Hơn 56 nghìn ha lúa đã gieo cấy nguy cơ ngập lụt
Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn TP Hải Phòng, sáng 19/7, tâm bão WIPHA (bão số 3) trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 12. Bão đang di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 20 km/h và được dự báo sẽ liên tục mạnh thêm trong nhiều giờ tới.

Bão WIPHA đã đi vào biển đông và đang mạnh lên, đe dọa trực tiếp các tỉnh, thành ven biển phía Đông Bắc. Ảnh: Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Hải Phòng.
Cơ quan khí tượng nhận định, đến sáng 21/7, bão có thể đạt cường độ tới cấp 11-12, giật cấp 14 khi ở trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Do ảnh hưởng cơ bão, khoảng đêm 21 và rạng sáng ngày 22/7, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Với lĩnh vực chăn nuôi, các hộ dân chủ động gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn, nước uống để đảm bảo an toàn hàng chục triệu con gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Dự báo, khu vực TP Hải Phòng và các tỉnh lân cận sẽ xảy ra mưa to đến rất to, kéo dài từ 21-24/7. Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể sẽ gây ra ngập úng nghiêm trọng cho các vùng trũng thấp, đồng bằng và các vùng trồng rau màu chuyên canh đang đứng trước nguy cơ thiệt hại lớn.
Để chủ động ứng phó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống thiên tai của ngành, đồng thời có văn bản gửi các địa phương, các đặc khu, ban quản lý dự án và các công ty thủy lợi, yêu cầu triển khai ngay lập tức các biện pháp ứng phó cấp bách, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng người dân và thành quả sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Hải Phòng, việc ứng phó cpưn bão đã được chủ động thực hiện rất sớm, các chỉ đạo khẩn cấp đã được ban hành, tập trung vào việc bảo vệ sản xuất, mùa màng và tính mạng người dân.

Gần 60 ha lúa vừa được gieo cấy tại TP Hải Phòng đang đứng nguy cơ thiệt hại lớn nếu bão WIPHA đổ bộ. Ảnh: Đinh Mười.
Toàn TP Hải Phòng hiện có 56.000 ha lúa mùa đã gieo cấy, trong đó, khoảng 20.000 ha lúa mùa sớm và mùa trung đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Vớii 35.000 ha lúa mùa còn lại mới gieo cấy, sức chống chịu còn yếu, rất dễ bị thiệt hại nếu gặp gió mạnh và ngập úng.
Đối với rau màu, toàn thành phố hiện có 12.000 ha rau vụ hè thu và gần 29.000 ha cây ăn quả đang trong giai đoạn phát triển, tất cả đều đứng trước nguy cơ thiệt hại lớn nếu bão đổ bộ. Trong lĩnh vực thủy sản, toàn thành phố có gần 22.000 ha diện tích nuôi trồng, đặc biệt là khoảng 9.900 ô lồng và 7 giàn bè nuôi nhuyễn thể trên biển và các tuyến sông.
Đây là tài sản lớn, là sinh kế của hàng nghìn hộ dân. Do đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trực tiếp vào cuộc yêu cầu các chủ lồng bè, ao đầm ven biển khẩn trương gia cố, chằng chống, di dời các tài sản có giá trị và có kế hoạch thu hoạch sớm các loại thủy sản đã đạt kích cỡ thương phẩm.
Gia cố lá chắn đê điều, sẵn sàng cho các "điểm nóng"
Song song với việc bảo vệ sản xuất, công tác gia cố "lá chắn" phòng thủ được triển khai đồng bộ. Toàn bộ hệ thống đê điều của thành phố với 63 trọng điểm đê, kè, cống xung yếu đang được đặt trong tình trạng theo dõi đặc biệt.

Các cống xung yếu được chỉ đạo gia cố và chuẩn bị các phương án ứng phó các tình huống có thể xảy ra nếu bão đổ bộ. Ảnh: Đinh Mười.
Các Hạt Quản lý đê điều đã phân công lực lượng "cắm chốt", tuần tra 24/24h để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố từ sớm. Còn các đơn vị đang thi công công trình trên đê cũng được yêu cầu phải có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Để chủ động chống ngập úng, các Công ty Khai thác Công trình thủy lợi trên địa bàn đã chủ động tháo nước đệm trong các kênh mương, chuẩn bị sẵn sàng máy móc, thiết bị và lực lượng để thường trực vận hành các trạm bơm, cống tiêu ngay khi có yêu cầu, nhằm tạo dung tích phòng chống úng lụt.
Công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trên biển cũng đã được thực hiện quyết liệt, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, đến 7h sáng ngày 19/7, lực lượng đã phối hợp với các gia đình, chủ tàu, sử dụng mọi hệ thống thông tin liên lạc để kiểm đếm, thông báo cho 1.657 phương tiện với 4.668 lao động, cùng 157 lồng bè và 3 chòi canh đang hoạt động, neo đậu biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Các hộ dân nuôi cá lồng, bè trên biển, trên sông được thông tin, tuyên truyền để chủ động ứng phó cơn bão. hạn chế thiệt hại thấp nhất có thể. Ảnh: Đinh Mười.
Đặc biệt, trong số 200 tàu cá với 906 lao động đang hoạt động trên biển, không có phương tiện nào nằm trong vùng nguy hiểm của bão. Toàn bộ các tàu này đang hoạt động ở các vùng biển khác và đã nhận được thông tin để di chuyển phòng tránh. Tại các bến, có 1.337 phương tiện các loại đang neo đậu an toàn, không còn phương tiện mất liên lạc.
Để đảm bảo khả năng ứng phó, các lực lượng vũ trang như Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cũng đã duy trì nghiêm chế độ trực, rà soát, kiểm tra phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để xử lý các tình huống khi có lệnh. Thành phố cũng đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 1,1 triệu bao tải, hàng chục nghìn tấn đá, dây thép, hàng nghìn chiếc rọ thép, áo phao, phao tròn và hàng trăm nghìn mét vuông bạt chống sóng tại các kho dự trữ phòng chống thiên tai, sẵn sàng chi viện cho các điểm nóng.
"Hiện tại, chúng tôi đang tổ chức trực ban 24/24 giờ, liên tục cập nhật tình hình, tổng hợp báo cáo và dự thảo Công điện của Chủ tịch UBND thành phố để ban hành trong thời gian sớm nhất. Cả hệ thống chính trị TP Hải Phòng đang vào cuộc đồng bộ và quyết liệt nhất để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra do cơn bão số 3", Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Hải Phòng thông tin.