| Hotline: 0983.970.780

Gắn chặt quản lý rừng bền vững với giao khoán đất lâm nghiệp

Thứ Ba 29/04/2025 , 15:53 (GMT+7)

Giao khoán đất lâm nghiệp từng được kỳ vọng mở ra cơ chế sử dụng đất hiệu quả, gắn người dân với rừng, nhưng sau 30 năm, tỷ lệ khoán dừng ở mức 27%.

Sau gần 30 năm triển khai, chính sách giao khoán đất lâm nghiệp đã góp phần đưa đất rừng đến gần hơn với người dân. Tuy nhiên, tính đến nay, các công ty lâm nghiệp mới chỉ giao khoán được khoảng 460.000 ha trong tổng số 1,47 triệu ha đất rừng quản lý, tương đương 27%.

Trong bối cảnh Việt Nam có khoảng 4,7 triệu ha đất rừng trồng, việc giao khoán cho thấy hiệu quả thực tế còn hạn chế, đòi hỏi cần có những điều chỉnh mạnh mẽ về cơ chế và cách thức tổ chức sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bảo Thắng.

Một trong những bất cập lớn hiện nay là cơ chế giao khoán chưa rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia. Nhiều hợp đồng khoán đất rừng chỉ mang tính hình thức, quyền sử dụng đất của người nhận khoán thiếu sự đảm bảo pháp lý vững chắc.

Tình trạng tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất giao khoán xảy ra ở nhiều nơi, nhất là khi đất đã bàn giao từ công ty lâm nghiệp về địa phương nhưng chưa xử lý dứt điểm hồ sơ pháp lý. Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết, trong phần diện tích đất đã chuyển giao, có tới 20% diện tích còn đang vướng mắc tranh chấp hoặc chưa xác định chủ thể quản lý rõ ràng.

Tại Hội thảo “Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp” ngày 25/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị thẳng thắn chỉ ra rằng nếu không khẩn trương hoàn thiện cơ chế pháp lý, tháo gỡ những điểm nghẽn hiện hữu, ngành lâm nghiệp khó có thể phát huy được tiềm năng kinh tế rừng.

Ông nhấn mạnh: "Giao khoán đất lâm nghiệp không chỉ dừng ở việc giao quyền sử dụng đất, mà phải gắn chặt với yêu cầu quản lý rừng bền vững, có cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, tín dụng và thị trường cụ thể cho người dân".

Do đó, cải cách thể chế đất đai, tổ chức lại sản xuất và phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững là con đường tất yếu. Giao khoán đất lâm nghiệp phải được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển lâm nghiệp xanh, hiệu quả, gắn lợi ích kinh tế với trách nhiệm bảo vệ tài nguyên rừng, từ đó tạo động lực mới cho ngành lâm nghiệp trong giai đoạn phát triển mới.

Để gỡ các nút thắt, các đại biểu tham dự đều cho rằng cần sửa đổi đồng bộ hệ thống pháp luật về đất đai và lâm nghiệp. Việc giao khoán phải xác lập quyền sở hữu ổn định, bảo đảm cho người nhận khoán yên tâm đầu tư trồng rừng lâu dài, đồng thời có cơ chế chế tài đủ mạnh để ràng buộc trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng.

Một định hướng quan trọng khác là tổ chức lại sản xuất lâm nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi giá trị. Các công ty lâm nghiệp cần chuyển vai trò từ người trực tiếp canh tác sang đơn vị tổ chức sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, gắn kết người dân với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Việc phát triển trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ quản lý bền vững (FSC, PEFC) cần được ưu tiên nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hiện các công ty lâm nghiệp mới giao khoán khoảng 27% diện tích rừng. Ảnh minh họa.

Hiện các công ty lâm nghiệp mới giao khoán khoảng 27% diện tích rừng. Ảnh minh họa.

Hiện tại, diện tích rừng trồng có chứng chỉ quản lý bền vững trong các công ty lâm nghiệp đạt khoảng 140.000 ha, chiếm 27% tổng diện tích rừng chứng chỉ cả nước. Theo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, nếu tiếp tục thúc đẩy cấp chứng chỉ, hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi, giá trị sản phẩm từ rừng trồng có thể tăng thêm 10-15%, tạo đòn bẩy nâng cao thu nhập bền vững cho hộ nhận khoán.

Cùng với việc đổi mới tổ chức sản xuất, các công ty lâm nghiệp cũng cần đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đã giao khoán và diện tích chuyển giao về địa phương. Những diện tích rừng nghèo, không còn phù hợp với sản xuất kinh doanh cần được bàn giao lại cho địa phương để phục vụ nhu cầu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thiếu đất, gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Trong công tác bảo vệ và làm giàu rừng tự nhiên, nguồn lực đầu tư hiện tại còn quá thấp so với yêu cầu thực tế. Các công ty lâm nghiệp đang quản lý khoảng 250.000 ha rừng phòng hộ, phần lớn là rừng tự nhiên phân tán, nghèo kiệt. Mức kinh phí Nhà nước hỗ trợ chỉ đạt khoảng 150.000 đồng/ha/năm, trong khi chi phí thực tế cao hơn nhiều.

TS Vũ Xuân Thôn, Hội Chủ rừng Việt Nam nhấn mạnh: "Nếu không có cơ chế đầu tư đủ mạnh và dài hạn, rất khó bảo vệ được những diện tích rừng tự nhiên còn lại, nhất là ở các khu vực biên giới xa xôi".

Về chính sách tài chính, các chuyên gia đề xuất miễn giảm tiền thuê đất đối với diện tích rừng tự nhiên không được phép khai thác, áp dụng chính sách tín dụng xanh ưu đãi cho các dự án trồng rừng gỗ lớn, phát triển rừng bền vững. Đồng thời, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm gỗ rừng trồng, tạo thêm giá trị gia tăng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Một số mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm đã hình thành ở các địa phương như Quảng Trị, Tuyên Quang, Bình Định cho thấy hướng đi này hoàn toàn khả thi nếu có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Việc liên kết không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo sinh kế ổn định cho người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa.

TS Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends nhận định, ngành lâm nghiệp đang hội nhập sâu rộng với thế giới, với cơ hội thị trường mở rộng đối với các mặt hàng nông lâm sản. Cơ hội cũng tạo ra bởi tiềm năng của thị trường carbon rừng trong tương lai.

Tuy nhiên, những cơ hội này song hành cùng với các thách thức. Đối với các công ty lâm nghiệp, thách thức ở đây bao gồm các tồn tại trong khâu sử dụng đất hiện nay, bao gồm cả các tồn tại trong các hoạt động khoán đối với hộ.

Xem thêm
‘Đời du mục' theo vịt chạy đồng

ĐBSCL Hễ nghe nơi nào vừa thu hoạch xong lúa trên đồng, còn trơ gốc rạ và đất đủ mềm là họ liên hệ xin 'mua đồng' để thả vịt.

Xử lý hành chính hộ dân không chấp hành tiêm vacxin đàn vật nuôi

CẦN THƠ Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Cần Thơ đề nghị, sau khi vận động, người dân không chấp hành tiêm vacxin cho vật nuôi, cần xử lý hành chính để răn đe.

Công nhận Làng nghề kiểng cổ mai nu Thạnh Nhựt

TIỀN GIANG Ngày 9/4, UBND huyện Gò Công Tây tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Làng nghề kiểng cổ mai nu Thạnh Nhựt.

Krông Nô triển vọng thành điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao

ĐẮK NÔNG Với đà phát triển như hiện nay, Krông Nô có triển vọng trở thành điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Đắk Nông trong tương lai không xa.

Sống chung với khô hạn: [Bài 2] Tưới tiên tiến giảm áp lực nguồn nước

Những năm qua, người dân Ninh Thuận đua nhau lắp đặt các thiết bị tưới tiên tiến nhằm tiết kiệm nước, thích ứng với nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Biến lá khóm thành tơ sợi

TIỀN GIANG Mỗi ngày, anh Nguyễn Ngọc Quyền ở Tiền Giang thu gom 2 tấn lá khóm để sản xuất 15kg tơ sợi cung ứng cho các nhà máy đánh bông, dệt vải.

Hoa Kỳ đẩy mạnh tích trữ hàng, xuất khẩu tôm quý II/2025 có tăng mạnh?

Nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi ở nhiều thị trường chủ lực (trong đó có Hoa Kỳ), xuất khẩu tôm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng ấn tượng trong năm 2025.