| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 29/09/2015 , 00:00 (GMT+7)

Hợp đồng giao khoán đất đã thay đổi theo hướng lợi cho doanh nghiệp?

Thứ Ba 29/09/2015 , 00:00 (GMT+7)

(TN&MT) - Báo Tài nguyên & Môi trường đã có loạt bài viết về những bức xúc của người dân trồng chè huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang liên quan tới việc thu hồi đất trồng chè, hợp đồng thuê khoán… của Công ty CP chè Sông Lô và Công ty CP chè Mỹ Lâm đã làm mất đi quyền lợi của người dân, thậm chí còn khởi kiện người dân để thu hồi đất khi họ vấn đang trồng chè, đẩy người dân vào bước đường cùng.

Từ năm 1999 đến năm 2003, Công ty chè Sông Lô và Công ty chè Mỹ Lâm (doanh nghiệp Nhà nước - PV) đã ký hợp đồng khoán đất sản xuất nông nghiệp (đất trồng chè) cho 779 hộ dân ở huyện Yên Sơn theo Nghị định 01/CP ngày 4/1/1995 của Chính phủ với thời gian 50 năm. Sau đó, ngày 8/11/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 135/2005/NĐ-CP (giảm thời gian giao khoán xuống còn 30 năm) thay thế cho Nghị Nghị định 01/CP.

Tuy nhiên, tại thời điểm Nghị định 135/2005/NĐ-CP có hiệu lực, UBND tỉnh Tuyên Quang không có động thái điều chỉnh lại hợp đồng giao khoán đối với những hộ dân đã ký trước đó theo Nghị định 01/CP để thay thế bằng một hợp đồng giao khoán mới theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP. Đến năm 2009, tỉnh Tuyên Quang có chủ trương cổ phần hóa ngành chè và đã tiến hành cổ phần hóa hai công ty chè nói trên. Việc cổ phần hóa được người dân ủng hộ và diễn ra thành công, tuy nhiên quá trình cổ phần hóa và cách làm của công ty cổ phần đã triệt tiêu quyền lợi của người dân trồng chè, buộc người dân phải “nhảy” theo “bản nhạc” mà công ty cổ phần soạn sẵn. 

Lãnh đạo Sở TN&MT, Sở NN&PTNT Tuyên Quang làm việc với phóng viên.
Lãnh đạo Sở TN&MT, Sở NN&PTNT Tuyên Quang làm việc với phóng viên.

 4 năm sau cổ phần hóa, tức năm 2013, tỉnh Tuyên Quang ra các quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 3/5/2013; quyết định 198/QĐ-UBND ngày 18/6/2013 và quyết định 264/QĐ-UBND ngày 26/7/2013, về việc thu hồi diện tích của chính Công ty CP chè Mỹ Lâm giao lại cho chính Công ty CP chè Mỹ Lâm. Tương tự, ngày 23/7/2013, UBND tỉnh Tuyên Quang ra quyết định 261/QĐ-UBND, cũng thu hồi chính diện tích đất của Công ty CP chè Sông Lô giao lại cho chính Công ty này. Nhiều người cho rằng đây là cách làm ngược chỉ có ở tỉnh Tuyên Quang. Bởi thực tế, khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tỉnh Tuyên Quang phải đánh giá lại tài sản, diện tích thuê khoán cho người dân… ra quyết định thu hồi đất trồng chè (đất trước đây giao cho doanh nghiệp nhà nước không thu tiền - pv) để giao lại cho công ty cổ phần có thu tiền. Và để hợp thức hóa cho việc làm chậm chễ trên, tỉnh Tuyên Quang năm 2013 đã ra hai quyết định số 264 và 261/QĐ-UBND thu hồi đất của công ty CP giao lại cho công ty CP?!

Để làm rõ vấn đề trên, Báo TN&MT đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Phụ trách Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Tỉnh ra quyết định thu hồi là đúng và Sở tư vấn cho tỉnh cũng đúng. Ông Lương cho biết thêm: Chúng tôi dựa vào Điều 5 và 6 Nghị định 170/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh.

Việc công ty CP chè Mỹ Lâm và Công ty CP chè Sông Lô tự ra một hợp đồng ký “đè” lên hợp đồng mà doanh nghiệp Nhà nước ký trước đây (theo Nghị định 01/CP và giờ theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP - pv) mà không làm thủ tục thanh lí hợp đồng cũ, điều đặc biệt, một số nội dung trong hợp đồng đã bị hai công ty này chỉnh sửa và thêm nhiều điều khoản có lợi cho mình và đẩy mọi thiệt thòi cho người dân.

Người dân có nguy cơ bị mất trắng tư liệu sản xuất
Người dân có nguy cơ bị mất trắng tư liệu sản xuất

Liên quan tới việc Công ty CP chè Mỹ Lâm tự ý ra quyết định thu hồi đất trồng chè sai thẩm quyền. Ông Lương cho biết, Sở đã yêu cầu công ty này thu hồi lại quyết định sai phạm và đang hướng dẫn họ làm thủ tục. Đây là việc làm sai xót, tuy nhiên không đến mức độ nghiêm trọng nên Sở không xử phạt.  

Trong cuộc họp báo mới đây do Bộ TN&MT tổ chức, đại diện Tổng cục Đất đai cho biết, khi có Nghị định 135/2005/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 01/CP, UBND tỉnh Tuyên Quang cần thu hồi diện tích đã ký hợp đồng giao khoán cho các hộ dân theo Nghị định 01/CP để ký một hợp đồng mới điều chỉnh theo Nghị định 135/NĐ-CP. Việc Công ty CP chè Mỹ Lâm và Công ty CP chè Sông Lô ra hợp đồng mới ký “đè” lên hợp đồng mà doanh nghiệp Nhà nước ký trước kia là không đúng với quy định của pháp luật.

Thiết nghĩ, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT cần vào cuộc làm rõ đúng sai về sự việc trên, ngăn chặn việc doanh nghiệp cổ phần kiện người dân ra tòa với ý định “cướp đất”, gây khó dễ cho người trồng chè.

Báo TN&MT sẽ thông tin tiếp về vụ việc.

Lê Xuân – Nguyễn Cường

Xem thêm

Đọc nhiều nhất