| Hotline: 0983.970.780

Giá khoai lang tăng mạnh, nông dân thu tiền tỷ

Thứ Tư 17/05/2023 , 06:15 (GMT+7)

Những hộ trồng khoai lang năm nay tại Đắk Lắk được mùa, giá thương lái thu mua tại vườn gần 14.000 đồng/kg. Do đó, nhiều hộ có thu nhập tiền tỷ.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 10.000 ha khoai lang, sản lượng năm nay ước đạt 280.000 - 300.000 tấn. Với việc ký kết Nghị định thư với Trung Quốc để mặt hàng này xuất khẩu qua quốc gia tỷ dân đã giúp giá khoai lang tại Đắk Lắk tăng cao hơn mọi năm.

Thu nhập tiền tỷ

Nhiều năm gắn bó với cây khoai lang Nhật Bản, ông Nguyễn Đình Vinh (ngụ xã Đắk Nuê, huyện Lắk) cho biết, chưa năm nào phấn khởi như năm nay vì được mùa, được giá. Gia đình ông Vinh trồng 7 ha khoai lang Nhật Bản ruột vàng theo hướng VietGAP, toàn bộ theo hướng sinh học, sử dụng công nghệ cao và phân vi sinh để canh tác.

Đặc biệt, năm nay thời tiết thuận lợi, năng suất mỗi ha ước đạt từ 25-30 tấn. Sau khi trừ các chi phí người dân thu về từ 250 - 300 triệu đồng/ha.

Theo ông Vinh năm ngoái giá khoai lang xuống thấp, người dân chỉ bán được 40 triệu đồng/ha. Trong khi đó người dân đầu tư 120 triệu đồng/ha khoai lang. Tính ra, mỗi người dân trồng khoai lỗ khoảng 80 triệu đồng/ha.

"Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm trồng khoai mà giá lại cao như thế. Với giá bán như hiện nay gia đình thu về gần 2 tỷ đồng tiền lãi”, ông Vinh vui mừng.

Đắk Lắk có khoảng 10.000 ha khoai lang, ước đạt sản lượng từ 280.000 - 300.000 tấn. Ảnh: Quang Yên.

Đắk Lắk có khoảng 10.000 ha khoai lang, ước đạt sản lượng từ 280.000 - 300.000 tấn. Ảnh: Quang Yên.

Tương tự, bà Vũ Thị Thủy (ngụ xã Đắk Nuê, huyện Lắk) cũng có 5 ha khoai lang sắp đến kỳ thu hoạch, sản lượng ước đạt 120 tấn củ.

Theo bà Thủy, những năm trước, do thị trường khoai lang không ổn định, đầu ra bấp bênh, nên gia đình vụ lời, vụ lỗ. Năm nay do sản lượng khoai ít cộng với việc mặt hàng nông sản này được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã giúp tăng giá đáng kể.

"Khoai lang được mùa, được giá hơn năm ngoái, đầu ra cũng ổn định hơn, bà con đỡ vất vả. Khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sẽ có đầu ra và giá ổn định. Bây giờ có đầu ra thì bà con nông dân tập trung làm theo quy trình và mở rộng diện tích để tăng thu nhập”, bà Thủy bày tỏ.

Còn ông Phan Nam Phong (xã Đắk Nuê) có hơn 10 năm trồng khoai lang cho biết, chưa năm nào giá khoai lại cao như hiện nay. Do đó, ngoài việc trồng khoai, năm nay ông Phong kiêm luôn khoản thu mua khoai của bà con trong khu vực.

Ông Nguyễn Đình Vinh (ngụ xã Đắk Nuê, huyện Lắk) có thu nhập tiền tỷ từ trồng khoai. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Đình Vinh (ngụ xã Đắk Nuê, huyện Lắk) có thu nhập tiền tỷ từ trồng khoai. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Phong, người dân trồng khoai lang hầu hết đều có kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật canh tác, nên kiểm soát được rủi ro, dịch bệnh, bảo đảm năng suất khá ổn định. Đặc biệt, năm nay giá khoai cao nhất từ trước đến nay giá tại vườn tới 14.000 đồng/kg, cộng với đạt năng suất nên năm nay bà con trồng khoai trúng lớn.

“Những năm gần đây, người dân nhận thấy hiệu quả kinh tế của khoai lang, nhiều diện tích cây hoa màu như ngô, sắn không mang lại hiệu quả kinh tế đã được bà con dần chuyển sang trồng khoai. Không những thế, cây khoai lang còn là loại cây trồng góp phần tích cực vào quá trình thay đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Phong thông tin.

Áp dụng khoa học kỹ thuật để canh tác bền vững

Ông Cao Quang Phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Tín, xã Đắk Nuê cho biết, HTX được thành lập từ năm 2019 với diện tíc 240 ha. Theo ông Phương, vụ này HTX có sản lượng trên 3.600 tấn củ, với mức giá thu mua gần 14.000 đồng/kg, đảm bảo lợi nhuận thỏa đáng cho các thành viên.

“Lâu nay giá khoai phụ thuộc vào thị trường, những năm trước người dân có thể lợi nhuận được hơn 100 triệu đồng/ha. Tuy nhiên 2 năm Covid-19 nên không có thị trường tiêu thụ cộng với mưa nhiều khiến người trồng bị lỗ nặng.

Năm nay giá khoai lang tăng cao nhất từ trước đấy nay giúp các thành viên HTX Nông nghiệp Thành Tín có thu nhập tốt. Ảnh: Quang Yên.

Năm nay giá khoai lang tăng cao nhất từ trước đấy nay giúp các thành viên HTX Nông nghiệp Thành Tín có thu nhập tốt. Ảnh: Quang Yên.

Còn năm nay giá khoai tăng là do những năm trước người trồng lỗ nên năm nay không tiếp tục canh tác dẫn đến thiếu nguồn cung. Do đó hiện khoai không đủ xuất khẩu đi các nước. Đặc biệt, việc khoai lang được xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc cũng góp phần đưa giá khoai lên cao”, ông Phương chia sẻ.

Giám đốc HTX Thành Tín cho biết thêm, để việc trồng khoai lang của các thành viên được bền vững, đơn vị này đã xây dựng mã vùng trồng cho hơn 130 ha khoai lang Nhật Bản. Khi HTX liên kết với các doanh nghiệp làm mã vùng trồng để xuất khẩu khoai chính ngạch sang Trung Quốc đã ký hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, người dân khi trồng khoai lang sẽ có giá bán thấp nhất cho doanh nghiệp là 8.000 đồng/kg. Điều này giúp người dân yên tâm sản xuất.

Để phát triển bền vững, HTX Nông nghiệp Thành Tín đã liên kết với doanh nghiệp thiết lập hồ sơ cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Quang Yên.

Để phát triển bền vững, HTX Nông nghiệp Thành Tín đã liên kết với doanh nghiệp thiết lập hồ sơ cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Quang Yên.

"Hiện nay HTX là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Việc này giúp nông dân giảm được công phun thuốc 60% và 30% thuốc, phân. Đặc biệt khi sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc, phân thì không tác động đến môi trường.

Ngoài ra, HTX sẽ đầu tư phân bón, hướng dẫn các thành viên về kỹ thuật canh tác. Việc này giúp khoai lang của HTX được sản xuất theo quy trình chuẩn, tăng được năng suất”, Giám đốc HTX Thành Tín nói thêm.

Năm 2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 10.000 ha khoai lang, trồng chủ yếu ở các huyện Lắk, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Búk, Krông Ana, Krông Bông, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng sản lượng toàn tỉnh ước đạt gần 300.000 tấn. Riêng các vùng trồng đã được thiết lập hồ sơ cấp mã vùng trồng có sản lượng khoảng 50.000 tấn.

Năm nay, thời tiết thuận lợi cho mùa thu hoạch nên bà con nông dân nơi đây phấn khởi vì khoai lang được mùa, được giá, ít sâu bệnh nên năng suất cao, ước đạt 25-30 tấn/ha. Đến thời điểm này, bà con nông dân đã thu hoạch khoảng 40% diện tích.

Xem thêm
Thịt vịt suối xóm Nhàng da vàng như da gà

'Dù có bị bịt mắt nhưng em vẫn nhận ra được miếng thịt vịt suối xóm Nhàng, xã Kim Thượng', Hà Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, người gốc Kim Thượng khẳng định.

Không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến phòng, chống dịch bệnh

HÀ TĨNH Đó là một trong những chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm khống chế dịch tả lợn Châu Phi và một số dịch bệnh đang xảy ra trên đàn vật nuôi.

Doanh nghiệp cạn vốn

ĐIỆN BIÊN Doanh nghiệp cạn vốn, người dân thiếu quyết tâm, kiên trì nên dù tiềm năng lớn nhưng con đường phát triển cây mắc ca ở huyện Điện Biên còn lắm chông gai.

Đắk Nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn

ĐẮK NÔNG Trước tình trạng nắng hạn ngày càng gay gắt, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông chủ động định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Khởi động dự án áp dụng giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng

CẦN THƠ Dự án nhằm phát triển các giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng, tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa.

Nữ tỷ phú cá tra ở vùng đất Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp Vượt qua khó khăn, bà Nguyễn Thị Lý trở thành tỷ phú nhờ liên kết doanh nghiệp và nguồn vốn hỗ trợ ngân hàng, xây dựng quy trình nuôi cá tra xuất khẩu.

Không để người làm rừng thiệt thòi ngay từ trong chính sách

TS Hà Công Tuấn cho rằng, chính sách khoán đất lâm nghiệp nên chuyển từ mục tiêu an sinh sang phát triển kinh tế, khắc phục sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý.