| Hotline: 0983.970.780

Cà phê, cao su trồng trên đất khoán có thể khó xuất khẩu sang EU

Thứ Hai 28/07/2025 , 16:14 (GMT+7)

Hàng chục nghìn hecta đất khoán chưa rõ pháp lý tại các công ty nông nghiệp có thể khiến nông sản không đáp ứng yêu cầu truy xuất, bị loại khỏi chuỗi cung toàn cầu.

Thực trạng khoán đất chồng chéo, gây lúng túng

Một số diện tích cà phê, cao su - 2 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - hiện được trồng trên đất khoán chưa rõ ràng về pháp lý. Đây là cảnh báo được ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - đưa ra tại hội thảo về chính sách khoán đất trong các công ty nông, lâm nghiệp Nhà nước vừa diễn ra.

Tình trạng này có thể khiến nhiều nông sản chủ lực rơi vào tình trạng bị loại khỏi chuỗi cung toàn cầu, vì không làm rõ được quyền sử dụng đất nơi cây trồng đang sinh trưởng.

Nông dân trồng cà phê tại Đắk Lắk nghiên cứu tài liệu IPHM tại vườn. Ảnh: Đình Phượng.

Nông dân trồng cà phê tại Đắk Lắk nghiên cứu tài liệu IPHM tại vườn. Ảnh: Đình Phượng.

Cảnh báo này không phải là dự đoán, mà dựa trên những dữ liệu thực tế đang hiện hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, đến năm 2024 Việt Nam có 121 Công ty nông nghiệp hiện đang nắm giữ 447.058 ha đất nông nghiệp. Các diện tích giao khoán cho các hộ gia đình chiếm gần 24% trong tổng diện tích. Tương tự, số liệu của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho thấy hiện trên 160 công ty lâm nghiệp đang quản lý 1,14 triệu ha rừng, trong đó phần khoán cho các hộ chiếm khoảng 28%.

Vấn đề nằm ở chỗ, một số diện tích khoán đang thuộc các hợp đồng khoán kéo dài hàng chục năm, thậm chí tới 50 năm, hoặc theo các chu kỳ cây, theo các nghị định cũ như Nghị định 01/CP ban hành năm 1995 hoặc Nghị định 135/2005/NĐ-CP năm 2005, hiện đã hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với các yêu cầu pháp lý và thị trường hiện hành. Tuy nhiên, hiện thiếu khung chính sách để giải quyết dứt điểm các hợp đồng và diện tích khoán đã hết hiệu lực nhưng các hộ nhận khoán vẫn đang canh tác.

Đất khoán là hình thức các công ty nông, lâm nghiệp Nhà nước ký hợp đồng khoán đất, vườn cây cho người lao động hoặc nông hộ để sản xuất. Hợp đồng khoán quy định nghĩa vụ giao nộp sản phẩm, thời hạn khoán, trách nhiệm hai bên.

Tuy nhiên, do thay đổi chính sách qua các thời kỳ và việc thực hiện thiếu đồng bộ, đang tồn tại hàng chục nghìn hecta đất khoán không có hợp đồng rõ ràng, không xác định được quyền sử dụng, gây tranh chấp hoặc lúng túng trong quản lý.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Forest Trends nhận xét, rủi ro lớn nhất hiện nay là những diện tích đất không rõ ràng về tính hợp pháp đó sẽ không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu nơi có các quy định chặt chẽ về tính hợp pháp và nguồn gốc xuất xứ.

Các quy định mới như EUDR của Liên minh châu Âu yêu cầu nghiêm ngặt về 3 yếu tố đối với 7 loại mặt hàng nông lâm sản khi nhập khẩu vào thị trường này: đất sản xuất phải hợp pháp, không gây mất rừng và có khả năng truy xuất đến từng lô đất. Ông Phúc cho rằng, nếu cà phê hay cao su được trồng trên đất khoán mà người sử dụng đất không chứng minh được quyền sử dụng hợp pháp thì sản phẩm không có khả năng đáp ứng được EUDR và có rủi ro bị loại khỏi thị trường này.

Tình trạng này đã được phản ánh trong báo cáo của chính các doanh nghiệp. Ông Phạm Văn Nghị, Thành viên HĐTV Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho biết, đơn vị đã thực hiện khoán theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP, nhưng vẫn còn tồn tại một số vùng chưa thể ký được hợp đồng mới do người lao động không hợp tác do các nhận khoán vẫn theo các hình thức khoán cũ (theo Nghị định 01, 135) và không chuyển qua hình thức khoán mới.

Cá biệt, tại một số địa bàn tỉnh Đắk Lắk, người nhận khoán đã tự ý rào vườn, trồng cây ăn trái thay vì cây cà phê, không giao nộp sản phẩm, và không tuân thủ quy định.

Bên cạnh đó, ông Nghị cũng thông tin, một số hộ tự xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp, biến đất khoán thành đất tư hữu trên thực tế, tạo ra nhiều bất cập trong quản lý và tiềm ẩn rủi ro pháp lý lớn. Hiện chưa có chế tài để thanh lý các loại tài sản của hộ trên đất.

Với ngành cao su, tình trạng không rõ ràng về các hình thức khoán cũng tương tự. Báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho thấy, nhiều công ty thành viên vẫn đang duy trì các hợp đồng khoán theo Nghị định 01/CP (ban hành năm 1995) và Nghị định 135/2005/NĐ-CP, với thời hạn từ 30 đến 50 năm. Những hợp đồng này không còn phù hiệu lực nhưng việc chấm dứt hoặc điều chỉnh lại gặp rất nhiều khó khăn.

Các diện tích khoán đất không rõ ràng về mặt pháp lý khiến Việt Nam có thể mất đi cơ hội tiếp cận với thị trường tín chỉ carbon - một nguồn tài chính mới được kỳ vọng sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngành lâm nghiệp.

Chuyên gia Tô Xuân Phúc nhìn nhận, nếu không xác định được rõ ràng về các quyền carbon trên các diện tích đất giao khoán, quyền hưởng lợi từ việc hấp thụ và lưu giữ carbon trên các diện tích này sẽ không thể phân định và sẽ rất khó để đưa các diện tích này vào cơ chế tài chính carbon. 

Việc giao đất khoán cho người dân còn nhiều bất cập. Ảnh: NNMT.

Việc giao đất khoán cho người dân còn nhiều bất cập. Ảnh: NNMT.

Chuyển dịch dần theo hướng minh bạch hóa

Trước những bất cập kể trên, Kết luận số 103-KL/TW ngày 2/12/2024 của Bộ Chính trị đã yêu cầu tiến hành tổng rà soát toàn bộ đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp vào 2025. Trong đó, xác định rõ diện tích đang sử dụng, đang giao khoán, khoán trắng, đất bị lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích. Đặc biệt, sẽ xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất lấn chiếm, nếu khu đất không nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cả nước hiện có 126 công ty nông nghiệp, quản lý hơn 478.000 ha đất. Trong đó, khoảng 114.000 ha đang được khoán theo nhiều hình thức, hơn 34.000 ha là đất đang tranh chấp, liên doanh, hoặc chưa sử dụng. Riêng diện tích khoán theo Nghị định 01/CP, vốn đã hết hiệu lực nhiều năm, vẫn còn hơn 17.000 ha.

Như vậy, hàng chục nghìn ha đất đang rơi vào trạng thái “vùng xám pháp lý”. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập, chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, minh bạch, thì việc tồn tại các cơ chế giao khoán đã hết hiệu lực, tạo ra sự không rõ ràng về pháp lý đang là rào cản lớn, không chỉ với sản phẩm xuất khẩu mà còn với chính tiến trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp.

Khoán đất từng là một công cụ hữu hiệu để khuyến khích sản xuất, nhưng theo ông Nguyễn Văn Tiến, nếu không cải cách phù hợp với yêu cầu thời đại, sẽ trở thành rào cản.

Ông Tiến nhìn nhận, các hợp đồng khoán đất phải được rà soát, điều chỉnh hoặc bãi bỏ theo Luật Đất đai 2024. Với ngành nông nghiệp, minh bạch về đất đai là điều kiện để vượt qua các thách thức về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang ngày trở nên cấp bách trên toàn cầu.

Hết năm 2024, cả nước có hơn 120 công ty nông nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê là 478.000 ha đất. Qua khảo sát, các hộ nhận khoán đã chuyển từ khoán theo Nghị định 01 sang khoán theo Nghị định 135 và 168, trong đó phần lớn hộ nhận khoán theo Nghị định 168.

Các hộ nhận khoán đa số làm nông nghiệp là chính. Thu nhập bình quân của hộ nhận khoán là 299 triệu đồng/hộ/năm, trong đó thu nhập từ nhận khoán của công ty nông nghiệp là 192 triệu/năm. Thu nhập từ làm nông nghiệp khác là 85 triệu đồng/năm, thu nhập ngành nghề khác là gần 22 triệu đồng/năm.

Xem thêm
Chăn nuôi lợn tuần hoàn, công nghệ cao để an toàn, bền vững

HẢI PHÒNG Mô hình chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao là một điển hình thành công mà còn mở ra hướng đi bền vững, tất yếu cho người chăn nuôi tại Hải Phòng.

Bảo vệ giống heo Kiềng Sắt quý hiếm trước dịch tả lợn Châu Phi

Theo Chi cục Thú y vùng IV, cần xét nghiệm sàng lọc từng cá thể heo Kiềng Sắt giống nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, không để dịch tả lợn Châu Phi phát tán.

Thử nghiệm khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi

ĐỒNG THÁP Đồng Tháp - địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất ĐBSCL tiên phong thử nghiệm mô hình giải độc cadimi, mở ra hướng canh tác bền vững và an toàn.

Người phụ nữ dân tộc Giáy thu tiền tỷ mỗi năm nhờ sản xuất cá giống

LÀO CAI Từ hai bàn tay trắng, bà Hoàng Thị Chắp ở xã Cốc San đã gây dựng mô hình sản xuất cá giống, trở thành điển hình và lan tỏa nghị lực vươn lên thoát nghèo.

Những lớp học tại vườn và giấc mơ sầu riêng công nghệ cao

TP.HCM Không còn phụ thuộc kinh nghiệm truyền miệng, nông dân Thanh An đang thay đổi tư duy trồng trọt, bắt đầu từ những buổi học giữa vườn sầu riêng.

Mở nghề nuôi cà ra [Bài 1]: Mục tiêu xuất khẩu

Giá thu mua cà ra tại các hộ dân từ 360.000đ/kg đến 420.000đ/kg tùy kích cỡ, trong khi chi phí đầu tư chiếm khoảng 40-45%.

Cần Thơ trồng 5 ha rừng ngập mặn trên đất bãi bồi ven biển

Trồng và bảo vệ rừng hiện không còn là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và môi trường mà trở thành trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bình luận mới nhất