Chiều 18/7, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì cuộc họp ứng phó bão WIPHA. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ: Quốc phòng; Công an; Công Thương; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Ngoại giao; Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Bão WIPHA khả năng cao sẽ ảnh hưởng đất liền Việt Nam, sớm nhất từ tối và đêm 21/7 hoặc trong ngày 22/7, vùng ảnh hưởng từ Quảng Ninh - Nghệ An. Dự báo phạm vi ảnh hưởng rộng tới 18 tỉnh/1.713 xã.
Đường đi của bão gần giống bão Yagi
Đến 13h chiều nay (18/7), bão WIPHA đang ở trên vùng biển phía Đông của đảo Lu Dông (Phi-líp-pin). Trong những giờ qua, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20 km/h. Các xoắn mây đối lưu bắt đầu phát triển quanh tâm bão.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Cục Khí tượng Thủy văn), điều kiện môi trường đang thuận lợi cho bão phát triển. Dự báo khoảng sáng ngày mai (19/7), bão sẽ di chuyển vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 năm 2025. Cường độ mạnh nhất khi ở phía Đông của Lôi Châu (Trung Quốc). Với tốc độ di chuyển nhanh, khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng đất liền Việt Nam (sớm là từ tối và đêm 21/7 và dự tính có thể trong ngày 22/7), vùng ảnh hưởng từ Quảng Ninh-Nghệ An.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Cục Khí tượng Thủy văn) chia sẻ về dự báo diễn biến bão. Ảnh: Ngọc Hà.
Chênh lệch khoảng cách về vị trí bão đổ bộ mà các các mô hình dự báo quốc tế đưa ra lên tới 100km. Do đó, chưa có độ chắc chắn về tác động của bão và cường độ mạnh nhất. Khả năng gây bão sẽ gây mưa lớn ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An trong thời gian từ ngày 21-24/7, lượng mưa 200-350mm, có nơi trên 600mm. Ngoài ra, sau khi bão vào đất liền, một hình thế thời tiết xấu phía sau khả năng sẽ tạo ra một rãnh thấp, tiếp tục gây mưa cho Bắc Bộ đến khoảng ngày 25/7. Cần lưu ý, nhận định sơ bộ ban đầu có xác suất chưa cao và Trung tâm sẽ tiếp tục cập nhật khi trong các bản tin tiếp theo.
“Đường đi, tác động có hình dáng của Yagi, cần hết sức lưu ý và có phương án phòng chống bão đổ bộ ở cấp 10-11, giật cấp 14, 15”, ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.

Dự báo quỹ đạo bão WIPHA. Nguồn: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam.
Đây cũng là vấn đề Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp rất quan ngại. Thứ trưởng nhận định, dự báo đường đi của WIPHA hơi giống với bão Yagi và cũng mạnh lên khi vào Biển Đông. Dù khả năng bão không gây gió mạnh và mưa nhiều như Yagi, nhưng không thể chủ quan. Thời điểm hiện nay là cao điểm du lịch hè, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản cũng đang mạnh. Trên đất liền, lúa và nhiều loại rau màu vừa vào đầu vụ nên nếu mưa lũ, khả năng thiệt hại rất lớn.
Đảm bảo an toàn hồ chứa, chủ động phòng chống lũ quét và sạt lở
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, thời tiết mưa nhiều từ đầu năm đến nay khiến mực nước hồ chứa khu vực Bắc Bộ đến Hà Tĩnh khá cao, phổ biến khoảng 55-85% dung tích, có nơi 95%. Hiện có 47 hồ đang sửa chữa, nâng cấp.
Thủy điện Tuyên Quang đang mở 1 cửa xả lũ và đóng lại vào 15h chiều ngày 18/7. Trong khi đó, Thủy điện Hòa Bình đang mở 3 cửa xả lũ. Các hồ Sơn La, Thác Bà đang thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ. Dự báo cho thấy mưa đợt này khả năng sẽ hơi tập trung ở khu vực hồ Thủy điện Hòa Bình, Sơn La.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cảnh báo: “Chúng tôi rất lo lắng về tình hình hồ chứa, nhất là hồ thủy điện. Nếu mưa lớn trút xuống trong khi hồ tích nước cao thì nguy cơ mất an toàn rất lớn”. Thứ trưởng đề nghị Bộ Công Thương cần đưa ra quy trình vận hành thủy điện trong tình huống khẩn cấp, dứt khoát không để xảy ra tình trạng như tại hồ Thác Bà năm ngoái. Bên cạnh đó, yêu cầu các nhà máy thủy điện đảm bảo thưc hiện đúng quy trình vận hành, đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Ngọc Hà.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng yêu cầu Cục Khí tượng Thủy văn tăng cường nhân lực, vật lực để theo dõi chặt chẽ, tập trung dự báo bão trong những ngày tới.
Đây là cơn bão đầu tiên đổ bộ nước ta trong năm 2025, gió không lớn nhưng phạm vi mưa khá rộng trên 18 tỉnh/1.713 xã. Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị khác của Bộ NN-MT triển khai phân công cán bộ xuống địa bàn xã có nguy cơ cao. Đây không chỉ là nhiệm vụ ứng phó thiên tai, mà còn là dịp “duyệt binh” kiểm tra thực tế sự vận hành của hệ thống chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai của chính quyền hai cấp: tỉnh và xã.
“Chúng ta cần xem trong quá trình điều hành có bất cập gì không để kịp thời báo cáo Chính phủ và đề xuất giải pháp phù hợp trong thẩm quyền của Bộ. Đặc biệt lưu ý việc ứng trực liên tục trong thời gian diễn biến thiên tai,” Thứ trưởng nhấn mạnh. Mưa lớn có thể gây nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở, lũ quét nên phải lưu ý công tác phòng chống. Sạt lở xảy ra rất nhanh, có thể từ nửa đêm về sáng, đòi hỏi các địa phương phải chủ động sơ tán sớm, không để bất ngờ.
Thứ trưởng đề nghị các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng phát huy vai trò Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự, bám sát tình hình để chỉ đạo, điều hành tại tuyến cơ sở. Cục Thủy sản và Kiểm ngư phải phối hợp với lực lượng bộ đội, địa phương kêu gọi tàu thuyền, người dân tránh trú an toàn, có phương án thu hoạch thủy sản để giảm thiểu thiệt hại. Cần kiểm tra, đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công, bảo vệ cả người dân và công nhân; cảnh báo các điểm du lịch để doanh nghiệp, người dân, du khách chủ động trước bão.
Theo diễn biến bão, Bộ NN-MT cũng sẽ báo cáo Chính phủ, tổ chức họp trực tuyến với các địa phương để thống nhất phương án ứng phó, tổ chức các đoàn công tác chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường nếu cần thiết. Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là tình huống rất quan trọng, không chỉ vì ảnh hưởng của bão số 3 mà còn là bài kiểm tra thực tế sự phối hợp, vận hành của toàn hệ thống chỉ huy phòng chống thiên tai. Yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không chủ quan, phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng cao nhất.