Bất cập trong giao khoán đất lâm nghiệp
Dẫn chúng tôi đến phân trường Trản Táo, thuộc địa phận xã Xuân Tâm, một trong những “điểm nóng” về nạn chặt phá, lấn chiếm đất rừng giao khoán trong thời gian qua, ông Nguyễn Sỹ Lệnh, Phó trưởng Phòng Lâm nghiệp (BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc) tâm sự: “Tình hình ở khu vực này hiện nay đang rất phức tạp vì một số hộ dân chặt phá, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn luôn xảy ra. Chúng tôi chưa thể xử lý triệt để được, chỉ có thể lập biên bản ghi nhận tại hiện trường, rồi giải thích và vận động cho người dân về việc vi phạm…”.

Phân trường Trản Táo, một trong những “điểm nóng” về nạn chặt phá, lấn chiếm đất rừng giao khoán trong thời gian gần đây. Ảnh: Minh Sáng.
Theo ông Lệnh, có những hộ dân trồng rừng cho rằng, diện tích đất do cha ông canh tác từ nhiều năm trước nên bây giờ họ được quyền khai thác gỗ. Tuy nhiên, theo Luật Lâm nghiệp quy định đã là đất rừng phòng hộ thì không được phép khai thác.
Để tìm hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của người dân, phóng viên đã tìm gặp ông Lê Khắc Tuân, tổ 5, ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, một trong những hộ dân trồng rừng phòng hộ: “Lúc đầu được nhận giao khoán chúng tôi được nghe phổ biến là trồng rừng sau từ 30 đến 50 năm khi cây đủ tuổi sẽ được thu hoạch. Tuy nhiên, đến nay lại bị vướng vào quy định không được phép khai thác rừng phòng hộ khiến bà con rất bức xúc. Chúng tôi chỉ mong được xem xét cho chuyển diện tích rừng có điều kiện phù hợp sang rừng sản xuất để được khai thác hợp lý, cải thiện đời sống”, ông Tuân nói.
Tương tự, nhiều hộ dân khác cũng có nguyện vọng sớm được giải quyết cấp quyền sử dụng đất để giúp họ yên tâm sản xuất, có thêm thu nhập. Tiếp xúc với phóng viên, người dân khẳng định họ không muốn phá rừng mà chỉ mong được hưởng đúng công sức của mình bỏ ra. Nếu chuyển được sang rừng sản xuất, Nhà nước vẫn quản lý và cho phép khai thác có kiểm soát, thì bà con vẫn mong muốn gắn bó với rừng lâu dài.

Người dân tự ý khai thác gỗ. Ảnh: Minh Sáng.
Từ năm 1988, nhiều hộ dân đã được giao khoán trồng cây gỗ sao, dầu, đến nay họ muốn khai thác vì đây là nguồn thu chính. Tuy nhiên, việc khai thác toàn bộ diện tích lại không đúng theo Nghị định của Chính phủ. Vì vậy, một số người dân đã phản ứng và tự ý khai thác cây rừng trái phép để lấy đất sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, tổ trưởng tổ lâm nghiệp cộng đồng, thuộc phân trường Lán Cát xác nhận: "Có nhiều hộ dân vẫn chưa hiểu rõ về luật đất đai nên họ nghĩ đất rừng phòng hộ cũng giống như đất sản xuất bình thường, khi đã sản xuất lâu năm thì được quyền cấp sổ đỏ".
Theo ông Hạnh, từ những năm 1990 các hộ dân nhận khoán tự bỏ vốn đầu tư trồng cây sao, dầu xen canh với cây công nghiệp và đến nay muốn khai thác để trồng rừng thay thế nhưng không được phép nên họ đã không đồng thuận rồi tự ý khai thác, gây khó khăn trong công tác bảo vệ rừng.

Tình trạng chặt hạ cây rừng vẫn đang diễn ra trong lâm phận thuộc BQL rừng phòng hộ huyện Xuân Lộc. Ảnh: Minh Sáng.
Tuy nhiên, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2017 quy định, muốn canh tác trên đất rừng phòng hộ, bắt buộc người dân phải ký hợp đồng sử dụng đất/rừng với cơ quan có thẩm quyền và tuyệt đối không được tự ý chặt phá cây rừng hay xây dựng trái phép. Đây cũng là bất cập lớn trong đất lâm nghiệp giao khoán cho các hộ dân trồng rừng và thực tế tình trạng chặt hạ rừng vẫn đang diễn ra trong lâm phận thuộc BQL rừng phòng hộ huyện Xuân Lộc nhiều năm qua.
Lúng túng trong xử lý vi phạm
Theo BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc, hiện đơn vị đang quản lý hơn 10.000 ha, trong đó 5.787 ha thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và 4.242 ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Hiện trong toàn lâm phận BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc có hơn 2.250 hộ gia đình đang canh tác trên diện tích gần 7.000 ha.

Nhiều cây rừng bị người dân đốn hạ trái phép đã bị lực lượng tuần tra bảo vệ rừng bắt giữ. Ảnh: Minh Sáng.
Đến nay, BQL đã giao khoán cho hơn 1.700 hộ dân với tổng diện tích hơn 5.120 ha đất, trong đó riêng khu vực dân tộc thiểu số có 491 hộ nhận khoán với tổng diện tích 1.470 ha đất để sản xuất nông nghiệp. Hầu hết diện tích rừng phòng hộ Xuân Lộc là rừng trồng được hình thành theo dự án phủ xanh đất trống đồi trọc và kế hoạch bảo vệ phát triển rừng, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư, vốn Ban quản lý, vốn các hộ dân nhận giao khoán tự bỏ ra…
Phó trưởng Phòng Lâm nghiệp Nguyễn Sỹ Lệnh cho biết: “Từ khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực (ngày 1/1/2019) đến nay đã có 119 vụ vi phạm khai thác rừng trái pháp luật và hàng chục trường hợp xây nhà ở, công trình tạm trái phép tràn lan trên đất lâm nghiệp thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc quản lý. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở các hộ dân nhận khoán tại khu vực dân tộc thiểu số, thuộc ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm và Xuân Hưng”.
Theo ông Lệnh, thực tế tại các khu vực rừng phòng hộ, việc xử lý các hành vi vi phạm tự ý khai thác rừng đang gặp rất nhiều khó khăn cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những bất cập trong hệ thống quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Người dân tự ý khai thác rừng và xây nhà ở, công trình tạm trái phép trên đất lâm nghiệp thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc quản lý. Ảnh: Minh Sáng.
Từ năm 2019 đến nay, tình hình vi phạm về quản lý bảo vệ rừng vẫn diễn ra rất phức tạp, tình trạng chặt phá cây rừng trong những hộ gia đình được giao khoán ngày càng phổ biến, nhất là tập trung tại địa bàn phân trường Trản Táo. Người dân cho rằng do họ tự bỏ vốn trồng cây thì nay có quyền khai thác, không cần thông báo với chủ rừng hoặc cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng lại không có đủ cơ sở pháp lý rõ ràng để ngăn chặn hành vi này hoặc xử lý vi phạm hành chính.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Hoàng Đình Long, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết: “Trước tình hình vi phạm lấn chiếm, khai thác rừng trái phép ngày càng diễn biến phức tạp và gia tăng, chúng tôi đã buộc phải tiến hành khởi kiện 7 hộ dân điển hình có hành vi vi phạm. Đây là biện pháp mạnh nhằm răn đe các đối tượng vi phạm khác, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để củng cố hồ sơ thanh lý hợp đồng giao khoán và thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật".

Lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ bàn các phương án tuần tra tại những "điểm nóng" trong lâm phận quản lý. Ảnh: Minh Sáng.
Theo ông Long, mặc dù đã hoàn tất thủ tục khởi kiện và triển khai các biện pháp xử lý theo đúng trình tự nhưng đến nay đơn vị vẫn chưa thu hồi được diện tích đất rừng đã vi phạm. Đáng lo ngại, trong những năm gần đây, tình trạng khai thác rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng phòng hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng, diễn ra ngày càng tinh vi hơn.
BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đề nghị các cơ quan chức năng Trung ương, địa phương có cơ chế đặc thù cho các hộ dân nhận khoán được khai thác hợp lý cây rừng do họ tự trồng, để họ có thu nhập, ổn định cuộc sống. Điều này sẽ giúp địa phương và đơn vị chủ rừng không có xung đột, thực hiện nhiệm vụ bảo, phát triển rừng bền vững.
"Công tác xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp tự ý khai thác rừng phòng hộ gặp rất nhiều khó khăn do những bất cập trong các quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Vì theo Điều 7, Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định về việc sở hữu rừng nhưng không nói rõ đối với rừng phòng hộ do người dân tự đầu tư trồng trên diện tích đất nhận khoán nên không xác định được rõ chủ thể sở hữu đối với rừng trồng này, gây lúng túng trong quá trình kiểm tra, giám sát và xử lý khi có vi phạm xảy ra", ông Hoàng Đình Long nói.