Bộc lộ những hạn chế
Báo cáo tại Hội thảo “Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp” sáng 25/4, Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, qua 30 năm triển khai, chính sách giao khoán đất lâm nghiệp tại Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao thu nhập cho người dân và cải thiện hiệu quả quản lý rừng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều vướng mắc cần tiếp tục điều chỉnh.

Hội thảo tổ chức sáng 25/4, thu hút sự quan tâm của đông đảo người làm lâm nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.
Khởi đầu từ Nghị định 01/CP (1995), chính sách giao khoán đất lâm nghiệp dần được hoàn thiện qua các giai đoạn tiếp theo với Nghị định 135/2005/NĐ-CP và Nghị định 168/2016/NĐ-CP. Các công ty lâm nghiệp đã áp dụng nhiều hình thức khoán: từ khoán ổn định lâu dài, khoán theo chu kỳ cây trồng, khoán theo công đoạn sản xuất, đến khoán bảo vệ rừng tự nhiên. Nhờ vậy, công tác quản lý và bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực, hạn chế tình trạng phá rừng và khai thác trái phép.
Khảo sát tại 7 tỉnh đại diện cho các vùng sinh thái và mô hình doanh nghiệp cho thấy, chính sách giao khoán giúp người dân có thêm việc làm, cải thiện sinh kế, thúc đẩy phát triển nông lâm kết hợp. Giao khoán bảo vệ rừng giúp ổn định an ninh trật tự, giảm áp lực lên rừng tự nhiên, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên và môi trường. Thu nhập từ lâm nghiệp chiếm trung bình 31,73% tổng thu nhập của hộ nhận khoán.
Tuy nhiên, nhiều bất cập về chính sách và thực thi đã được ghi nhận. Việc thay đổi các nghị định qua các giai đoạn mà thiếu hướng dẫn chuyển tiếp đã gây lúng túng, đặc biệt khi phải xử lý hợp đồng cũ và tài sản trên đất.
Một số hộ dân lấn chiếm đất rừng hoặc tự ý xây dựng công trình khi chưa được cấp quyền sử dụng đất, trong khi địa phương và doanh nghiệp gặp khó khăn trong xử lý do thiếu quy định rõ ràng. Ngoài ra, quy định hiện hành không cho phép cán bộ, nhân viên công ty lâm nghiệp nhận khoán, gây khó khăn trong giữ chân lao động có kỹ năng.
Khoán trắng và đầu tư thấp vẫn phổ biến tại nhiều nơi. Việc thực hiện chưa đi đôi với giám sát chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng vi phạm hợp đồng, phá rừng, khai thác sai mục đích. Đặc biệt, tình trạng chuyển nhượng hợp đồng khoán trái pháp luật và tranh chấp đất đai diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến ổn định sản xuất và an ninh nông thôn.
Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, hệ thống văn bản pháp luật chưa thống nhất, thiếu nguồn lực tài chính cho công tác chuyển đổi và quản lý, đồng thời nhận thức của một bộ phận người dân và cán bộ còn hạn chế.

TS Hà Công Tuấn: 'Không để người làm rừng thiệt thòi ngay từ trong chính sách'. Ảnh: Bảo Thắng.
Tư duy thông thoáng trong giai đoạn mới
TS Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển hóa chính sách khoán rừng từ mục tiêu an sinh sang phát triển kinh tế, đảm bảo quyền lợi cho người làm rừng và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên rừng.
Theo ông, chính sách giao khoán đất lâm nghiệp, vốn khởi đầu với Nghị định 01, được xem là một bước ngoặt trong quá trình huy động toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.
Vào thời điểm ban hành Nghị định 01, nạn phá rừng diễn ra tràn lan, khiến việc “trao quyền” cho người dân thông qua hình thức khoán đất rừng vừa là giải pháp kinh tế vừa là biện pháp an sinh xã hội. Cơ chế này đã tạo ra một chuyển biến mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của người dân địa phương trong công cuộc giữ rừng.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, các chính sách khoán cũng có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển. Nghị định 135 kế thừa và cải tiến mô hình khoán bằng cách xác lập thời hạn giao đất ổn định theo chu kỳ sản xuất thay vì cố định 50 năm như trước đó. Đến Nghị định 168, phạm vi giao khoán được mở rộng thêm các hình thức như khoán công việc, khoán dịch vụ bên cạnh hình thức khoán ổn định theo chu kỳ. Những thay đổi này mang lại sự linh hoạt hơn cho các chủ rừng, giúp họ chủ động hơn trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với điều kiện thực tế.
Dù vậy, số lượng hợp đồng giao khoán theo các Nghị định đang dần đến thời điểm hết hạn, không ít trong số này có dấu hiệu vi phạm. Theo kết quả khảo sát thực địa, những vi phạm này không chỉ liên quan đến việc sử dụng sai mục đích mà còn tồn tại tình trạng tranh chấp, thiếu minh bạch, không tuân thủ quy định kỹ thuật lâm sinh.

Nhiều chính sách giao khoán đất lâm nghiệp đã bộc lộ những bất cập. Ảnh: Thu Hường.
Quan điểm của nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT là, phải xử lý sớm, dứt điểm các hợp đồng sai phạm, kiên quyết thu hồi diện tích bị sử dụng sai để bảo vệ tài nguyên rừng và tạo điều kiện cho những mô hình bền vững hơn.
Một điểm đáng chú ý được ông chỉ ra, là diện tích “khoán trắng” - tức những diện tích không có hợp đồng khoán hoặc không thực hiện nhiệm vụ khoán - hiện chiếm khoảng 0,35% (tương đương 1.000 ha). Đây là nhóm đối tượng cần ưu tiên rà soát để đưa trở lại vào cơ chế quản lý thống nhất, đảm bảo không bị lãng phí hay bị xâm hại ngoài kiểm soát.
Từ góc độ chính sách, TS Hà Công Tuấn đề nghị cần có bước chuyển về tư duy: Chính sách giao khoán không thể tiếp tục mang tính “an sinh xã hội” như giai đoạn đầu, mà phải trở thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp. Ông nhấn mạnh, các chương trình an sinh xã hội đã được khu biệt trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, chính sách khoán rừng cần tách khỏi vai trò này để tập trung phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng từ rừng.
"Không để người làm rừng thiệt thòi ngay từ trong chính sách", TS Hà Công Tuấn nhấn mạnh và đề nghị, những chính sách mới cần hướng đến sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để tất cả các thành phần kinh tế có thể đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng từ rừng.
Chẳng hạn, quy định "đóng cửa rừng" không nên bị hiểu cứng nhắc là cấm hoàn toàn mọi hoạt động trong rừng tự nhiên, mà cần phân biệt rõ giữa khai thác gỗ (đang bị cấm) và khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ hoặc dịch vụ môi trường rừng - những nguồn lợi hợp pháp và bền vững đang bị bỏ ngỏ.
Ông cũng kêu gọi giảm tình trạng chồng chéo chính sách, khó thực thi trên thực tế. Thay vào đó, nên tích hợp các quy định về khoán, bảo vệ và phát triển rừng vào một đầu mối thống nhất, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn. Điều này không chỉ nâng cao hiệu lực chính sách mà còn giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn, từ đó tăng hiệu quả bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.