
Mưa và gió lớn đã xuất hiện tại Hải Phòng từ chiều tối 19/7 sau đó thời tiết trở lại trạng thái lặng gió. Ảnh
Theo tin bão khẩn cấp từ Đài Khí tượng Thủy văn TP Hải Phòng, lúc 8h sáng 20/7, tâm bão số 3 (WIPHA) ở trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, chỉ còn cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 705km về phía Đông. Bão đã mạnh lên cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14 và đang di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc.
Dự báo, bão sẽ tiếp tục mạnh lên khi tiến vào gần Vịnh Bắc Bộ. Đến sáng 22/7, bão sẽ ở trên vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, sức gió vẫn duy trì ở mức rất mạnh, cấp 10-11, giật cấp 14. Từ đêm nay (20/7), vùng biển Vịnh Bắc Bộ, bao gồm các huyện đảo Cát Hải, Bạch Long Vĩ, sẽ có gió mạnh dần lên cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao 3-5m, biển động dữ dội.
Đặc biệt, từ tối và đêm 21/7, vùng ven biển Hải Phòng (bao gồm Cát Hải, Đồ Sơn) sẽ có gió mạnh dần lên cấp 7-9, giật cấp 10-11. Các khu vực sâu hơn trong đất liền cũng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Nước dâng do bão tại vùng ven biển Hải Phòng có thể cao từ 0,5-1,0m. Kết hợp với triều cường, mực nước tổng hợp tại Hòn Dấu dự báo có thể đạt 3,8-4,1m, gây ngập úng sâu tại các khu vực trũng, thấp ven biển, cửa sông vào trưa và chiều ngày 22/7. Bão cũng sẽ gây ra một đợt mưa rất lớn, lượng mưa phổ biến tại Hải Phòng từ đêm 20/7 đến ngày 23/7 được dự báo từ 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Trước diễn biến cực kỳ nguy hiểm của bão, công tác phòng chống bão số 3 (WIPHA) tại Hải Phòng đã được nâng lên mức độ cao nhất, UBND thành phố đã ban hành Công điện hỏa tốc số gửi các đơn vị, địa phương,…. yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần quyết liệt.

Họp bàn phương án ứng phó bão WIPHA tại Xuân Đám, Đặc khu Cát Hải tối 19/7. Ảnh: Xuân Thủy.
Một trong những chỉ đạo quan trọng nhất mà UBND TP Hải Phòng đưa ra là yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc sơ tán nhân dân khỏi các khu vực xung yếu, nguy hiểm, trên các lồng bè và phương tiện trên biển trước 8h sáng ngày 21/7. Các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, phải chuẩn bị sẵn sàng địa điểm, nhu yếu phẩm cần thiết và có phương án đảm bảo an toàn cao nhất về người và tài sản cho người dân.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã được lệnh kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, giữ thông tin liên lạc thường xuyên và sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn. Công an thành phố triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông và hỗ trợ sơ tán dân.
Sở Xây dựng đã chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc cắt tỉa cây xanh, rà soát các khu chung cư cũ yếu để có phương án di dời. Các công ty thủy lợi được lệnh vận hành hết công suất các trạm bơm để tiêu nước đệm, chống úng. Ban Quản lý Khu kinh tế chỉ đạo các doanh nghiệp có biện pháp đảm bảo an toàn nhà xưởng, kho hàng và người lao động.
UBND TP Hải Phòng cho biết sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu các cấp nếu chủ quan, lơ là, chậm triển khai ứng phó dẫn tới thiệt hại lớn. Bên cạnh đó, lệnh “cấm biển” và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển cũng đã được đề xuất thực hiện.