Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7h sáng nay, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20 độ Vĩ Bắc - 119,8 độ Kinh Đông. Bão đạt cấp 9 (75–88km/h), giật cấp 12 và di chuyển nhanh theo hướng tây bắc với tốc độ 20km/h.

Bão đi vào Biển Đông sáng nay 19/7 và dự báo sẽ đi vào đất liền Việt Nam. Nguồn: TTDBKTTVQG.

Dự báo diễn biến bão trong 24 đến 72 giờ tới. Nguồn: TTDBKTTVQG.
Do ảnh hưởng của bão, dự báo ngày và đêm nay 19/7, khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm đặc khu Hoàng Sa) có mưa rào và dông rải rác, khả năng có lốc xoáy và gió giật.
Vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có mưa bão. Gió mạnh cấp 6–7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9–10, giật cấp 12. Sóng cao 3-5m, biển động rất mạnh.
Vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Cà Mau đến An Giang, Vịnh Thái Lan mưa dông và khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật cấp 6–8, sóng cao trên 3m.
Vùng biển khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm đặc khu Trường Sa), vùng biển từ Lâm Đồng đến TP.HCM có gió tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7–8. Sóng cao 2–4m, biển động.
Vùng biển từ Gia Lai đến Khánh Hòa có gió tây nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7–8. Sóng cao 2–4m, biển động
Đêm 19/7, vùng biển từ Nam Quảng Trị đến Quảng Ngãi cũng có gió tây nam mạnh khiến sóng cao 2–3m, biển động.
Cơ quan khí tượng thủy văn khuyến cáo toàn bộ tàu thuyền hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.

Tàu thuyền cần tránh những vùng biển trong phạm vi ảnh hưởng của bão số 3. Ảnh minh họa/Báo Tuổi trẻ.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn - Bộ đội Biên phòng, tính đến trưa ngày 18/7, các lực lượng đã thông báo hướng dẫn cho 35.183 phương tiện với 147.336 lao động, trong đó 790 phương tiện với 4.160 lao động đang hoạt động tại khu vực bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, không có phương tiện hoạt động tại phía đông khu vực bắc Biển Đông (khu vực chịu ảnh hưởng chính của bão).
Tổng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa là 126.583 ha; hơn 19 nghìn lồng bè; gần 3.700 chòi canh nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ.
Tại cuộc họp về công tác ứng phó bão chiều 18/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng hướng dẫn tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng, đảm bảo an toàn tại các khu du lịch, khu neo trồng thủy sản. Ngoài ra các hồ chứa ở miền Bắc đang khá đầy, Bộ NN-MT đã chỉ đạo các chủ hồ triển khai việc xả lũ, hạ mực nước các hồ chứa về ngưỡng an toàn, đồng thời yêu cầu các công ty, đơn vị đảm bảo quy trình vận hành hồ chứa, tránh trường hợp rơi vào tình huống khẩn cấp như đã xảy ra ở hồ thủy điện Thác Bà năm 2024. Thứ trưởng đề nghị các địa phương triển khai ngay các giải pháp phòng ngừa sạt lở, ngập úng.
Hiện nay hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa còn tồn tại 20 trọng điểm đê điều xung yếu và 7 công trình đang thi công. Do đó cần khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục sự cố hư hỏng đê điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua, kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình đê điều, phương án hộ đê trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để chủ động triển khai khi có sự cố, tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Do đây là cơn bão đầu tiên khi bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp mới đi vào hoạt động nên đòi hỏi sự chủ động rất lớn ở các địa phương, đặc biệt ở cấp xã để chủ động phòng ngừa, triển khai biện pháp từ sớm từ xa, đảm bảo an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Cơn bão sẽ còn di chuyển phức tạp, vùng ảnh hưởng trên đất liền nước ta sẽ có nhiều diễn biến thay đổi nên người dân và các địa phương cần theo dõi sát diễn biến cập nhật bão từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia để triển khai công tác ứng phó phù hợp, hiệu quả