Minh bạch phát thải để giữ chuỗi cung ứng
“Đã từng có thời, doanh nghiệp nhìn thấy những người như chúng tôi là xa lánh”, TS Đinh Thị Hải Vân, Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ khi nhìn lại hành trình từ chối thẳng thừng đến chủ động hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp trong câu chuyện giảm phát thải.
Chỉ trong vài năm, việc minh bạch lượng khí nhà kính không còn là một khái niệm “hàn lâm”, mà trở thành điều kiện bắt buộc để xuất khẩu. Khi tư vấn về lộ trình Net Zero cho doanh nghiệp, TS Vân cho biết, nhiều thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ , Nhật Bản đang gia tăng kiểm soát với hàng hóa phát thải cao.

TS Đinh Thị Hải Vân, Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: Bảo Thắng.
Cụ thể, EU đã chính thức áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), yêu cầu tất cả hàng hóa nhập khẩu trong các ngành có phát thải cao như thép, nhôm, xi măng… phải công khai lượng phát thải và chịu mức thuế bổ sung nếu vượt ngưỡng.
Tại Hoa Kỳ và Nhật Bản, các nhà nhập khẩu cũng yêu cầu minh bạch dấu chân carbon và báo cáo khí nhà kính. Nếu không đáp ứng, doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi đơn hàng hoặc chuỗi cung ứng.
Ngoài các chính phủ, các tập đoàn đa quốc gia như Apple, Unilever, IKEA... cũng đặt ra yêu cầu khắt khe về minh bạch phát thải và báo cáo ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp). Nếu không đáp ứng, doanh nghiệp Việt có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng.
“Cuộc chơi Net Zero đã được thiết lập ở quy mô toàn cầu. Doanh nghiệp nào không minh bạch sẽ không còn cửa đứng trong chuỗi”, TS. Vân cảnh báo.
Theo bà, để không bị gạt khỏi thị trường, điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm là minh bạch thông tin về phát thải. So với việc kiểm kê khí nhà kính (GHG inventory), công việc trên đơn giản hơn, dễ thực hiện hơn và tránh được tâm lý e dè cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Đây là bước xác định toàn bộ các nguồn phát thải trực tiếp và gián tiếp từ sản xuất, điện năng, vận chuyển đến chuỗi cung ứng.
Tiến tới, khi đã có kinh nghiệm, doanh nghiệp có thể bắt tay kiểm kê khí nhà kính theo các chuẩn quốc tế như GHG Protocol, ISO 14064. Đó là nền tảng để lập kế hoạch giảm phát thải và xây dựng báo cáo ESG. “Không đo thì không thể cải thiện. Doanh nghiệp phải xác định bước đi nền tảng này cho kế hoạch hành động Net Zero”, bà Vân nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp hành động sớm đang có lợi thế rõ rệt. Vinamilk đã được chứng nhận PAS 2060, đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. TH True Milk duy trì trung hòa carbon tại hai đơn vị thành viên đến năm 2028. Hòa Phát, doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực, dành 30% vốn đầu tư cho môi trường và tự chủ 80% nguồn điện.
Thách thức vì thế đang dồn nhiều vào khối SME, vốn thiếu kinh nghiệm, nhân lực và tài chính. Họ gần như chưa có khả năng tiếp cận các quy trình chuẩn và thường không hiểu rõ các yêu cầu quốc tế.
Dù vậy, giờ là lúc không thể chần chừ ở bất cứ cấp độ nào. TS Vân đưa ra cảnh báo, càng chậm trễ, chi phí chuyển đổi càng cao. Khi CBAM đi vào vận hành đầy đủ từ năm 2026, hàng hóa phát thải cao sẽ chịu mức thuế cao ngất ngưởng, khiến giá thành đội lên, mất hoàn toàn sức cạnh tranh. “Khi đó, không hành động cũng đồng nghĩa với tự loại mình khỏi sân chơi xuất khẩu”, bà nói.
Để hỗ trợ, Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh cùng các tổ chức tư vấn đã triển khai mô hình “một cửa” giúp doanh nghiệp từ kiểm kê phát thải, lập kế hoạch giảm thiểu, tư vấn tiếp cận tín dụng xanh, đến xây dựng báo cáo ESG theo chuẩn quốc tế GRI.
“Không đo thì không cải thiện được. Không minh bạch thì không thể tham gia vào sân chơi quốc tế. Đây không còn là chi phí tuân thủ, mà là khoản đầu tư chiến lược để tồn tại trong thời đại hiện nay”, chuyên gia về môi trường bày tỏ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu nhiều áp lực về kiểm kê khí nhà kính. Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp nhỏ dễ bị gạt khỏi chuỗi nếu không kịp thích ứng
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, chỉ những doanh nghiệp thuộc danh sách cơ sở phát thải lớn mới bắt buộc kiểm kê khí nhà kính định kỳ từ năm 2026.
Tiêu chí xác định doanh nghiệp phải kiểm kê là: Cơ sở phát thải từ 3.000 tấn CO2 tương đương/năm, hoặc tiêu thụ năng lượng vượt ngưỡng 1.000 TOE/năm (tương đương 4.186 GJ hoặc 1.000 tấn dầu quy đổi), hoặc thuộc các ngành nghề năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải.
Như vậy, doanh nghiệp SME cũng thuộc diện bắt buộc kiểm kê nếu vượt các ngưỡng trên, bất kể quy mô về lao động hay doanh thu.
Ông Trần Công Hòa - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Hoa - thừa nhận, nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng do chưa nắm rõ nội dung cần kê khai. Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ và thủ tục hành chính khi triển khai các biện pháp giảm phát thải cũng khiến không ít doanh nghiệp chùn bước.
Tuy nhiên, ông Hoà nhìn nhận rằng hướng tới Net Zero và đạt chứng nhận liên quan sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và thương hiệu trên cả thị trường trong nước lẫn quốc tế. Ông bày tỏ mong muốn được kết nối nhiều hơn với các chương trình như "Vì Môi trường xanh Quốc gia" để cập nhật thông tin và giải pháp phù hợp.
Chia sẻ quan điểm này, TS Đinh Thị Hải Vân cho rằng khối SME là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Khi các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon như CBAM và tiêu chuẩn ESG được siết chặt, các tập đoàn đa quốc gia sẽ buộc các nhà cung cấp SME phải kiểm kê và minh bạch phát thải nếu muốn duy trì hợp đồng.
Theo bà Vân, kiểm kê khí nhà kính không phải là bài toán quá phức tạp nếu doanh nghiệp tiếp cận theo hướng từng bước: đo - báo cáo - giảm - bù trừ. SME có thể khởi động từ việc kiểm kê Scope 1 và Scope 2, hai phạm vi dễ thực hiện nhất, bao gồm phát thải trực tiếp từ nhiên liệu (xăng, dầu, LPG…) và phát thải gián tiếp từ điện năng tiêu thụ. Số liệu có thể thu thập từ hóa đơn điện, nhiên liệu và hồ sơ vận hành hiện có.
Khi đã có dữ liệu cơ bản, doanh nghiệp nên rà soát các điểm phát thải chính như khu vực nấu ăn, chiếu sáng, hệ thống lạnh, máy móc… để triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng không cần đầu tư lớn, như thay bóng đèn LED, điều chỉnh nhiệt độ điều hòa, bảo trì định kỳ hệ thống lạnh hoặc trồng cây xanh trong khu làm việc.
Bước cuối cùng là lập kế hoạch hành động trung hòa carbon, với mục tiêu cụ thể như giảm 10–20% lượng phát thải/tấn sản phẩm trong 5 năm, kết hợp với bù trừ carbon qua các dự án trồng rừng, đầu tư xanh hoặc mua tín chỉ carbon.
TS Vân khuyến nghị các doanh nghiệp nên xem năm 2025 là năm “diễn tập” cho hoạt động kiểm kê khí nhà kính. Việc chuẩn hóa quy trình từ sớm sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tránh bị động khi quy định chính thức có hiệu lực từ năm 2026.
Ông Trịnh Quang Hân, Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương đánh giá, doanh nghiệp đang được hưởng nhiều chính sách thuận lợi để xây dựng lộ trình Net Zero. Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã đặt nền tảng pháp lý cho việc kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nhà nước cũng triển khai các ưu đãi thiết thực như tín dụng xanh lãi suất thấp, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm cho dự án môi trường, đồng thời hỗ trợ chuyển giao công nghệ giảm phát thải.
Những doanh nghiệp hành động sớm không chỉ tránh được rủi ro bị đánh thuế carbon khi xuất khẩu, mà còn có cơ hội tiếp cận vốn đầu tư quốc tế và bán tín chỉ carbon trong tương lai.