yêu cầu cấp thiết.
“Tôi không phản đối chính sách vì ai cũng muốn sống trong môi trường sạch hơn, ít khói bụi hơn. Nhưng nhà nước cũng cần tính đến điều kiện của từng người. Không thể chỉ ra lệnh cấm mà không hỗ trợ cho dân", ông Nguyễn Văn Đức, cư dân lâu năm ở phường Bạch Mai chia sẻ.
Nghiên cứu hỗ trợ thu đổi 450.000 xe máy xăng
Quá trình chuyển đổi sang phương tiện xanh không thể chỉ dừng lại ở quy định hành chính, mà cần có sự hỗ trợ thiết thực từ phía chính quyền. Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, thành phố sẽ hỗ trợ tối đa, tạo thuận lợi nhất cho cư dân sinh sống trong vành đai 1 cũng như những người thường xuyên di chuyển vào khu vực này với nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Cư dân sinh sống trong vành đai 1 cũng như những người thường xuyên di chuyển vào khu vực này sẽ được hỗ trợ tối đa trong việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh. Ảnh: Hoàng Hiền.
Theo đó, thành phố đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng dầu của người dân sống trong vành đai 1 và sẽ báo cáo Thành ủy, trình HĐND xem xét ban hành chính sách hỗ trợ gần như toàn bộ chi phí liên quan đến việc chuyển đổi như lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ôtô, xe máy điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác. “Trước mắt, thành phố ưu tiên bố trí trạm sạc tại các điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trong tòa nhà dân cư”, ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho các đối tượng sử dụng, thành phố cũng sẽ có giải pháp liên quan đến sử dụng pin xe điện, phòng cháy chữa cháy với hạ tầng và tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng bộ, hiện đại; có trạm đổi pin xe với sự tham gia của nhiều hãng, tránh độc quyền.
Về việc tạo thuận lợi cho người dân di chuyển trong khu vực cấm xe máy xăng, Hà Nội sẽ tăng cường các loại hình vận tải hành khách công cộng, phấn đấu nâng tỉ lệ này lên khoảng 40%. Trong đó sẽ nghiên cứu bổ sung xe buýt điện quy mô từ 8-12 chỗ, thậm chí 4 chỗ để trung chuyển trong khu vực vành đai 1.
Việc cấm xe máy chạy xăng trong vành đai 1 cũng là một bước đi cụ thể trong lộ trình xây dựng vùng phát thải thấp mà Hà Nội đang triển khai theo Luật Thủ đô và Chỉ thị 20/CT-TTg. Vành đai 1 là vùng đô thị trung tâm, mật độ dân cư cao, hệ thống giao thông dày đặc và chịu ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm không khí. Việc thiết lập vùng phát thải thấp tại khu vực vành đai 1 sẽ là mô hình thí điểm để đánh giá hiệu quả trước khi mở rộng ra các khu vực khác trong thành phố.
“Để cải thiện chất lượng môi trường sống và bảo vệ sức khỏe người dân, cần có sự chung tay của toàn xã hội, từ chính quyền, người dân đến doanh nghiệp. Lần này, chúng ta sẽ quyết tâm cao và triển khai nhanh chóng”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định.
Theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng ban hành ngày 12/7, từ 1/7/2026, Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng trong vành đai 1. Đến năm 2028, phạm vi cấm mở rộng ra vành đai 2 và từ năm 2030 là vành đai 3, đồng thời hạn chế cả với ôtô chạy xăng dầu.