| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh lệnh cấm xe máy xăng: [Bài 3] Kiểm tra, giám sát chặt, tránh mất lòng tin của người dân

Thứ Sáu 18/07/2025 , 08:45 (GMT+7)

PGS.TS Bùi Thị An phân tích những thách thức và giải pháp khả thi để triển khai hiệu quả yêu cầu cấm xe máy chạy xăng trong vành đai 1.

Việc cấm xe máy chạy xăng dầu trong bối cảnh hạ tầng giao thông công cộng ở TP Hà Nội chưa hoàn thiện, chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện còn thiếu đồng bộ đang đặt ra nhiều lo ngại và thách thức. Để làm rõ hơn những vấn đề đặt ra xung quanh Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội Khoá XIII, nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng.

PGS. TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII.

PGS. TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII.

Thưa PGS.TS Bùi Thị An, theo bà, lộ trình cấm xe máy chạy xăng tại vành đai 1 khả thi đến đâu, khi Hà Nội hiện vẫn phụ thuộc lớn vào phương tiện cá nhân?

Trước hết, phải nói rằng Chỉ thị của Thủ tướng liên quan đến việc giảm phát thải nhằm cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội là một chủ trương vô cùng đúng đắn. Điều này liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững, một trong ba trụ cột gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, môi trường không khí là yếu tố rất quan trọng.

Đặc biệt, trong thời gian vừa rồi, Hà Nội liên tục nằm trong mức báo động rất cao về chất lượng không khí thấp, không khí xấu, ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe người dân. Theo báo cáo từ các cơ sở y tế, số bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp đã tăng đột biến do ô nhiễm không khí, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Chỉ thị này phù hợp với chủ trương chung của đất nước, cũng như cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra trong việc giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

Trong Chỉ thị đã ghi rõ lộ trình cụ thể, từ ngày 1/7/2026 sẽ cấm các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực vành đai 1. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến đó chỉ còn khoảng 11 tháng, và đây là một thách thức rất lớn với Hà Nội.

Hà Nội hiện có khoảng 9 triệu dân, chưa kể dân vãng lai, và phương tiện xe máy rất nhiều. Phần lớn xe máy này sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và không đơn thuần là phương tiện đi lại, mà còn gắn với kế sinh nhai của rất nhiều người dân.

Do đó, thực hiện Chỉ thị này là một thử thách lớn. Hà Nội cần có đủ điều kiện và tiềm lực để thay thế xe máy chạy nhiên liệu bẩn bằng xe sử dụng năng lượng sạch. Trước đây, thành phố đã có chính sách hỗ trợ thay thế dần một số phương tiện gây ô nhiễm, nhưng việc thực hiện chưa đạt kỳ vọng.

Theo bà, Hà Nội cần làm gì để hệ thống giao thông công cộng đủ sức thay thế cho xe máy cá nhân trong khu vực vành đai 1?

Trong tổng thể các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hiện nay, giao thông là một trong những nguyên nhân lớn, đặc biệt là khí phát thải từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Do đó, nội dung Chỉ thị là rất chuẩn xác.

Tuy nhiên, để thực hiện khả thi thì cần một giải pháp đồng bộ. Thiếu bất kỳ khâu nào cũng khó đạt hiệu quả, nhưng mỗi nơi có thể ưu tiên khác nhau tùy theo thực tế. Điều đầu tiên là cần đánh giá tác động, xem khi thực hiện Chỉ thị này thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ra sao, đặc biệt là những người đang dùng xe máy để sinh nhai.

Ví dụ như nông dân bán rau quả từ ngoại thành vào nội thành, hay người lao động di chuyển giữa trong và ngoài vành đai 1. Cần khảo sát, đánh giá xem có bao nhiêu người đang gắn chặt với xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch vì mục đích mưu sinh, để phân loại hỗ trợ theo mức độ cần thiết, ai cần hỗ trợ trước, ai cần sau, tùy theo từng gia đình, từng hoàn cảnh.

Hiện ngân sách không thể đủ để hỗ trợ ngay cho tất cả mọi người. Không thể một lúc thay 6-7 triệu xe máy. Vì vậy, tôi nghĩ rằng các địa phương nên chủ động thực hiện, trước hết là các phường lõi trong nội đô như Hoàn Kiếm, Cửa Nam, Ba Đình. Lãnh đạo phường cần khảo sát, phân loại, báo cáo thành phố để có phương án hỗ trợ phù hợp.

Thứ hai, nếu bỏ xe máy thì phải có phương tiện thay thế. Cần phát triển xe công nghệ, xe xanh. Nhưng để người dân chuyển đổi thì hạ tầng cũng phải đáp ứng. Ví dụ như trạm sạc phải được bố trí dày hơn, thuận tiện hơn. Nếu người dân phải xếp hàng sạc điện thì sẽ bị chậm giờ làm, ảnh hưởng thu nhập.

Thứ ba, hạ tầng giao thông phải được cải thiện, đường sá, tuyến xe buýt, tổ chức giao thông theo hướng tiện lợi. Ví dụ, người dân gửi xe máy ngoài vành đai 1, sau đó có thể dễ dàng chuyển sang phương tiện công cộng.

Thứ tư, cần tăng cường phương tiện giao thông công cộng, xe xanh, xe sạch, xe công nghệ. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì cần có chính sách hỗ trợ, từ đất đai, tín dụng, đến điều kiện tiếp cận thị trường. Doanh nghiệp có tiềm lực thì người dân mới có phương tiện thay thế.

Bên cạnh đó, còn nhiều giải pháp khác như tuyên truyền, giám sát, đánh giá. Nhưng điều kiện vật chất là yếu tố then chốt. Nếu không có điều kiện này, sẽ rất khó khả thi. Tuy nhiên, tôi tin rằng Hà Nội có thể làm được.

Bà có cho rằng, nếu không có biện pháp giám sát hiệu quả, liệu lệnh cấm có biến thành hình thức, gây phản ứng ngược trong dư luận?

Đúng vậy, giám sát là rất quan trọng. Nếu không giám sát nghiêm thì người thực hiện đúng bị thiệt, còn người vi phạm thì lại không bị xử lý.

Giám sát phải được tổ chức bài bản từ trên xuống dưới, làm thực chất thì kết quả mới thực chất. Công cụ giám sát có thể là thiết bị kỹ thuật số, nhưng cuối cùng vẫn là con người, những người được giao nhiệm vụ giám sát phải có năng lực và sự khách quan.

Nếu không, sẽ dẫn đến mất lòng tin của người dân. Chúng ta không thể để tình trạng xe bẩn vẫn lọt qua, còn xe sạch không được ghi nhận. Do đó, phải giám sát thường xuyên, thông minh, và đặc biệt là không chỉ định kỳ, vì nếu có chu kỳ thì người ta có thể tìm cách lách luật.

Phải sử dụng công nghệ số, đồng thời đảm bảo con người thực thi có đạo đức, trung thực. Có như vậy mới giúp lãnh đạo thành phố có cơ sở xử lý nghiêm minh, người dân tin tưởng, đồng thuận.

Nếu xử phạt không nghiêm, hoặc không công bằng thì niềm tin sẽ giảm sút, ảnh hưởng hiệu quả của Chỉ thị.

Về vấn đề minh bạch thông tin, hiện nay các cơ quan nhà nước có công cụ để đo chỉ số không khí, chỉ số ô nhiễm. Vậy người dân có quyền được biết những thông tin này không, và liệu chính quyền có thể công khai để người dân điều chỉnh hành vi?

Tôi nghĩ rằng, theo Luật Tiếp cận thông tin, người dân có quyền biết tất cả những gì không thuộc phạm trù an ninh quốc gia hay bí mật nhà nước. Nhưng hiện nay, người dân vẫn ngại tiếp cận cơ quan công quyền để hỏi thông tin, và bản thân các cơ quan cũng chưa minh bạch đầy đủ.

Tôi đề nghị phải minh bạch thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối thông tin. Các cơ quan quản lý có trách nhiệm thực hiện đúng Luật cung cấp thông tin cho người dân. Làm sao để việc tiếp cận thông tin được dễ dàng, thuận tiện. Có thông tin thì người dân mới giám sát, đánh giá được.

Nếu không minh bạch, thì tất cả các hoạt động, kể cả tốt, cũng dễ bị hiểu sai, và mọi thứ sẽ lệch chuẩn. Minh bạch là nền tảng để người dân “biết, bàn, làm, kiểm tra, giám sát và hưởng lợi”.

Thực hiện

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ tiếp nhận hệ thống cảnh báo ngập

Hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập lụt (FRMIS) - công nghệ cảnh báo ngập hiện đại vừa được giao Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ tiếp nhận vận hành.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thanh Hóa kết thúc 26 đảng bộ huyện, thành lập 166 đảng bộ xã phường

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 46 thống nhất kết thúc hoạt động 26 đảng bộ cấp huyện và thành lập 166 đảng bộ xã, phường mới.

Bình luận mới nhất