
Ngay sau khi nhận được thông tin có hiện tượng lúa bị lem lép hạt trên diện rộng ở Nghệ An, ông Trần Mạnh Báo đã cùng các cán bộ kỹ thuật tức tốc vào thực địa để nắm tình hình. Ảnh: Thu Thủy
Báo Nông nghiệp và Môi trường vừa có bài viết “Tìm nguyên nhân lúa đông xuân tại Nghệ An kết hạt kém” của tác giả Ngọc Linh – Việt Khánh. Theo ghi nhận của phóng viên, vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều địa phương vùng Bắc Trung bộ có lúa bị thiệt hại với hiện tượng trỗ bông nhưng không kết hạt hoặc tỷ lệ lép cao. Nguyên nhân bước đầu được xác định do thời tiết bất thuận, lạnh kéo dài.
Tại Nghệ An, hiện tượng lúa xuân trỗ không thoát, thoái hóa đầu bông, lúa không kết hạt, tỷ lệ lép cao xảy ra trên diện rộng ở nhiều địa phương, nhất là các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Cục bộ ở huyện Thanh Chương có ruộng lúa bị bệnh đạo ôn.
Trước khi có bài viết này, chúng tôi nhận được phản ánh của bà con về hiện tượng lem lép hạt lúa đông xuân. Các phóng viên Ngọc Linh, Việt Khánh, Đình Tiệp đều nhắn tin báo về rất có thể nông dân sẽ mất mùa lớn, rất cần ghi nhận và có những đánh giá khách quan, trách nhiệm trên cơ sở những nhận định bước đầu dưới góc độ khoa học.
Trong các phản ánh của phóng viên tôi nhận được đều không thấy tên sản phẩm giống lúa của Thaibinh Seed nên tôi nghĩ ngay đến Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo - người yêu cây lúa, đồng ruộng như yêu chính bản thân mình để đặt ra một vài câu hỏi cần lời giải. Cùng thời gian này tôi chỉ đạo nhóm phóng viên trực tiếp ghi nhận tại đồng ruộng và gặp gỡ bà con nông dân, các nhà quản lý, nhà chuyên môn trong lĩnh vực để nghe ngóng tình hình, phản ánh thật khách quan hiện tượng này.
Tôi nhắn tin cho Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo rằng: "Vụ xuân năm nay lúa ở Bắc Trung bộ không được mùa như vụ xuân năm trước. Bác về đi thăm lúa rồi cho chúng em ý kiến về hiện tượng này". Ngay lập tức tôi nhận được tin nhắn của ông Báo: "Tớ vừa xuống sân bay Nội Bài và nhận được tin nhắn của cậu. Ngay trong sáng mai tôi sẽ có mặt ở Nghệ An và nếu có thời gian tôi sẽ đi thêm một vài địa phương nữa".
Ngay trong sáng 14/5, Báo Nông nghiệp và Môi trường đăng bài viết trên thì chiều cùng ngày, chúng tôi nhận được phản hồi của ông Trần Mạnh Báo về hiện tượng lúa xuân bị lép hạt ở Nghệ An. Gửi cho chúng tôi, ông viết:
"Sáng 13/5, dù rất mệt do thay đổi múi giờ sau chuyến công tác xa về nhưng tôi cũng xuống ngay viện nghiên cứu của ThaiBinh Seed xem các dòng giống lúa trổ thể nào? Và thấy hiện tượng lúa trổ không theo như dự kiến. Nhiều dòng giống vừa trỗ xong nhưng cũng có một số dòng đã chín. Thí nghiệm thời vụ cũng có hiện tượng lúa không trổ theo thứ tự thời gian (7 ngày/trà lúa cấy). Đặc biệt có hiện tượng cán bộ kỹ thuật phải dùng biện pháp làm hàng rào nilon để tránh lúa bị giao phấn không mong muốn. Mặc dù tôi đã biết chuyện gì xảy ra nhưng cũng hỏi anh em xem thế nào thì được trả lời do ảnh hưởng của thời tiết nên lúa trổ trùng nhau nên biện pháp cách ly thời gian mất tác dụng...
Và ngay buổi chiều hôm qua tôi đã vào thẳng Nghệ An xem thực hư thế nào. Rồi ngày hôm nay sau 12 giờ liền từ 5:30 đến 17:30 chúng tôi đã cơ bản đi xem và đánh giá lúa ở các vùng trọng điểm trồng lúa của hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.

Người dân huyện Đô Lương phản ánh với ông Báo về tình hình sản xuất lúa tại địa phương và tin tưởng những ruộng lúa sử dụng giống chất lượng và áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật sản xuất thì né được lúa trổ vào thời điểm rét trong tháng 4. Ảnh: Thu Thủy
Có thể thấy một điều là do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt yếu tố thời tiết vụ đông xuân 2024 - 2025 đã có tác động rất nhiều đến kết quả sản xuất lúa. Đặc biệt là yếu tố nhiệt độ, qua theo dõi cho thấy tổng tích ôn và tích ôn hữu hiệu của các tháng từ tháng 1 đến tháng 4 đều thấp hơn vụ xuân 2024. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Nhất là hiệu suất quang hợp không cao. Yếu tố này là nguyên nhân chính khiến lúa vụ xuân năm nay kéo dài thời gian sinh trưởng từ 7-10 ngày.
Hơn nữa trong giai đoạn đầu tháng 4 có nhiều đợt rét ngắn nhưng nhiệt độ xuống dưới 20 độ C, nếu lúa phân hóa đòng bước 6 (2 ngày) gặp những ngày này sẽ không kết hạt và đây cũng là lý do tại sao có hiện tượng những ruộng lúa cấy cùng giống, cùng thời vụ nhưng có ruộng lúa vào chắc bình thường và có ruộng lúa bí lép. Thậm chí trong một ruộng cũng có hiện tượng trên. Nguyên nhân một phần do chế độ chăm sóc, dinh dưỡng và nước tưới đã làm thay đổi khả năng sinh trưởng, phát triển của lúa ở những vị trí khác nhau. Những yếu tố này làm ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ xuân năm nay ở miền Trung từ Nam Trung bộ trở ra đến Bắc Trung bộ, không chỉ có ở Nghệ An. Tuy nhiên những trà lúa ở Bắc Trung bộ trổ cuối tháng 4 và đầu tháng 5 sẽ có kết quả tốt hơn. Ví dụ ở Quảng Bình lúa rất đẹp.
Qua theo dõi sản xuất vụ đông xuân từ tháng 11/2024, nhiều lần vào miền Nam, đặc biệt là Nam Trung bộ tôi sực nhớ: Ngày 21/04/2025, tôi đến thăm một HTX ở Đại Lộc (Quảng Nam) nghe giám đốc nói mất 120ha sản xuất lúa lai F1 (2 dòng) do bị tự thụ (không bất dục đực) nên không làm giống được. Trước đó 1 ngày, trên một tờ báo khác cũng có bài nói về lúa lai F1 sản xuất ở Đắk Lắk bị tự thụ như ở Quảng Nam... Từ đó chúng ta cũng thấy vụ lúa này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng của yêu tổ thời tiết, đặc biệt là nhiệt độ.

Những trà lúa ở Bắc Trung bộ trổ cuối tháng 4 và đầu tháng 5 sẽ có kết quả tốt hơn. Ảnh: Thu Thủy.
Đánh giá về sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025 còn phải tổng kết sau khi hoàn thành thu hoạch. Nhưng theo dõi kịp thời, tổng hợp và phân tích diễn biến của những yếu tố tác động đến một vụ sản xuất để rút kinh nghiệm cho những vụ sau cũng là một việc cần thiết. Mặc dù kiến thức của tôi còn hạn chế và chưa có đầy đủ thông tin nhưng rõ ràng trước một hiện tượng của lúa xuân như vậy, không chỉ riêng tôi mà ai thấy cũng đều tiếc nuối cho công sức, mồ hôi của nông dân và cả hệ thống chính trị mấy tháng qua lăn lộn với đồng ruộng. Mất mát ấy dù ít dù nhiều cũng là lớn lao đối với nông dân.
Với một người cả đời gắn bó với cây lúa, tôi xin chia sẻ cùng nông dân và có vài điều suy nghĩ như vậy gửi đến quý báo và bạn đọc!".