| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Hải Phòng lo 'trắng tay', nín thở theo dõi bão WIPHA

Chủ Nhật 20/07/2025 , 12:53 (GMT+7)

Hàng nghìn nông dân, ngư dân Hải Phòng đang chạy đua với thời gian, dùng mọi kinh nghiệm và nguồn lực để đề phòng bão WIPHA, bảo vệ mùa màng, ao cá, lồng bè.

Xuyên đêm khơi thông thủy lợi, chống úng ngập

Đêm 19/7, giữa lúc nhiều người dân thành phố đã yên giấc, trên những cánh đồng ở xã Việt Khê, TP. Hải Phòng, ánh đèn pha từ chiếc máy xúc vẫn le lói, tiếng động cơ gầm vang xé toang màn đêm. Đó là những nỗ lực của anh Nguyễn Văn Hùng để cố gắng khơi thông dòng chảy, hi vọng có thể cứu lấy những vạt lúa non vừa mới bén rễ nếu bão số 3 (WIPHA) đổ bộ.

Đoạn mương được anh Nguyễn Văn Hùng huy động lực lượng để khơi thông suốt đêm 19/7. Ảnh: Đinh Mười.

Đoạn mương được anh Nguyễn Văn Hùng huy động lực lượng để khơi thông suốt đêm 19/7. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Nguyễn Văn Hùng chính là chủ mô hình “cánh đồng công nghệ” đầu tiên tại Hải Phòng vừa mới được đưa tin rầm rộ trên truyền thông vừa qua. Vừa trực tiếp lái chiếc máy cày ruộng đem về kho để cất tránh ngập úng sẽ hư hỏng, giọng khản đặc vì mệt mỏi, anh Hùng cho biết: “Tôi cứ phải cập nhật tình hình bão liên tục, cứ đà này là căng lắm chú ạ. Anh em vừa cấy xong, gặp trận mưa dông hôm qua đã lụt hết rồi. Giờ bão vào nữa thì chắc mất trắng”.

Đến nay, Hải Phòng đã gieo cấy 56.000 ha lúa mùa. Trong đó, khoảng 20.000 ha lúa mùa sớm, mùa trung cấy trước 5/7/2025 đã cao cây, đang giai đoạn đẻ nhánh. Còn lại khoảng 35.000 ha lúa mùa còn thấp cây, nhất là diện tích gieo vãi và mới cấy.

Theo anh Hùng, vụ mùa năm nay rất khắc nghiệt, đợt nắng nóng kéo dài trước đó đã làm mạ chết hàng loạt. Giờ đây, khi lúa vừa được cấy xuống, lại đối mặt ngay với nguy cơ ngập úng. Không thể trông chờ, anh Hùng và các xã viên đã phải tự bỏ tiền túi, thuê máy xúc với giá 3,5 triệu đồng một ngày để khơi thông các tuyến kênh mương nội đồng bị bồi lắng.

“Chúng tôi thuê máy đề cào mương thủy lợi phục vụ thoát nước 2 hôm nay rồi, riêng tối qua phải làm đến 23h30 mới nghỉ. Anh em lái máy họ cũng ở lại đồng, tắm táp qua loa rồi làm đêm cùng mình. Chạy đua với thời gian thôi chứ giờ còn biết làm sao”, anh Hùng kể.

Sáng 20/7, không khí tại các vùng nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của Hải Phòng trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết. Thông tin về cơn bão WIPHA liên tục được cập nhật, với những dự báo ngày càng khẩn cấp “bão đang mạnh lên nhanh, hướng di chuyển phức tạp và có thể gây ra một đợt mưa rất lớn trên diện rộng”.

Anh Nguyễn Văn Hùng đánh chiếc máy cày ruộng về kho để cất, đề phòng ngập úng sẽ hỏng máy móc. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Nguyễn Văn Hùng đánh chiếc máy cày ruộng về kho để cất, đề phòng ngập úng sẽ hỏng máy móc. Ảnh: Đinh Mười.

Trước tình hình đó, các văn bản, công điện hỏa tốc từ Sở Nông nghiệp và Môi trường liên tục được ban hành. Và phía sau những văn bản chỉ đạo, khắp các cánh đồng, ao đầm, là cuộc chiến thực sự của những người nông dân với thời gian, với thiên nhiên và với cả sự may rủi.

Anh Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ Đại điền Hải Phòng, người đang quản lý và kết nối các hộ nông dân sản xuất trên diện tích hơn 3.000 ha, không giấu nổi sự lo lắng trong từng câu nói. “Tình hình này là căng lắm chú ạ. Một số diện tích thì anh em mới cấy xong, gặp nắng nóng đã ảnh hưởng nhiều rồi, bây giờ lại dập cho trận bão WIPHA này nữa thì có lẽ người nông dân chúng tôi mất trắng”, anh Hùng chia sẻ.

Theo anh Hùng, các thành viên trong Câu lạc bộ Đại điền mới chỉ gieo cấy được khoảng 50-70% diện tích. Riêng những vùng trũng, dù đã cấy được phần lớn nhưng lại là nơi dễ bị tổn thương nhất. Biện pháp duy nhất và cấp bách nhất mà những người nông dân có thể làm lúc này là tiêu nước, giữ cho mặt ruộng khô nhất có thể.

“Giờ chủ yếu là rút cạn nước đi thôi chứ chẳng biết làm cách nào nữa cả. Cứ bão gió thế này chết dở, vừa năm ngoái một trận, anh em còn chưa kịp hoàn hồn, giờ lại bão nữa, chỉ cầu mong cho nó né đi thôi”, anh Hùng bất lực bày tỏ.

Đang đánh cược tiền tỷ với bão

Không chỉ lúa, các trang trại nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi nội đồng cũng đang trong tình trạng báo động. Tại xã An Khánh (khu vực Mỹ Đức, huyện An Lão cũ), anh Vũ Văn Tăng, chủ một trang trại lớn, cũng đang tất bật chuẩn bị cho cuộc đối đầu với bão.

Anh Vũ Văn Tăng kiểm tra lần cuối khu vực trang trại nuôi gà để có phương án chằng chống 'chờ' bão. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Vũ Văn Tăng kiểm tra lần cuối khu vực trang trại nuôi gà để có phương án chằng chống "chờ" bão. Ảnh: Đinh Mười.

Cơn bão Yagi năm 2024 đã cuốn phăng gần 2 tỷ đồng của anh Tăng, đến nay vừa vay mượn khắp nơi để hồi phục lại thì tiếp tục phải đối diện với cơn bão WIPHA được dự báo cũng nguy hiểm không kém. Anh Tăng nhẩm tính, trong trang trại của gia đình hiện có khoảng 30 vạn cá rô phi, 5 vạn cá koi, cùng một đàn gà lớn. Tổng giá trị tài sản đang "nằm chờ bão" lên đến khoảng 2,7 tỷ đồng.

“Hiện tại tôi đang tháo nước đệm trong các ao, bơm cạn hai, ba ao để phòng khi mưa lớn nước có chỗ chứa. Còn tất cả mái lán, chuồng trại vẫn chưa gia cố được gì. Chờ mai trời tạnh mưa là phải lên bắn vít lại mái tôn ngay. Nếu lượng mưa dưới 500mm thì anh không sợ, nhưng trên mức đó thì đúng là không thể lường trước được. Nín thở chờ bão qua thôi chú ạ”, anh Tăng nói, mắt không ngừng nhìn ra những ao cá.

Nếu như nông dân trong đất liền đối mặt với nguy cơ ngập úng, thì tại Cát Bà, những người nuôi cá lồng bè lại đối mặt trực diện với sức gió và sóng biển. Anh Nguyễn Mạnh Toàn, một chủ bè nuôi cá song lớn, cho biết bà con tại đây đang như ngồi trên đống lửa khi bão đã cận kề.

Rút kinh nghiệm từ những cơn bão Yagi năm 2024 đã cuốn phăng hàng tỷ đồng của gia đình, năm nay anh Toàn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. “Bè trước đây làm liền một khối, bây giờ anh đã tháo rời thành từng mảng nhỏ, mỗi mảng khoảng 9 ô. Nếu bão WIPHA đổ bộ có thể di chuyển từng mảng vào các vụng, lạch kín gió để tránh trú. Coi như cũng có chút kinh nghiệm rồi”, anh Toàn chia sẻ.

Người lao động đang giúp anh Đỗ Mạnh Toàn gia cố lại bè nuôi cá. Ảnh: Mạnh Toàn.

Người lao động đang giúp anh Đỗ Mạnh Toàn gia cố lại bè nuôi cá. Ảnh: Mạnh Toàn.

Dù vậy, với quy mô 40 tấn cá các loại, trị giá khoảng 6-7 tỷ đồng, anh Toàn vẫn không thể chủ quan. “Dự báo thì cứ thay đổi liên tục, hôm qua bảo vào Móng Cái, nay lại lệch xuống Ninh Bình. Giờ anh em phải tháo dỡ hết các mái tôn trên khu nhà tạm để giảm sức cản của gió”, anh Toàn cho biết thêm.

Ông Trần Văn Quân  - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã yêu cầu tập trung ở cấp độ cao nhất ứng phó bão WIPHA, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Việc chống úng đô thị, kiểm tra nhà yếu, cắt tỉa cây xanh, đảm bảo điện, dự trữ hàng hóa được yêu cầu triển khai gấp rút. Và một chỉ đạo mang tính răn đe cao nhất đó chính là UBND thành phố nhấn mạnh sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các cấp nếu để xảy ra thiệt hại lớn.

Xem thêm
Dịch tả lợn Châu Phi tại Nghệ An lây lan nhanh

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra một số loại dịch bệnh chăn nuôi nguy hiểm, đáng ngại hơn cả là diễn biến dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian gần đây.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 109/CĐ-TTg về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Tìm biện pháp phòng trừ tuyến trùng gây hại cho lúa ở ĐBSCL

An Giang Tuyến trùng sống trong đất và ký sinh vào rễ lúa, gây bướu rễ, thối nâu rễ, làm cây lúa kém phát triển, đẻ nhánh ít, gây hiện tượng lép trắng, giảm năng suất.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Chăm sóc chanh leo bằng điện thoại, quả sai trĩu

SƠN LA Áp dụng đồng bộ quy trình canh tác tự động hiện đại, vườn chanh lep của anh Hưởng phát triển rất tốt, quả sai trĩu, việc chăm sóc cũng rất nhàn nhã.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Siết chặt bảo vệ rừng trong mùa khai thác hạt ươi

ĐÀ NẴNG Mùa ươi không chỉ giúp bà con cải thiện sinh kế mà còn là thử thách cho công tác bảo vệ rừng, đòi hỏi trách nhiệm của cả người dân và lực lượng chức năng.

Bình luận mới nhất