| Hotline: 0983.970.780

Rác thải đại dương bủa vây Côn Đảo: [Bài 4] Chặn rác không trôi thẳng ra biển

Thứ Năm 17/07/2025 , 14:20 (GMT+7)

TP.HCM Quản lý rác thải đất liền và giảm nhựa dùng một lần là ‘chìa khóa’ giữ biển Côn Đảo sạch rác, bảo vệ hệ sinh thái biển quý giá.

Quản lý rác thải đất liền giúp ngăn rác ra biển

Đặc khu Côn Đảo với diện tích gần 76 km², với dân số hơn 13.000 người. Mỗi năm, hòn đảo này đón và phục vụ từ 500.000 - 600.000 lượt khách du lịch. Do đó, Côn Đảo đang đối mặt với áp lực rác thải sinh hoạt lên tới 27 tấn mỗi ngày, trong đó 4-4,3 tấn là rác nhựa. Đây là mức phát sinh bất thường.

Bãi rác duy nhất, xây từ năm 1985, đã quá tải với khoảng 100.000 tấn rác tồn đọng. Theo WWF-Việt Nam, mỗi năm Côn Đảo phát sinh 634 tấn rác nhựa, trong đó khoảng 32,4 tấn thất thoát ra biển, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái ven đảo, đặc biệt là các rạn san hô và rừng ngập mặn.

Có ít nhất 14 cá thể rùa biển tại Côn Đảo bị mắc kẹt hoặc chết bởi các tấm lưới ma hoặc nuốt phải rác thải nhựa địa phương. Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Có ít nhất 14 cá thể rùa biển tại Côn Đảo bị mắc kẹt hoặc chết bởi các tấm lưới ma hoặc nuốt phải rác thải nhựa địa phương. Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Theo báo cáo mới nhất của UBND đặc khu, trung bình mỗi ngày đảo phát sinh khoảng 1,1 tấn rác thải sinh hoạt, tương đương khoảng 400 tấn/năm. Trong đó, rác thải nhựa chiếm đến hơn 35% tổng lượng rác.

Tuy nhiên, do hệ thống thu gom và xử lý rác chưa đồng bộ, lượng rác thất thoát ra môi trường vẫn lớn, đặc biệt trong mùa mưa gió Tây Nam. Ước tính có khoảng 20% lượng rác không được thu gom đúng cách trôi ra biển, góp phần vào cuộc khủng hoảng rác thải đại dương tại vùng biển quanh đảo.

Nhận diện rõ tác hại của rác nhựa đến hệ sinh thái và kinh tế du lịch, từ năm 2022, chính quyền huyện (thời điểm đó) phối hợp với các tổ chức phi chính phủ như WWF, Tái Sinh Zone và các doanh nghiệp địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quản lý rác thải tập trung vào phân loại tại nguồn và tăng cường thu gom.

Mô hình phân loại rác được thí điểm tại hơn 500 hộ gia đình trong các khu, kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức. Kết quả bước đầu cho thấy tỷ lệ rác được phân loại và thu gom đúng quy trình tăng từ 30% năm 2022 lên gần 60% năm 2024.

Hoạt động thu gom rác thải đại dương được thực hiện thường xuyên hơn, bài bản hơn và có sự chung tay của cả cộng đồng. Ảnh: Phan Thị Tím.

Hoạt động thu gom rác thải đại dương được thực hiện thường xuyên hơn, bài bản hơn và có sự chung tay của cả cộng đồng. Ảnh: Phan Thị Tím.

Các trường học như THPT Lê Quý Đôn, Tiểu học Nguyễn Trãi đều đưa nội dung giáo dục về giảm nhựa, phân loại rác vào chương trình học. Học sinh được hướng dẫn tận tay phân loại rác thải, đồng thời tham gia các hoạt động thu gom, dọn dẹp bãi biển định kỳ.

Ngoài ra, các khu du lịch, nhà hàng, homestay trên đảo cũng thực hiện các cam kết giảm sử dụng nhựa dùng một lần, đồng thời bố trí thùng rác phân loại. Một số cơ sở kinh doanh lớn đã hợp tác với doanh nghiệp địa phương để thu gom rác tái chế, tạo chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn.

Theo bà Phan Thị Tím, Phó trưởng phòng Kinh tế đặc khu Côn Đảo: “Năm 2023, lượng rác nhựa sử dụng một lần đã giảm khoảng 25% so với năm 2021, nhờ sự phối hợp giữa các bên trong tuyên truyền và quy định quản lý. Trong năm 2025, tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý phấn đấu giảm 85%”.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Trong chiến lược giảm rác thải nhựa, Côn Đảo đặt mục tiêu hạn chế tối đa nhựa dùng một lần là một trong những nguồn rác nhựa chủ yếu trôi ra biển.

UBND đặc khu đã ban hành quy định nghiêm cấm sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, hộp xốp, chai nhựa dùng một lần tại các chợ, siêu thị và các điểm dịch vụ công cộng. Các cửa hàng được khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường như túi giấy, hộp giấy, ly tre, và vật liệu phân hủy sinh học.

Chiến dịch truyền thông “Côn Đảo xanh - nói không với nhựa dùng một lần” được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức từ poster, video, hội thảo, đến các hoạt động trải nghiệm thực tế cho du khách và người dân.

Chương trình đổi rác lấy quà của UBND đặc khu Côn Đảo được người dân hưởng ứng tham gia. Ảnh: Phan Thị Tím.

Chương trình đổi rác lấy quà của UBND đặc khu Côn Đảo được người dân hưởng ứng tham gia. Ảnh: Phan Thị Tím.

Số liệu từ Tổ chức Tái Sinh zone cho thấy, từ khi triển khai đến nay, hơn 80% các cửa hàng, quán ăn trên đảo đã chuyển đổi sang dùng vật liệu thân thiện, góp phần giảm hơn 30 tấn rác nhựa mỗi năm.

Bên cạnh đó, dự án kinh tế tuần hoàn được WWF hỗ trợ xây dựng đã giúp tạo ra chuỗi thu gom, tái chế rác thải nhựa trên đảo. Rác nhựa được thu gom phân loại, xử lý và chuyển về đất liền tái chế hoặc tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện môi trường.

Nhờ đó, lượng rác nhựa chôn lấp giảm đáng kể, kéo theo giảm nguy cơ thất thoát ra môi trường biển.

Ông Nguyễn Văn Đa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP HCM nhận định: “Kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm thiểu rác thải mà còn mở ra cơ hội tạo việc làm và phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương”.

Sự thành công của các giải pháp quản lý rác thải tại Côn Đảo đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền đặc khu, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng.

UBND đặc khu đã thành lập Ban chỉ đạo giảm rác thải nhựa, đảm bảo sự đồng bộ trong chính sách và giám sát thực hiện. Đồng thời, các doanh nghiệp địa phương tham gia tích cực trong việc phân phối sản phẩm thân thiện và thu gom tái chế.

Rác thải đại dương được tái chế, làm cho sống động trở lại và trở thành đạo cụ để tuyên truyền trong 'cuộc chiến' chống rác thải nhựa tại Tái Sinh Zone. Ảnh: Lê Bình.

Rác thải đại dương được tái chế, làm cho sống động trở lại và trở thành đạo cụ để tuyên truyền trong "cuộc chiến" chống rác thải nhựa tại Tái Sinh Zone. Ảnh: Lê Bình.

Các chương trình hợp tác quốc tế đã mang đến nguồn lực kỹ thuật và tài chính giúp huyện nâng cao năng lực xử lý rác thải, đồng thời tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương.

Sự hưởng ứng của cộng đồng là “đòn bẩy” quan trọng để duy trì và phát triển các mô hình bền vững trong quản lý rác thải.

Giải pháp chặn rác thải đại dương tại Côn Đảo không thể tách rời việc quản lý rác thải trên đất liền, giảm nhựa dùng một lần và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Với sự quyết tâm của chính quyền, sự đồng lòng của người dân, sự hỗ trợ của các tổ chức và doanh nghiệp, Côn Đảo đang từng bước giữ vững vị trí “trái tim xanh” của biển Đông Nam bộ, mở ra hướng đi bền vững trong công cuộc bảo vệ đại dương trước thách thức rác thải nhựa.

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Khả năng xuất hiện một cơn bão hướng vào Biển Đông

Một vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Philippines có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển vào Biển Đông trong 2-3 ngày tới, gây thời tiết xấu trên biển.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thanh Hóa kết thúc 26 đảng bộ huyện, thành lập 166 đảng bộ xã phường

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 46 thống nhất kết thúc hoạt động 26 đảng bộ cấp huyện và thành lập 166 đảng bộ xã, phường mới.

Bình luận mới nhất