“Cạm bẫy hương vị”
Thuốc lá điện tử hay còn gọi là Vape là cụm từ không còn xa lại đối với mỗi người, nhất là đối với thế hệ trẻ và học sinh, sinh viên. Không chỉ len lỏi ở ngoài xã hội, thuốc lá thế hệ mới này vẫn âm thầm xâm nhập vào các trường học, bằng cách giả dạng son môi, USB, bút, hoặc dạng hình khẩu súng…. Với giá thành rẻ - trên dưới 100.000 đồng cùng với nhiều hương vị hấp dẫn như: vani, nước hoa, gà rán, chuối, xoài, dâu, cam, táo… thuốc lá điện tử đã được nhiều người trẻ và học sinh, sinh viên sử dụng, dùng thử.

Thuốc lá điện tử có nhiều hình dạng như USB, son môi... nên dễ dàng qua mặt phụ huynh và giáo viên. Ảnh: Thục Vy.
Nhiều bạn trẻ bị cuốn vào thuốc lá điện tử vì tò mò, vì muốn thể hiện bản thân, vì trào lưu, vì bạn bè hút nên mình cũng hút… Theo khảo sát, hơn 60% người hút thuốc bắt đầu từ việc bị bạn bè rủ rê. Nhiều bạn nghĩ thuốc lá điện tử ít độc hại hơn thuốc lá, hút cũng không hại gì. Nhưng thực chất thuốc lá điện tử vẫn chứa nicotine gây nghiện và nhiều hóa chất có hại cho phổi.
Em Minh Đức, ngụ phường Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, mặc dù biết rõ thông tin cấm sử dụng thuốc lá điện tử cũng như những tác hại của nó, nhưng thấy bạn bè hút nên em cũng hút cho biết. Em thường hút thuốc sau khi tan học và trước khi về đến nhà nên hầu như thầy cô và gia đình không biết. Gần đây, sau khi tham gia buổi tuyên truyền ở trường về tác hại của việc hút thuốc lá, em đã quyết tâm bỏ hút.
Cũng từng sử dụng thuốc lá điện tử, em Hoài An - ngụ tại phường An Hội Tây (TP.HCM) chia sẻ, mỗi tháng em chi một khoản tiền không nhỏ cho việc hút thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, khi có quy định cấm sử dụng thuốc lá điện tử thì em đã ngưng sử dụng, dù thời gian đầu rất khó chịu nhưng tới nay em đã bỏ được hoàn toàn.
Theo nhiều bạn trẻ, việc từ chối lời mời gọi hút thuốc lá điện tử của các bạn là điều không hề dễ dàng. Bởi vì, đa số đều sợ làm phật lòng bạn bè của mình hay sợ bạn bè nghỉ chơi, bị cô lập… Điều này khiến các bạn trẻ khó từ chối trước những lời mời gọi.
Nhiều tác hại cho sức khỏe
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có gần 37 triệu trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, trong đó tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên vượt qua cả người lớn ở nhiều quốc gia.
Còn tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ học sinh 13-15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng hơn gấp đôi, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023, cho thấy xu hướng đáng lo ngại trong giới trẻ. Bộ Y tế đã ghi nhận nhiều trường hợp học sinh nhập viện do ngộ độc, loạn thần liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt là các sản phẩm bị tẩm chất gây nghiện.
Phân tích về những tác hại của thuốc lá điện tử, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM đã chỉ ra rằng, thuốc lá điện tử hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch chứa nicotine, propylene glycol, hương liệu và các hóa chất khác, tạo ra hơi nước cho người dùng hít. Dù không tạo khói như thuốc lá điếu, chúng vẫn gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe như: bệnh viêm phổi, tổn thương não và thận, nghiện nicotine, bệnh tim mạch… đặc biệt là nguy hiểm cho trẻ em, bởi vì hương liệu hấp dẫn trong thuốc lá điện tử thu hút trẻ nhỏ, dẫn đến nguy cơ ngộ độc nếu trẻ tiếp xúc với dung dịch trong thuốc lá điện tử.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về các tác hại của thuốc lá thế hệ mới là điều vô cùng cần thiết. Các chiến dịch truyền thông, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội, cần được đẩy mạnh để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của các sản phẩm thuốc lá hiện đại. PGS.TS.BS Lê Khắc Bảo - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, là người đã chứng kiến những hệ lụy về sức khỏe do thuốc lá điện tử gây ra và luôn nhấn mạnh “đừng để sự tò mò đánh đổi bằng sức khỏe”.
Các bác sĩ khuyến cáo, để ngăn ngừa người trẻ và học sinh, sinh viên hút thuốc lá điện tử, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và bản thân các em. Đối với nhà trường nên tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, hướng dẫn người trẻ kỹ năng từ chối và tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh giảm căng thẳng.
Đối với học sinh, sinh viên cần biết nói "không" trước lời rủ rê, đồng thời chia sẻ với thầy cô, cha mẹ khi gặp tình huống khó xử. Về phía gia đình, cũng cần quan tâm, lắng nghe và theo sát con, phối hợp cùng nhà trường để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường nhằm can thiệp kịp thời và hiệu quả.