| Hotline: 0983.970.780

Minh bạch giúp sàn giao dịch tín chỉ carbon vận hành hiệu quả

Thứ Năm 17/07/2025 , 20:40 (GMT+7)

Nếu không có khuôn khổ tài chính rõ ràng và minh bạch, hoạt động của sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo tham vấn trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực cho Bộ Tài chính trong nghiên cứu mô hình và chuẩn bị vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam”, diễn ra ngày 17/7, tại Hà Nội.

Khuyến nghị cho thiết kế sàn giao dịch là cần tập trung vào giảm rủi ro từ tác động của áp lực tài khóa, chu kỳ chính sách, và đầu tư cho các chức năng thiết yếu như an ninh mạng, giám sát thị trường và đổi mới công nghệ.

Tránh nguy cơ thao túng giá tín chỉ carbon

Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam đã xác định rõ lộ trình triển khai thị trường, bao gồm giai đoạn thí điểm từ năm 2025 đến hết năm 2028 và giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2029. Với vai trò cơ quan chủ trì đề án, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các bộ, ngành liên quan chuẩn bị cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng để thành lập sàn giao dịch carbon trong nước.

Theo ông Trương Huỳnh Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: Việc xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon tập trung cho các ngành phát thải lớn là cách tiếp cận phổ biến, được nhiều quốc gia áp dụng và chứng minh tính hiệu quả trong thực tế. Hiện Bộ Tài chính đang tích cực, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ ban hành Nghị định về sàn giao dịch carbon, làm cơ sở triển khai giai đoạn thí điểm đến năm 2028.

Ông Trương Huỳnh Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ ban hành Nghị định về sàn giao dịch carbon. Ảnh: Trung Nguyên. 

Ông Trương Huỳnh Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ ban hành Nghị định về sàn giao dịch carbon. Ảnh: Trung Nguyên. 

Theo ông Thắng, khi chính thức đi vào hoạt động, sàn giao dịch carbon sẽ là thị trường tập trung, nơi các ngành phát thải lớn thực hiện mua bán tín chỉ carbon. Công cụ này không chỉ giúp hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, mà còn tạo động lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư giải pháp sản xuất thân thiện môi trường, phân bổ nguồn lực hiệu quả, thu hút đầu tư xanh và tạo nguồn thu cho các dự án khí hậu.

Nhằm cung cấp cơ sở khoa học, kỹ thuật và khuyến nghị cho dự thảo Nghị định về sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước và các văn bản pháp quy liên quan, Chương trình đối tác chuyển dịch năng lượng (ETP) do Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) quản lý tài trợ đã triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài chính. Đến nay, công tác đánh giá bước đầu đã hoàn thành, bao gồm xác định các khoảng trống về quản trị và pháp lý.

Mô hình vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước của Việt Nam được xây dựng dựa trên nền tảng thị trường chứng khoán hiện có, tận dụng hạ tầng của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC). Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ NN-MT, Ủy ban chứng khoán nhà nước trong công tác quản lý, giám sát.

Theo bà Đặng Hồng Hạnh, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) - Trưởng nhóm chuyên gia Dự án: Các quy định về quản lý và pháp lý hiện có và trong dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính vẫn chưa chỉ rõ quy trình phối hợp liên ngành, ràng buộc giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán nhà nước và các đơn vị vận hành thị trường. Bản chất pháp lý của hạn ngạch phát thải chưa rõ ràng, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động kế toán, thuế hay thế chấp tài sản, xử lý phá sản.

Thị trường carbon của Việt Nam được thí điểm từ năm 2025 đến hết năm 2028 và giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2029. Ảnh minh họa: Trung Nguyên.

Thị trường carbon của Việt Nam được thí điểm từ năm 2025 đến hết năm 2028 và giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2029. Ảnh minh họa: Trung Nguyên.

Về giá tín chỉ carbon, việc thiếu các cơ chế giới hạn biến động giá khiến thị trường dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động giá không kiểm soát và đầu cơ quá mức. Hiện cũng chưa có quy định về giám sát giao dịch thời gian thực, phát hiện giao dịch bất thường hoặc các cơ chế xử phạt theo mức độ vi phạm, để xử lý các hành vi lạm dụng hoặc thao túng giá. Kinh nghiệm từ các thị trường carbon quốc tế đã gặp phải các thách thức từ gian lận thuế VAT và tấn công lừa đảo làm phát sinh giao dịch giả, giao dịch rửa tiền, lệnh ẩn và thao túng giá gây thiệt hại nghiêm trọng. Đặc biệt, chưa có cơ chế để minh bạch quá trình hình thành giá tín chỉ carbon (giao dịch liên tục, sổ lệnh giới hạn, công bố giá công khai...).

“Bên cạnh đó, những khoảng trống trong thiết kế thị trường và tính thanh khoản có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản thấp. Ví dụ tại Hàn Quốc, năm đầu tiên gần như không có giao dịch và cơ quan quản lý đã phải có những điều chỉnh về nhằm tăng tính thanh khoản” – bà Hạnh cho biết.

Xây dựng bộ công cụ chính sách toàn diện

Theo Giáo sư Michael Mehling, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách năng lượng và môi trường, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT): Việc xây dựng cơ chế chính sách giám sát chặt chẽ có thể làm giảm rủi ro, thu hẹp chênh lệch giá mua - bán, và hạ thấp chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp.

Việt Nam cần xây dựng bộ công cụ chính sách bao gồm các quy trình thẩm tra thông tin, bảo vệ an toàn cho hệ thống đăng ký giao dịch tín chỉ để phòng ngừa gian lận. Bên cạnh đó, giới hạn số lượng hàng hóa được nắm giữ và mua trên thị trường đễ hạn chế việc đầu cơ, xây dựng cơ chế đối tác thanh toán trung tâm với mọi giao dịch đều thông qua sàn giao dịch. Để phát hiện các giao dịch bất thường, cần đầu tư cho hệ thống phân tích và báo cáo giao dịch theo thời gian thực; xác định chế tài xử phạt theo cấp độ để bảo đảm tính răn đe.

Giáo sư Michael Mehling, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách năng lượng và môi trường, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng Việt Nam cần xây dựng bộ công cụ chính sách toàn diện cho hoạt động giao dịch tín chỉ carbon. Ảnh: Trung Nguyên. 

Giáo sư Michael Mehling, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách năng lượng và môi trường, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng Việt Nam cần xây dựng bộ công cụ chính sách toàn diện cho hoạt động giao dịch tín chỉ carbon. Ảnh: Trung Nguyên. 

Mặt khác, việc giám sát công khai thông qua việc công bố dữ liệu thị trường sẽ giúp củng cố niềm tin đối với doanh nghiệp và cộng đồng, tạo thuận lợi khi triển khai thị trường carbon trong tương lai. “Việc công bố thường xuyên các bảng số liệu công khai về khối lượng giao dịch, giá cả và lượng hợp đồng đang lưu hành giúp cộng đồng giám sát và ngăn chặn các hành vi gian lận, lạm dụng” - Giáo sư Michael Mehling khẳng định.

Chia sẻ từ kinh nghiệm xây dựng thị trường carbon của Trung Quốc, Giáo sư Zhang Xiliang, Giám đốc Viện Năng lượng, Môi trường và Kinh tế tại Đại học Thanh Hoa - Chủ tịch Hiệp hội Giao dịch phát thải các-bon Trung Quốc (CETA) cũng nhấn mạnh: Cơ sở pháp lý là yếu tố quan trọng để xây dựng một thị trường carbon và sàn giao dịch tín chỉ carbon chất lượng cao, bền vững.

Trung Quốc đã xây dựng một nghị định cụ thể về xây dựng và vận hành sàn giao dịch do Quốc vụ viện ban hành, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho toàn bộ các hoạt động của thị trường. Các cơ quan chính phủ có thể đóng vai trò cầu nối giữa người bán và người mua tiềm năng đối với hạn ngạch phát thải để thiết lập giá khởi điểm. Bên cạnh đó, cần xác định được mô hình kinh doanh lý tưởng cho sàn giao dịch cũng như mối liên kết với công ty nhà nước hay tổ chức phi lợi nhuận.

Theo bà Adritha Subbiah, Quản lý khu vực, Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP): Một sàn giao dịch được thiết kế tốt có thể sẽ thúc đẩy đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia. Đã có rất nhiều mô hình, kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này và đây sẽ là thuận lợi cho Việt Nam lựa chọn ra mô hình phù hợp nhất với bối cảnh đất nước.  

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thanh Hóa kết thúc 26 đảng bộ huyện, thành lập 166 đảng bộ xã phường

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 46 thống nhất kết thúc hoạt động 26 đảng bộ cấp huyện và thành lập 166 đảng bộ xã, phường mới.

Bình luận mới nhất