
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận phối hợp Phân viện Chăn nuôi Nam bộ bàn giao giống lợn cỏ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: KS.
Mới đây, tại 2 hộ dân là ông K’ Đa và ông Mang Khánh, thôn Ta Moon, xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận phối hợp Phân viện Chăn nuôi Nam bộ tổ chức bàn giao 22 con lợn giống cỏ Bình Thuận để thực hiện Mô hình “Xây dựng đàn sản xuất hay còn gọi đàn nhân giống lợn cỏ Bình Thuận”.
Trước đó, vào tháng 5 vừa qua, các cơ quan trên cũng đã bàn giao 22 con giống lợn cỏ Bình Thuận cho bà con đồng bào xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận).
Lợn cỏ Bình Thuận hay heo đen Bình Thuận có nguồn gốc từ xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), sau đó được nuôi ở các tỉnh Nam Trung bộ. Hiện nay, lợn này được nuôi nhiều nơi ở khu vực miền Nam. Chúng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt (nhiệt độ trên 38 độ C và có gió Tây Nam nóng); khả năng kháng bệnh tốt, rất tạp ăn, có thể gặm cỏ, đào giun, ăn cỏ khô và thức ăn nghèo dinh dưỡng.
Về ngoại hình, giống lợn này hầu hết có màu lông đen tuyền (chiếm 86,67%), một số có đốm trắng ở trán, cẳng chân và móng chân (chiếm 13,33%). Tuy nhiên các đốm trắng này rất nhỏ so với toàn bộ diện tích bề mặt cơ thể.

Giống lợn cỏ Bình Thuận thích nghi tốt ở vùng có khí hậu khắc nghiệt. Ảnh: KS.
Những năm qua, do tình hình dịch bệnh tai xanh trên lợn nên số lượng cá thể lợn cỏ Bình Thuận theo đó đã giảm rất nhiều. Cùng với đó, việc quản lý giống gần như không kiểm soát nên giống lợn này đã bị lai tạp.
Năm 2009, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ (Viện Chăn nuôi) đã thu thập đàn giống và tiến hành bảo tồn, cũng như không ngừng chọn lọc để cải tiến năng suất và chất lượng. Nhờ vậy, hiện giống lợn cỏ Bình Thuận đã cải thiện về khả năng sinh sản với số con sơ sinh trung bình đạt 8 con/ổ và hơn 14 con cai sữa/nái/năm. Đặc biệt, khả năng sinh trưởng của lợn này đã tăng từ 15 - 20% so với đàn gốc ban đầu.
Theo ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, việc xây dựng mô hình nhằm nhân rộng giống lợn cỏ Bình Thuận bị thoái hóa đã được Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ chọn lọc lại nguồn gen lợn cỏ phát triển trên nền điều kiện bản địa.
Từ đó, giống lợn nuôi sẽ cho chất lượng thịt tốt nhất, thơm ngon, góp phần phát triển sinh kế bền vững gắn với định hướng phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền, phát triển du lịch trong thời gian tới tại địa phương.

Việc bàn giao giống lợn cỏ Bình Thuận còn góp phần tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tiếp cận với kỹ thuật nuôi tiên tiến, đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: KS.
Tại các buổi bàn giao giống lợn cỏ Bình Thuận, các hộ dân đều bày tỏ vui mừng và cảm ơn các cơ quan, đơn vị đã quan tâm đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Ông K’ Đa cho biết, từ con giống bàn giao cho gia đình sẽ cố gắng nhân rộng để bà con trong xã có lợn tái đàn, mở rộng sản xuất.
Ông Sơn chia sẻ thêm, việc bàn giao giống lợn cỏ Bình Thuận cho một số bà con các xã Phan Sơn, Đông Giang không chỉ mang tính hỗ trợ, mà còn góp phần tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tiếp cận với kỹ thuật nuôi tiên tiến, đảm bảo an toàn sinh học, đáp ứng vệ sinh môi trường và phương pháp phòng chống bệnh, dịch. Từ đó, người dân nhân rộng đàn lợn và phát triển kinh tế, xây dựng đời sống vật chất, tinh thần, vươn lên làm giàu.