Đưa các ao nuôi vào hoạt động
Sau bão số 3 năm 2024, các ao nuôi cá của Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai tại xã Quang Kim (huyện Bát Xát) hầu như tê liệt, nước trong ao bị ô nhiễm, tường, kè ao bị đổ sập... Hàng triệu cá giống, cá bảo tồn của Trung tâm nuôi dưỡng nay mất trắng, cuốn theo nước lũ.
6 tháng sau, việc sản xuất trở lại của Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Trang thiết bị, công trình phục vụ sản xuất xuống cấp, hư hỏng. Đặc biệt, tư liệu sản xuất, đó là những cặp cá bố mẹ thuần chủng hiện không còn một con nào.

Các ao nuôi đã có thể vận hành trở lại, phục vụ sản xuất giống cho bà con địa phương. Ảnh: H.Đ.
Ông Vũ Đình Hòa, Trại trưởng Trại Giống thủy sản Quang Kim cho hay, khắc phục ở trên bờ thì dễ hơn khắc phục dưới ao. Tuy nhiên, khu vực này, gia đình nào cũng bị ảnh hưởng nên ngay cả việc thuê người cũng khó khăn. Vì vậy, Trung tâm chủ yếu huy động cán bộ và số ít lao động bên ngoài để phục hồi các ao nuôi.
Cũng theo lãnh đạo Trại Giống thủy sản Quang Kim, toàn bộ việc nạo vét bùn, khử khuẩn ao nuôi cá phải làm hoàn toàn bằng thủ công. Máy xúc không thể đưa xuống lòng ao. Mặt khác, phải dẫn nước từ đầu nguồn vào để hút khi bùn loãng bởi để khô rất khó xúc dọn.
Cho đến nay, 32 ao nuôi cá của Trung tâm đã được khôi phục xong, sẵn sàng đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vấn đề chính đó là làm sao sản xuất giống khi không còn các cặp cá bố mẹ? Làm thế nào cho hoạt động của Trại hiệu quả?
Về vấn đề này, theo ông Vũ Đình Hòa, Trại đang tái cơ cấu đàn và sưu tập được 200 cặp chép bố mẹ cũng như nhiều cặp cá rô phi, lăng, nheo… để sản xuất cá giống, phục vụ nhu cầu chăn nuôi thủy sản của người dân trong vùng và tiến tới lấy lại thị trường các tỉnh lân cận. Đặc biệt, giống cá chép lai của Lào Cai đã có thương hiệu từ lâu.
“Từ đầu tháng 3/2025 đến nay, chúng tôi tập trung ương nuôi 3 giống cá gồm trắm, rô, chép… phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản của bà con vụ xuân. Đồng thời, tối ưu khả năng sản xuất của Trại vì hiện nay toàn bộ thị trường miền Bắc đang cháy hàng sau trận lũ tháng 9 năm ngoái”, ông Vũ ĐÌnh Hòa chia sẻ.
Khó khăn là vậy, song trại cá ở Phú Nhuận của Trung tâm không bị ảnh hưởng nhiều bởi bão số 3, nên đã san sẻ bớt gánh nặng sản xuất giống. Từ đầu năm đến nay, khoảng 50 vạn cá giống đã được các trại sản xuất và giao tới tay khách hàng.
Sản xuất thủy sản có giá trị kinh tế cao
Cũng từ nghiên cứu và đề xuất của các kỹ sư thủy sản, Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai có thể khôi phục trại cá giống bằng sản xuất cá đặc sản, có giá trị cao như: cá lăng, cá bỗng... Với diện tích hạn chế của trại, nước nguồn ít, sản xuất cá đặc sản sẽ hiệu quả hơn cá truyền thống.
“Giá cá truyền thống thấp, giá cám lại cao, vì vậy, tôi cho rằng phải tìm hướng đi mới để đưa hoạt động của trại sớm ổn định trở lại. Ví dụ, cá rô phi chỉ khoảng 35 nghìn đồng/kg, trong khi cá đặc sản có thể bán 500-700 nghìn đồng/kg. Như vậy, chỉ một kilogram cá đặc sản đã bằng một đến hai yến cá bình thường”, ông Vũ Đình Hòa nói.

Cơ sở vật chất của Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai từ nhiều năm nay không được đầu tư mới. Ảnh: H.Đ.
Tuy nhiên, nguồn giống cá đặc sản hiện không có sẵn. Các cán bộ Trung tâm phải thu thập cá từ các nguồn ở Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Bắc Kạn... Sau đó phân loại cá và cho ương nuôi ở ao, đồng thời lấy nguồn để lai tạo. Theo giải thích của những kỹ sư thủy sản, sở dĩ không thể lấy cá ở cùng một vùng, vì cá cận dòng, không đảm bảo chất lượng.
Về năng lực của cán bộ, hiện Trại Giống thủy sản Quang Kim có 3 kỹ sư chuyên ngành, trên 10 năm kinh nghiệm, tay nghề ổn. Vì vậy, theo vị trưởng trại hoàn toàn có thể thực hiện kế hoạch phát nói trên.
Trong khi đó, theo ông Hà Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai, khó khăn chung hiện nay là cơ sở hạ tầng của Trung tâm nhiều năm chưa được đầu tư, sửa chữa phù hợp với yêu cầu mới của công tác nghiên cứu, sản xuất giống. Các kho xưởng đã xuống cấp, tường rào tại các trại trực thuộc bị sạt lở... Hệ thống đường nước hư hỏng ảnh hưởng đến hoạt động của các trại trực thuộc.
Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất hạt giống, cây giống và con giống tạo áp lực về quy mô và diện tích sản xuất. Trong khi đơn vị không được vay vốn từ bất kỳ nguồn nào kể cả từ ngân hàng.