
Gần 700 cây xanh đã được cắt tỉa trong những ngày gần đây để đề phòng bão WIPHA đổ bộ. Ảnh: Đinh Mười.
Rút kinh nghiệm từ siêu bão Yagi năm 2024, để ứng phó bão số 3 (WIPHA) năm 2025, nhiều ngày qua, Công ty Cổ phần Công viên, Cây xanh Hải Phòng đã huy động toàn bộ nhân lực để cắt tỉa cây, chằng chống những cây có nguy cơ gãy đổ,… trên khắp các tuyến phố.
Tính đến chiều 19/7 , đơn vị này đã tiến hành cắt tỉa khoảng 700 cây xanh ở các tuyến phố ở TP Hải Phòng như: Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Vườn hoa Nguyễn Trãi,… Với số lượng cây xanh có nguy cơ gãy đổ còn lại, doanh nghiệp này cho biết sẽ tiến hành rà soát và có giải pháp phù hợp, kịp thời.
Theo ông Lê Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công viên, Cây xanh Hải Phòng, việc cắt tỉa phòng chống bão là kế hoạch thường xuyên từ đầu năm, chứ không phải đợi bão đến mới làm. Tuy nhiên, khi có tin bão Wipha, chúng tôi đã kích hoạt toàn bộ bộ máy phòng chống lụt bão của công ty lên mức cao nhất.
“Việc cắt tỉa để ứng phó thiên tai được chúng tôi làm thường xuyên và khi có bão như hiện nay, chúng tôi đã huy động 100% quân số, gần 300 người để tăng cường rà soát, cắt tỉa thêm những cây có nguy cơ gãy đổ trên tất cả các tuyến phố”, ông Lê Văn Tuân thông tin.
Ngoài việc cắt tỉa cây xanh trên các tuyến phố, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Hải Phòng, cả hệ thống chính trị trên địa bàn đã vào cuộc để chuẩn bị các phương án ứng phó cơn bão.

Siêu bão Yagi năm 2024 đã làm gãy đổ hơn 82.000 cây xanh trên các đường phố tại TP Hải Phòng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ảnh: Đinh Mười.
Ở trên biển, công tác kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền được lực lượng Bộ đội Biên phòng và các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt. Bằng mọi biện pháp thông tin liên lạc, các cơ quan chức năng đã thông báo cho toàn bộ các phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Chiều 19/7, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Thành ủy cũng đã có văn bản yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, với tinh thần chủ động cao nhất để ứng phó bão WIPHA.
Với lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, các địa phương tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp chống úng ngập, gia cố chuồng trại, bảo vệ cây trồng. Các chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản được hướng dẫn chằng chống, di dời tài sản và thu hoạch sớm để giảm thiểu thiệt hại.
Các công ty thủy lợi được lệnh kiểm tra, vận hành thử toàn bộ hệ thống cống, trạm bơm; tổ chức khơi thông dòng chảy, tiêu rút nước đệm để sẵn sàng chống úng. Công ty Thoát nước đã rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo tiêu thoát nước cho khu vực đô thị.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương yêu cầu Điện lực Hải Phòng có phương án đảm bảo an toàn lưới điện và ưu tiên cấp điện cho các trung tâm chỉ huy. Các doanh nghiệp thương mại, siêu thị cũng được yêu cầu có phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu.

Tại Hải Phòng chiều 19/7 đã bắt đầu xuất hiện gió to và mưa lớn. Nhiều nơi người dân đã thu gom ô, bạt, cây cảnh trước nhà đề phòng thiệt hại khi bão đổ bộ. Ảnh: Đinh Mười.
Liên quan đến vấn đề này, sáng 19/7, tại cuộc họp về công tác phòng, chống bão số 3, ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải khẩn trương xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết, tuyệt đối không được chủ quan.
Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao làm đầu mối, tiếp thu ý kiến các đơn vị để tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo thống nhất. Đồng thời phối hợp với Bộ đội Biên phòng theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, đề xuất thời gian cấm biển và xây dựng phương án di dời dân, lồng bè khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân.
Theo Đài khí tượng thủy văn TP Hải Phòng, lúc 16h ngày 19/7, tâm bão số 3 (Wipha) cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 370km về phía Đông, với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 12. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 20-25 km/h và có khả năng mạnh thêm. Đến 16h ngày 20/7, bão có thể mạnh lên cấp 11-12, giật cấp 15.
Đến 16h ngày 21/7, bão sẽ ở trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Khoảng 16h ngày 22/7, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa, mạnh cấp 8, giật cấp 10 rồi suy yếu dần.
Trên biển, vùng gần tâm bão có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sóng cao 4-6m, biển động dữ dội. Từ ngày 21/7, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 10-11, giật cấp 13, sóng cao 3-5m. Tàu thuyền trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.