Ngày 19/7, Cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) tổ chức phiên họp trực tuyến dự báo về cơn bão số 3 (bão Wipha) do Cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền chủ trì. Tham dự có các Phó Cục trưởng Cục KTTV, lãnh đạo Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, đại diện đơn vị trực thuộc Cục, các Đài KTTV Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và Đài KTTV các tỉnh/thành phố.
Thông tin về bão số 3 (bão Wipha), ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết: Sau khi vào Biển Đông, bão số 3 sẽ di chuyển khá nhanh với tốc độ trung bình khoảng 20km/h, cường độ mạnh nhất có thể đạt cấp 12 khi tiếp cận với đảo Lôi Châu (Trung Quốc).

Cục Khí tượng Thủy văn tổ chức họp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác dự báo, cảnh báo bão và các thiên tai đi kèm. Ảnh: Hoài Linh.
Phân bố vùng mưa và gió mạnh của bão lệch về phía Tây và phía Nam. Chính vì vậy, mưa dông trước bão có thể xảy ra vào khoảng ngày 20-21/7 khi bão ở ngoài vịnh Vịnh Bắc Bộ, phía Đông của bán đảo Lôi Châu. Với dự báo quỹ đạo và cường độ hiện tại, khả năng bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền từ khoảng sáng 22/7, gây gió mạnh ven biển và đặc biệt là một đợt mưa rất lớn trên hầu khắp các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Một số nơi, lượng mưa trong vòng 3 giờ có thể đạt đến 150 mm, khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tăng cao ở Bắc Bộ và hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị trong hệ thống dự báo, các đơn vị nghiệp vụ, chuyên gia KTTV từ Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã cùng trao đổi, đưa ra những nhận định về các khả năng, diễn biến của cơn bão số 3 trong điều kiện và hiện trạng quan trắc khí tượng thủy văn, hải văn và hệ thống quan sát trên cao.
Theo Đài KTTV khu vực Bắc Bộ, hiện nay, hầu hết các địa phương trong khu vực đã có quyết định thành lập Ban Phòng thủ dân sự, trừ 5 tỉnh là Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Ninh. Ở cấp xã, nhiều nơi vẫn chưa kiện toàn bộ máy lãnh đạo sau sáp nhập, khiến việc thống kê đầu mối liên hệ còn rất khó khăn. Cán bộ KTTV đang chủ động cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo qua văn phòng UBND tỉnh, Sở NN-MT và một số đầu mối phụ trách công tác phòng chống thiên tai. Về tình hình lũ trên các sông, Đài sẽ cập nhật dựa trên dữ liệu dự báo lượng mưa trong những ngày tới.

Vùng gió mạnh của bão lệch về phía tây và phía nam (vùng màu vàng cam, đỏ tím). Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam.
Theo Đài KTTV khu vực Trung Bộ, một số địa phương chưa hoàn tất kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự nhưng vẫn duy trì được các đầu mối để cung cấp bản tin dự báo. Hai tỉnh được dự báo chịu ảnh hưởng của bão là Nghệ An và Thanh Hóa đã vào trạng thái chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Vấn đề hiện nay là mạng lưới quan trắc, thiết bị hư hỏng từ năm 2024 vẫn chưa được khắc phục đảm bảo quan trắc trong điều kiện tốt nhất.
Nhận định về nguy cơ thiên tai, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho rằng, mối nguy lớn nhất của cơn bão này là lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt ở khu vực phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Cần tính đến khả năng vùng mưa lớn sang đến đất Lào nhưng vẫn quay ngược về Việt Nam, như tình huống đã từng xảy ra năm 2019.
Một nguy cơ khác đáng lưu tâm là gió giật mạnh trên đất liền. Ông Hoàng Đức Cường, Phó Cục trưởng Cục KTTV nhận định: Bão sẽ tác động trên đất liền trên nền nhiệt độ đang rất nóng, gió giật có thể tăng thêm 3 cấp so cấp gió ở tâm bão, thay vì 2 cấp như thông thường. Về mưa, cần tính toán rất kỹ phương án dự báo mưa trước, trong và sau bão.
Về công tác quan trắc khi bão ở ngoài biển, trạm Bạch Long Vĩ khả năng sẽ không phải điểm có gió mạnh nhất của bão mà là các trạm đảo của Quảng Ninh. Do đó, Phó Cục trưởng yêu cầu Trung tâm Điều tra khảo sát và Công nghệ, dịch vụ khí tượng thủy văn phối hợp cùng Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia lựa chọn điểm đặt thiết bị quan trắc, tăng cường số liệu để đánh giá quy mô ảnh hưởng của bão.
“Đa số các khu vực phải tăng cường quan trắc trong bão Wipha trùng với cơn bão Yagi năm 2024. Rất nhiều công trình nhà trạm, đài tỉnh chưa sửa chữa xong và nguy cơ tai nạn. Dù phải đảm bảo số liệu quan trắc, các đài cần ưu tiên cao nhất đảm bảo an toàn cho quan trắc viên”, Phó Cục trưởng Hoàng Đức Cường lưu ý.
Cục trưởng Cục KTTV Nguyễn Thượng Hiền yêu cầu các đơn vị dự báo tập trung cao độ cho việc đảm bảo thông tin, kết nối phục vụ cho dự báo, cảnh báo sớm. Trong đó, chú trọng việc cung cấp thông tin cho hệ thống chỉ đạo, chỉ huy phòng chống giảm nhẹ thiên tai do bão lũ, lũ quét sạt lở ở các cấp.
Đặc biệt, cần chú trọng việc đảm bảo cung cấp nguồn tin khuyến cáo cho công tác chỉ đạo chỉ huy ở cấp tỉnh, chú ý kết nối với các địa phương cấp xã phường thông qua các cấp chính quyền đến Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh để phục vụ chỉ đạo chỉ huy kịp thời. Bên cạnh đó, kết nối và khai thác hệ thống ngành dọc của các Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh thành để phục vụ kịp thời mọi tình huống thiên tai, góp phần giảm nhẹ các nguy cơ rủi ro thiên tai của cơn bão số 3 trong các ngày trước trong và sau bão số 3.
Ngày 18/7, Cục KTTV đã ban hành công văn 636/KTTV-QLDB đôn đốc các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác dự báo, cảnh báo bão và các thiên tai đi kèm. Trong đó nhấn mạnh công tác bảo đảm hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc hoạt động ổn định, truyền số liệu phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo; bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác số liệu và truyền tin kịp thời trong mọi tình huống thiên tai; kiểm tra, đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động nhằm an toàn cho quan trắc viên khi thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, cung cấp kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo tác động chi tiết cho khu vực nhạy cảm, các công trình dân sinh, kinh tế - xã hội, các khu vực chịu ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh cho Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, các cơ quan liên quan theo quy định và nhân dân các tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.