
Dự báo bão Wipha có thể mạnh tương đương cơn bão Yagi năm 2024. Ảnh: Đinh Mười.
Thông tin lúc 20h ngày 18/7 từ Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Hải Phòng, tâm bão Wipha đang ở trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines), sức gió mạnh nhất cấp 8 - 9, giật cấp 11. Bão đang di chuyển nhanh theo hướng tây bắc với tốc độ khoảng 25 km/h.
Ông Nguyễn Hồng Sinh - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Hải Phòng, cho biết các mô hình dự báo cho thấy bão sẽ liên tục mạnh thêm trong 48h tới khi di chuyển vào Biển Đông do gặp các điều kiện thuận lợi như nhiệt độ mặt biển cao.
“Theo tính toán, đến 19h ngày 20/7, bão có thể đạt cường độ rất mạnh, lên tới cấp 11 - 12, giật cấp 14 khi ở trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Khi tiến vào vịnh Bắc Bộ vào tối 21/7, dù có thể suy yếu, cường độ bão vẫn còn rất nguy hiểm, ở mức cấp 10 - 11, giật cấp 13”, ông Sinh nhận định.
Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24h tới là phía đông khu vực Bắc Biển Đông (phía bắc vĩ tuyến 18,0N; phía đông kinh tuyến 116,0E). Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Các chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm cần khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn, Ảnh: Đinh Mười.
Trước diễn biến của bão, các chuyên gia khuyến cáo chính quyền và người dân Hải Phòng cũng như các tỉnh, thành ven biển thuộc vịnh Bắc Bộ cần khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.
Đối với tàu thuyền và hoạt động trên biển, cần thường xuyên cập nhật thông tin về vị trí và hướng đi của bão. Các tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm cần khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn, tuyệt đối không ra khơi trong thời gian này.
Đối với nuôi trồng thủy sản, các hộ nuôi lồng bè, ao đầm ven biển, cửa sông tại Cát Hải, Đồ Sơn, Tiên Lãng, Kiến Thụy,... cần khẩn trương gia cố, chằng chống lồng bè, di dời các tài sản có giá trị, có kế hoạch thu hoạch sớm các loại thủy hải sản đã đạt kích cỡ thương phẩm để giảm thiểu thiệt hại.
Đối với khu vực dân cư, người dân cần chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; kiểm tra, gia cố các công trình, biển quảng cáo. Các địa phương vùng trũng, thấp, ven sông, ven biển cần sẵn sàng phương án di dời người dân đến nơi an toàn khi có lệnh của chính quyền sở tại.