| Hotline: 0983.970.780

Khi cây bản địa gặp tư duy thị trường

Thứ Ba 27/05/2025 , 21:13 (GMT+7)

Chuối lùn bản địa, lúa Ra Dư, cây bồ kết được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định, thay đổi cuộc sống người dân vùng cao tỉnh Quảng Trị.

Dồn lực cho cây trồng có thế mạnh

Tại các xã Tà Rụt, A Ngo, A Vao, A Bung… của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, lúa Ra Dư, chuối lùn bản địa được đồng bào các dân tộc Pa Kô, Vân Kiều trồng chủ yếu với tập quán canh tác thuận tự nhiên, không sử dụng phân bón nên năng suất, chất lượng thấp.

Nhưng kể từ khi các mô hình khuyến nông được triển khai, tư duy của đồng bào đã có sự thay đổi đáng kể. Đồng bào đã biết tận dụng nguồn phân chuồng ủ hoai mục để bón cho chuối lùn bản địa.

Thay đổi phương thức canh tác giúp nâng cao năng suất, chất lượng chuối lùn bản địa. Ảnh: Võ Dũng.

Thay đổi phương thức canh tác giúp nâng cao năng suất, chất lượng chuối lùn bản địa. Ảnh: Võ Dũng.

Bà Hồ Thị Buổi, người dân thôn A Đăng, xã Tà Rụt cho biết, trước đây, gia đình bà trồng chuối lùn bản địa không bón phân, mật độ trồng thấp. Vì vậy, năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả không như mong đợi. Tuy nhiên, từ khi được tham gia các đợt tập huấn, gia đình bà đã sử dụng phân chuồng ủ hoai mục bón cho cây. Chuối được chăm sóc tốt hơn, ít sâu bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Bài liên quan

Chuối lùn bản địa được trồng với diện tích ngày càng lớn, chất lượng ngày càng cao nên được thương lái nhiều nơi tìm đến thu mua. Năm 2019, tổ hợp tác trồng chuối lùn bản địa thôn A Đăng đã được thành lập, quy tụ 20 thành viên. Ngoài việc phổ biến kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, tổ hợp tác còn xây dựng địa điểm trưng bày và thu mua chuối quả để cung ứng cho thị trường.

Chuối lùn bản địa trồng theo hướng hữu cơ tại tổ hợp tác thôn A Đăng hiện đạt tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tất cả sản phẩm của thành viên được hợp tác xã thu mua với mức giá ổn định 7-8 nghìn đồng/kg.

Bà Hồ Thị Thanh Nhàn, công chức địa chính nông nghiệp xã Tà Rụt cho hay, để Tà Rụt trở thành vùng trồng chuối lùn bản địa có quy mô hàng hóa và cung cấp những đơn hàng lớn thì rất cần có sự hỗ trợ của các chương trình phát triển kinh tế. Thời gian tới, địa phương này sẽ tiếp tục tăng diện tích chuối lùn bản địa trồng theo hướng hữu cơ để cung ứng ra thị trường, nâng cao đời sống cho người dân.

“Trên địa bàn xã Tà Rụt có khoảng 20 ha chuối lùn bản địa. Trong thời gian tới, xã Tà Rụt sẽ mở rộng diện tích và áp dụng khoa học kỹ thuật, bón phân và có sự chăm sóc tốt hơn để đảm bảo cho sự phát triển tốt cho chuối lùn bản địa”, bà Nhàn chia sẻ thêm.

Lúa Ra Dư và chuối lùn bản địa là đặc sản của người dân vùng cao Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Lúa Ra Dư và chuối lùn bản địa là đặc sản của người dân vùng cao Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Tương tự với chuối lùn bản địa, lúa Ra Dư thường trồng trên nương rẫy, phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào và cũng có thể trồng được trên ruộng nước. Là giống lúa có chất lượng đặc biệt thơm ngon nhưng lúa Ra Dư có thời gian sinh trưởng, phát triển kéo dài. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều giống lúa mới cho năng suất cao đã khiến giống lúa quý này dần bị mai một, diện tích ngày càng bị thu hẹp. Trăn trở trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã có nhiều động thái để khôi phục giống lúa bản địa này.

Ông Hồ Tất Huấn, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho hay, địa phương đang tìm các đối tác, vận dụng các chương trình phát triển kinh tế để hỗ trợ bà con khôi phục diện tích trồng lúa Ra Dư. Ông Huấn hi vọng, trong thời gian tới, lúa Ra Dư sẽ được mở rộng diện tích và sẽ đem lại thu nhập ổn định cho đồng bào.

Đừng ngại thay đổi

Tại nhiều địa phương dưới chân dãy núi Trường Sơn, nhiều giống cây trồng bản địa đã gần như không còn hiện diện. Khi nhu cầu thị trường quay trở lại với các sản phẩm đặc trưng này, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hi vọng vào một sự đổi thay trong đời sống kinh tế.

Năm 2006, ông Mai Văn Doanh tại thôn 2, xã Tà Rụt từng bỏ cả đống tiền để mua 6 nghìn cây trầm gió về trồng trên vườn đồi. Tuy nhiên, đây không phải là cây bản địa, nên sau 5-7 năm, trong vườn chỉ còn lác đác vài cây còn sống và không cho trầm.

Đến năm 2024, ông Doanh chuyển 2 ha sang trồng tập trung 700 cây bồ kết. Bồ kết là cây trồng bản địa dưới chân dãy Trường Sơn nhưng cũng đã bị mai một. Trong thời gian cây bồ kết chưa khép tán, ông Doanh trồng xen sắn để lấy ngắn nuôi dài.

Việc trồng thử nghiệm cây bồ kết hi vọng sẽ đem lại kết quả như kỳ vọng của gia đình ông Doanh. Ảnh: Võ Dũng.

Việc trồng thử nghiệm cây bồ kết hi vọng sẽ đem lại kết quả như kỳ vọng của gia đình ông Doanh. Ảnh: Võ Dũng.

Sau hơn 1 năm trồng, đến nay, cây bồ kết của ông Doanh đang phát triển tươi tốt, cao hơn đầu người. Dự tính, khoảng năm thứ 4-5, cây bồ kết sẽ bói quả và cho thu hoạch đều đặn. Ông Doanh có niềm tin vào cây trồng này, bởi nhiều doanh nghiệp tìm đến các xã dưới chân dãy núi Trường Sơn để thu mua quả bồ kết với giá cao.

“Đồng bào không dễ gì chấp nhận cái mới mà vẫn luôn thủy chung với những gì đang hiện diện. Phát triển kinh tế gia đình là chính nhưng mình cũng mong muốn cây bồ kết đem lại hiệu quả để chứng minh cho đồng bào biết, cần mạnh dạn thử nghiệm mới có cơ may đổi đời”, ông Doanh chia sẻ.

Theo thống kê, toàn xã Tà Rụt hiện có 15 hộ dân trồng cây bồ kết với tổng diện tích khoảng 10 ha. Trước khi nhận cây bồ kết về trồng, các hộ dân đều được một đơn vị tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, cây giống trả chậm. Đến nay, cây bồ kết phát triển tươi tốt.

Lấy ngắn nuôi dài cũng là một sự thay đổi trong tư duy canh tác nông nghiệp của người dân miền núi. Ảnh: Võ Dũng.

Lấy ngắn nuôi dài cũng là một sự thay đổi trong tư duy canh tác nông nghiệp của người dân miền núi. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hồ Văn Chinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tà Rụt cho hay, gia đình ông hiện cũng trồng 1 ha cây bồ kết. Hội Cựu chiến binh xã được giao làm đầu mối tổ chức việc trồng, hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm bón. Hiện nay, toàn bộ diện tích đang cho thấy tín hiệu tốt. Chỉ 4-5 năm nữa thôi, những đồi bồ kết không những đem lại môi trường trong lành mà còn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

“Cũng giống chuối lùn bản địa, bồ kết là cây trồng đã có mặt ở đây từ rất lâu nhưng chỉ là những cây phân tán và số lượng còn rất ít. Chúng tôi rất vui vì nhiều hộ dân đã mạnh dạn thử nghiệm trồng mới, quy mô tập trung giống cây này. Với việc người dân trồng cây bồ kết, sắp tới, xã sẽ tìm các doanh nghiệp vào liên kết để trồng và tiêu thụ sản phẩm cho người dân”, ông Hồ Văn Bước, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt chia sẻ.

Xem thêm
Gỡ rào cản thủ tục, cám gạo Việt sẵn sàng chinh phục thị trường Trung Quốc

Dù đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, doanh nghiệp xuất khẩu cám gạo Việt Nam vẫn gặp khó về thủ tục hành chính theo Nghị định thư mới.

Gỡ khó cho giết mổ tập trung: [Bài 3] Chưa đáp ứng nhu cầu thực tế

Gia Lai Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn thiếu, nhiều cơ sở xuống cấp, không đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm... đang là thực tế tại Gia Lai.

Nhà khoa học U90 và giấc mơ xanh hóa nông nghiệp bằng bèo hoa dâu

Sau 3 tháng điều trị bệnh thoái hóa xương khớp, viêm cơ, mới tập tễnh đi lại được bà đã rủ tôi sang Học viện Nông nghiệp Việt Nam để thăm bèo hoa dâu.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Tạo sông trong ao giúp năng suất nuôi cá tăng gấp 4 - 6 lần

HẢI DƯƠNG Nuôi cá theo hình thức sông trong ao giúp người nuôi thuận lợi kiểm soát môi trường, dịch bệnh, giảm hệ số sử dụng thức ăn, gia tăng mật độ nuôi.

Quảng Ngãi quản chặt táu cá ở khu vực nhạy cảm về ranh giới biển

Thời gian qua, công tác phòng chống IUU tại Quảng Ngãi đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục.

Bến Tre hướng đến mục tiêu xanh, phát triển bền vững

Để hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững và đáng sống, Bến Tre đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án trồng cây xanh và tập trung bảo vệ, phát triển cây rừng.

Bình luận mới nhất