| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn: Bí xanh chết hàng loạt

Thứ Sáu 16/05/2025 , 14:23 (GMT+7)

Khoảng 10ha cây bí xanh tại huyện Ba Bể bị chết, 80ha nhiễm bệnh, nguy cơ không cho thu hoạch.

Nguy cơ mất trắng diện rộng

Bí xanh thơm là cây đặc sản của huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), đây là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, là sản phẩm nông sản chủ lực của huyện. Quả bí xanh là sản phẩm OCOP 4 sao, được thị trường ưu chuộng, đã có mặt ở nhiều siêu thị trên cả nước.

Vụ xuân năm nay, người dân huyện Ba Bể trồng hơn 170ha bí xanh thơm, chủ yếu ở các xã Yến Dương, Địa Linh, Chu Hương. Khoảng 1 tháng trở lại đây, cây bí đang sinh trưởng tốt thì bị bệnh, chết hàng loạt.

Những giàn bí bắt đầu héo lá chuẩn bị chết, diện tích bị thiệt hại ngày càng lớn. Ảnh: Ngọc Tú.

Những giàn bí bắt đầu héo lá chuẩn bị chết, diện tích bị thiệt hại ngày càng lớn. Ảnh: Ngọc Tú.

Gia đình anh Vi Văn Toại ở xã Địa Linh đã trồng bí xanh thơm gần chục năm nay. Vụ này, gia đình anh trồng hơn 2.600m2 cây bí xanh, giai đoạn đầu cây phát triển bình thường, đến khi cây có quả thì bị bệnh. Cây bí héo lá, thối rễ rồi chết hàng loạt. Với thực trạng hiện nay, cây bí sẽ không cho thu hoạch, gia đình mất trắng khoản đầu tư.

Ông Vi Văn Hữu, Bí thư Đảng ủy xã Yến Dương cho biết, năm nay người dân trong xã trồng hơn 60ha cây bí xanh, hiện nay diện tích bị bệnh chiếm khoảng 50%, bà con lo lắng khi bệnh ngày càng lan rộng.

Thông tin từ UBND huyện Ba Bể, những ngày đầu tháng 5, trên địa bàn huyện có mưa rào nhỏ vào ban đêm và sáng sớm, ban ngày nắng gắt, sau đó vài ngày cây bí xanh bị chết hàng loạt. Hiện toàn huyện có 10ha cây bí xanh đã bị chết, 80ha bị nhiễm bệnh có khả năng sẽ chết, không cho thu hoạch. Như vậy, diện tích cây chết và bị bệnh đã chiếm khoảng một nửa diện tích trồng bí xanh của huyện Ba Bể.

Ông Phạm Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết, cây bí xanh bị chết hàng loạt một phần do thời tiết, một phần do nhiễm bệnh, diện tích bị thiệt hại có thể còn tăng thêm. Huyện đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phun thuốc trừ bệnh.

Cây bị chết do gốc, rễ bị thối, sau đó cành, lá héo dần. Ảnh: Ngọc Tú.

Cây bị chết do gốc, rễ bị thối, sau đó cành, lá héo dần. Ảnh: Ngọc Tú.

Bệnh hại do nấm gây ra

Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn cho biết, đơn vị đã phối hợp với huyện Ba Bể kiểm tra, xác minh thực địa vùng trồng cây bí xanh bị chết.

Qua kiểm tra cho thấy trên thân cây có đốm hình bầu dục, hơi lõm, màu vàng nhạt, có nhựa ứa ra. Phần lớn cây chết do phần gốc và rễ bị thối, thân và lá héo. Nguyên nhân được xác định do nấm gây bệnh nứt thân chảy nhựa, bệnh héo vàng gây ra.

“Bệnh nứt thân chảy nhựa trên cây bí do nấm Mycosphaerella melonis gây ra, nấm phát sinh và gây hại nặng trong điều kiện độ ẩm, nhiệt độ cao hoặc thấp đột ngột. Nấm bệnh tồn tại trong tàn dư cây bệnh, gặp điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao sẽ phát sinh thành dịch gây hại trên diện rộng”, ông Bình thông tin.

Một vườn bí ở xã Yến Dương (huyện Ba Bể) bị thiệt hại toàn bộ do nấm bệnh. Ảnh: Ngọc Tú.

Một vườn bí ở xã Yến Dương (huyện Ba Bể) bị thiệt hại toàn bộ do nấm bệnh. Ảnh: Ngọc Tú.

Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Môi trường cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể đang cử cán bộ thường xuyên bám sát địa bàn, dự báo xác định thời điểm phát sinh, gây hại của các sâu, bệnh hại để chủ động hướng dẫn người dân phòng trừ.

Đối với diện tích bị bệnh nặng không có khả năng phục hồi, tiến hành thu gom và tiêu huỷ toàn bộ cây, bón vôi diện rộng để diệt trừ nguồn bệnh trong đất. Những diện tích bị nhiễm bệnh nhẹ hoặc chưa nhiễm bệnh người dân cần thường xuyên thăm đồng, tỉa bỏ bớt cành lá bị sâu, giữ vườn luôn thông thoáng.

Người dân cần sử dụng các chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma hoặc thuốc Revus opi 440SC, Score 250EC, Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP để phun trừ bệnh hại. Để đạt hiệu quả cao, trong khi dùng thuốc trừ bệnh cần phun lặp lại lần 2 sau 4 đến 5 ngày.

Hiện tượng cây bí xanh bị chết hàng loạt đã xuất hiện trong 2 năm gần đây ở huyện Ba Bể, gây thiệt hại lớn.

Xem thêm
Nuôi thỏ lợi nhuận không nhỏ

THANH HÓA Tự tay gây dựng trang trại, rồi đứng lên sau những lần thất bại là hành trình đầy tâm huyết của anh Nguyễn Công Tùng với con thỏ trên đất xứ Thanh.

Chăn nuôi an toàn không dịch bệnh là 'chìa khóa' cho sinh kế bền vững

TUYÊN QUANG Chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ là giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi mà còn là chìa khóa ổn định sản xuất, giữ vững sinh kế cho người dân ở Tuyên Quang.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Đồng Tháp tập huấn về AI cho cán bộ và người dân

Đồng Tháp tổ chức tập huấn AI nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

Ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống

Khánh Hòa Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống.

Thực hiện chiến lược lâm nghiệp bền vững từ hoạt động trồng cây

Bình Dương Từ phong trào trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh nhật Bác, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn mới.