Đỡ rủi ro, nhưng chưa thể an tâm
Hơn chục năm trước, khi nghề nuôi tôm ở ĐBSCL liên tục gặp khó do giá thành sản xuất tăng cao, dịch bệnh bùng phát, nhiều hộ nuôi rơi vào cảnh thua lỗ kéo dài. Đứng trước bài toán sinh kế, không ít nông dân quyết định tìm hướng đi mới với các loài cá nước lợ có khả năng thích nghi tốt hơn như cá chẽm, cá dứa, cá hồng mỹ, cá kèo...

Các mô hình chuyển đổi nuôi tôm sang cá nước lợ đang phát triển mạnh tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: Kim Anh.
Tại tỉnh Sóc Trăng - một trong những địa phương nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL, phong trào chuyển đổi sang nuôi cá nước lợ bắt đầu phát triển mạnh từ cuối năm 2011. Giải pháp đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi này được kỳ vọng sẽ “hóa giải” thế khó cho nông dân.
Ông Tạ Thanh Tùng (ở ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình) hiện đang nuôi 3ha cá dứa, chia thành 7 ao. Mặc dù có khoảng 17 năm gắn bó với cả tôm sú và thẻ chân trắng, nhưng sau nhiều mùa vụ “thất bát”, ông quyết định chuyển phần lớn diện tích sang nuôi cá dứa.
Ông chọn cá dứa vì so với tôm, rủi ro dịch bệnh chỉ bằng 1/10 và dù cá có bệnh thì thiệt hại cũng không nặng như tôm. “Nuôi tôm bây giờ khó lắm, dễ chết. Tôi mới thả một ao khoảng 30 ngày tuổi, giờ chết hết. Chuyển qua nuôi cá dứa đỡ rủi ro”, ông Tùng bộc bạch.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Thái Việt (ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình) khoảng ba năm trở lại đây cũng chuyển đổi toàn bộ 6ha ao nuôi tôm sang nuôi cá hồng mỹ, kết thúc hành trình 20 năm gắn bó với con tôm. Đến nay, mô hình này đang phát triển thuận lợi, cá ít bị dịch bệnh tấn công. Thế nhưng, khi phóng viên hỏi về định hướng và tầm nhìn tương lai đối với sự phát triển của con cá này, ông Việt cho rằng vẫn còn là “ẩn số”.

Ông Nguyễn Thái Việt (áo xanh) lựa chọn cá hồng mỹ để phát triển sau nhiều năm gắn bó với con tôm. Ảnh: Kim Anh.
“Cá hồng mỹ là đối tượng nuôi mới, môi trường nuôi cũng mới, nên mấy năm đầu khá suôn sẻ. Nhưng hơn 10 năm trước, con tôm cũng từng dễ nuôi như vậy. Giờ thì khó khăn đủ đường, dịch bệnh xuất hiện bất cứ lúc nào. Tôi chỉ lo vài năm nữa, cá cũng sẽ gặp tình trạng tương tự”, ông Việt nhận định.
Xét về hiệu quả kinh tế, ông Việt so sánh, dù không cao hơn tôm, nhưng lợi nhuận từ mô hình nuôi cá hồng mỹ có thể duy trì ổn định ở mức 10-20%. Hộ nuôi an tâm hơn khi rủi ro thấp, nhẹ công chăm sóc, có thể gọi là “ăn chắc mặc bền”.
Thống kê của Trạm Khuyến nông huyện Trần Đề, đến cuối năm 2024, diện tích nuôi cá chẽm trên địa bàn là 65ha, cá dứa là 36ha, cá hồng mỹ 55ha và 20ha cá kèo.
Hướng đi mới, thách thức cũ
Nhìn chung, các mô hình bước đầu đã chứng minh được hiệu quả, giúp hộ nuôi có lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, môi trường. Tuy nhiên, khi sản lượng tăng lên, bài toán đầu ra lại trở thành rào cản lớn.
Ông Phan Văn Hà, Trưởng Trạm khuyến nông huyện Trần Đề, nhận định, việc đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi là hướng đi phù hợp, đáp ứng được mong đợi của người dân. Tuy nhiên, để mô hình nuôi cá nước lợ thực sự lan tỏa, trở thành ngành hàng chủ lực còn nhiều việc phải làm.

Mô hình nuôi cá dứa của ông Tạ Thanh Tùng (ở ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình) đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Ảnh: Kim Anh.
Theo phân tích của ông Hà, cá chẽm đang là loài có tiềm năng xuất khẩu, nhưng để thành công đòi hỏi tiềm lực về vốn và công nghệ khá cao. Như, giá con giống đã từ 1.000-2.000 đồng/con, lại phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu. Nếu nguồn cung vượt cầu, giá cá có thể giảm sâu, đã từng có thời điểm xuống chỉ còn 52.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất dao động từ 65.000-70.000 đồng/kg.
Còn cá dứa dù là một lựa chọn khả thi do ít bệnh hơn tôm, nhưng thời gian nuôi kéo dài từ 1,5-2 năm mới có thể thu hoạch. Hiện tại, giá cá dứa cũng chỉ dao động từ 68.000-70.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất đã lên đến 70.000-80.000 đồng/kg. Do đó, nhiều hộ nuôi cá dứa đang gặp khó khăn về đầu ra lẫn lợi nhuận.
Cá hồng mỹ vẫn gặp trở ngại về đầu ra do chủ yếu tiêu thụ nội địa. Cá kèo lại phụ thuộc nhiều vào nguồn giống tự nhiên, dẫn đến khả năng mở rộng diện tích rất hạn chế.
Anh Nguyễn Văn Hà - Chủ farm Khang Thịnh (huyện Trần Đề) đang phát triển mô hình nuôi cá dứa - cho biết thêm, việc có ít đơn vị chế biến cá nước lợ xuất khẩu khiến khả năng cạnh tranh từ các mô hình này không cao, dẫn đến tình trạng hộ nuôi thường xuyên bị ép giá.
Vị này dẫn chứng, cá chẽm hiện chỉ có một đơn vị ở Tiền Giang chế biến phile xuất khẩu sang Úc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Muốn phát triển lâu dài mô hình nuôi cá nước lợ, có ý kiến cho rằng phải giải quyết được đầu ra, có thêm doanh nghiệp tham gia chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp giá cả trong nước ổn định hơn. Ảnh: Kim Anh.
Theo chủ trương của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, việc đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản là một hướng đi cần thiết để đảm bảo sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi thành công, cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ nhiều bên.
Như hướng dẫn nông dân quy trình, kỹ thuật nuôi bền vững, giảm thiểu rủi ro; chính sách tín dụng ưu đãi giúp hộ nuôi đầu tư dài hạn; tìm kiếm đầu ra trước khi mở rộng sản xuất; kết nối với nhà máy chế biến để đảm bảo đầu ra ổn định…
Rõ ràng, dù phong trào nuôi cá nước lợ đang mang lại tín hiệu tích cực, nhưng Sóc Trăng vẫn cần các giải pháp dài hơi. Nếu không giải quyết bài toán thị trường, rất có thể vài năm nữa, những mô hình này lại rơi vào tình cảnh như con tôm trước đây.