Ông Nguyễn Văn Chuông, Giám đốc Hợp tác xã Trường Giang, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, dù là trang trại nhỏ của gia đình nhưng ông đã đầu tư đồng bộ ở hầu hết các hạng mục, đảm bảo quy trình khép kín, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trang trại bò sinh sản của ông Nguyễn Văn Chuông được xây dựng tại xã Trường Minh, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Thời điểm này, trang trại bò sinh sản này đã vào đàn gần 100 con bò giống, dự kiến sẽ hoàn thiện chuồng trại và vào đàn thêm trên 100 con bò giống nữa vào cuối năm.
Trang trại đi vào hoạt động sẽ cung cấp trên dưới 100 con bê mỗi năm cho khách hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Chuông, nuôi bò, dù đầu tư ban đầu cao nhưng ít chịu áp lực từ giá cả. Giá cả bò thịt tương đối ổn định, giá bê giống dù ở mức thấp cũng ít khi phải chịu lỗ.
Đây được xem là một mô hình đem lại nhiều niềm hi vọng của nông dân tỉnh Thanh Hóa trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp.
Sau đây là một số hình ảnh PV ghi lại tại trang trại bò của ông Nguyễn Văn Chuông tại xã Trường Minh, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Trang trại bò của ông Chuông có diện tích 5 ha, trong đó có 4 ha trồng cỏ phục vụ nuôi bò sinh sản và khoảng 1 ha là diện tích chuồng trại, khu quản lý. Ảnh: Võ Dũng.

Cỏ sau khi thu hoạch sẽ được máy cắt nhỏ bằng máy; một phần cấp thức ăn xanh cho bò, một phần được chế biến. Ảnh: Võ Dũng.

Cỏ sau khi cắt sẽ được đưa vào khu vực ủ chua, lên men. Sử dụng nguồn thức ăn ủ chua, đàn bò sẽ có sức đề kháng cao, phát triển tốt Ảnh: Võ Dũng.

Đàn bò sinh sản được tắm vào những khung giờ nhất định trong ngày, nhất là vào mùa hè để đảm bảo sức khỏe. Ảnh: Võ Dũng.

Bò vừa ăn thức anh xanh, thức ăn lên men ủ chua kết hợp với cám công nghiệp hoặc tự phối trộn. Hình thức chăn nuôi này giúp ông Chuông giảm đáng kể chi phí đầu vào. Ảnh: Võ Dũng.

Hằng ngày chúng được dạo chơi, vận động ở khu vực sân chơi có hàng rào xung điện. Theo ông Chuông, hàng rào xung điện giúp ích rất nhiều cho quá trình quản lý đàn bò, giảm được đáng kể nhân công. Ảnh: Võ Dũng.

Phân bò chảy theo các mương thoát, vào thệ thống lọc bã trước khi chảy vào hệ thống biogas. Phân bò sẽ được ép khô, dự trữ sử dụng bón cho cỏ. Nước biogas, theo định kỳ sẽ được hệ thống bơm tự động hút tưới cho cây trồng, cỏ. Ảnh: Võ Dũng.

Cỏ được bón bằng nguồn phân hữu cơ phát triển xanh tốt, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi. Ảnh: Võ Dũng.

Trong trang trại có hệ thống nước dâng ngập. Điều này cộng với nguồn nước phân biogas được bơm tưới giúp chủ nhân của trang trại phân bố đều lượng phân trong bãi cỏ. Ảnh: Võ Dũng.