| Hotline: 0983.970.780

Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới hướng tới net zero

Thứ Sáu 18/07/2025 , 14:26 (GMT+7)

Ngày 18/7, Viện Tư vấn phát triển (CODE) phối hợp với Tạp chí TheLEADER tổ chức Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025, chủ đề 'Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới'.

Với chủ đề “Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới”, Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025 cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng và vận hành thị trường carbon như một công cụ kinh tế quan trọng để đạt mục tiêu này.

Net Zero là cam kết mạnh mẽ nhất

Phát biểu khai mạc sự kiện, TS. Lê Xuân Nghĩa, đại diện Viện Tư vấn phát triển, nhấn mạnh: “Net Zero là cam kết mạnh mẽ nhất mà nhân loại từng đưa ra và thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là điểm dừng cuối cùng. Trong tương lai, nhân loại cần tiếp tục thúc đẩy thêm nhiều hành động mạnh mẽ hơn để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến nghiêm trọng”.

Theo ông Nghĩa, các thảm họa khí hậu đang gia tăng với tốc độ chưa từng thấy. Dịch bệnh, bão lũ, hạn hán và sự suy thoái nghiêm trọng của tài nguyên đất, nước và rừng không còn là vấn đề riêng của các quốc gia đang phát triển, mà đã tấn công cả những nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ.

TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá cam kết net zero là cam kết quan trọng và mạnh mẽ của thế giới trong nỗ lực thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: BTC.

TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá cam kết net zero là cam kết quan trọng và mạnh mẽ của thế giới trong nỗ lực thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: BTC.

Trước đó, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã công bố cam kết đạt Net Zero vào năm 2050. Kể từ đó, nhiều giải pháp lớn đã được triển khai nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực then chốt như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và năng lượng.

Việt Nam cũng chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Cam kết này không chỉ góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn tạo điều kiện để Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế và thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững.

Tuy nhiên, Việt Nam chỉ còn khoảng 25 năm để thực hiện lộ trình Net Zero – một quãng thời gian không dài nếu xét đến quy mô và mức độ phức tạp của nhiệm vụ kép: Vừa giảm phát thải, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế để trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

Do đó, Diễn đàn năm nay được tổ chức nhằm cập nhật xu hướng toàn cầu, thúc đẩy hành trình Net Zero của Việt Nam thông qua các động thái chính sách, thể chế, hành động thực tiễn và đổi mới công nghệ.

Thị trường carbon - công cụ tài chính quan trọng

TS. Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết ngay sau COP26, Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch thực hiện cam kết Net Zero với 5 nhóm giải pháp trọng tâm: Chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng, thu hồi và lưu trữ carbon và định giá carbon.

TS. Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, cho biết kế hoạch triển khai cam kết net zero của Việt Nam gồm 5 nhóm giải pháp chính, trong đó định giá carbon đóng vai trò quan trọng. Ảnh: BTC.

TS. Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, cho biết kế hoạch triển khai cam kết net zero của Việt Nam gồm 5 nhóm giải pháp chính, trong đó định giá carbon đóng vai trò quan trọng. Ảnh: BTC.

Trong đó, ông Quang nhấn mạnh định giá carbon là giải pháp quan trọng, đóng góp khoảng 28% cho nỗ lực giảm khí nhà kính và có thể huy động nguồn tài chính cần thiết cho Việt Nam. Hiện nay, định giá carbon được thực hiện thông qua hai cơ chế phổ biến: Thuế carbon (áp đặt mức giá cố định) và thị trường carbon (ấn định lượng phát thải và cho phép mua bán hạn ngạch, tín chỉ carbon).

Thị trường carbon hiện đang được triển khai theo hai hình thức: Thị trường bắt buộc gắn với quy định pháp lý, và thị trường tự nguyện phục vụ mục tiêu trung hòa carbon của doanh nghiệp. Trong đó, Hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV) đóng vai trò trung tâm nhằm bảo đảm tính minh bạch, chính xác cho các giao dịch.

Việt Nam đã thiết lập khung pháp lý bước đầu cho thị trường carbon thông qua Quyết định 232/QĐ-TTg và Nghị định 119/2025/NĐ-CP. Trong đó, theo kế hoạch, giai đoạn thí điểm dự kiến sẽ bắt đầu từ cuối năm 2025 đến năm 2028, bao gồm việc xây dựng sàn giao dịch carbon và cấp phát miễn phí hạn ngạch. Từ năm 2029, cơ chế đấu giá và kết nối quốc tế sẽ chính thức được áp dụng.

Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận thị trường carbon tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như năng lực kỹ thuật hạn chế, thiếu sự phối hợp liên ngành, và nhận thức chưa đầy đủ từ phía doanh nghiệp. Để khắc phục, cần hoàn thiện thể chế, số hóa hệ thống, tăng cường đào tạo nhân lực và mở rộng hợp tác quốc tế.

Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nguyên và môi trường, nhận định thị trường carbon sẽ là một trong những công cụ huy động tài chính khí hậu quan trọng nhất trong thập kỷ tới. Ông đánh giá cao nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý của Việt Nam để triển khai thị trường carbon.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nguyên và môi trường, đánh giá thị trường carbon sẽ là một trong những công cụ huy động tài chính khí hậu quan trọng nhất trong thập kỷ tới. Ảnh: BTC. 

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nguyên và môi trường, đánh giá thị trường carbon sẽ là một trong những công cụ huy động tài chính khí hậu quan trọng nhất trong thập kỷ tới. Ảnh: BTC. 

Dù vậy, để thị trường carbon vận hành hiệu quả, cần bổ sung hướng dẫn kỹ thuật chi tiết, nâng cao năng lực quản lý và giám sát ở cả cấp địa phương và doanh nghiệp. Sàn giao dịch carbon của Việt Nam phải được thiết kế theo chuẩn mực quốc tế nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động giao dịch.

Trong khuôn khổ sự kiện, các diễn giả đã trình bày nhiều nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và bài học từ doanh nghiệp về xây dựng thị trường carbon.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trao biểu trưng “Hành trình Net Zero tiêu biểu” nhằm tôn vinh các sáng kiến, dự án, tổ chức và cá nhân có đóng góp nổi bật trong nỗ lực giảm phát thải và trung hòa carbon – góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Dự báo ngày mai bão WIPHA tiến vào Biển Đông

Sáng sớm nay 18/7, bão WIPHA đã hình thành trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines) với cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Bình luận mới nhất