| Hotline: 0983.970.780

Người thấu cảm làm sao duy trì lối sống tử tế?

Thứ Năm 24/07/2025 , 16:48 (GMT+7)

Người thấu cảm luôn giàu lòng trắc ẩn, nếu không biết cách ứng xử hợp lý, rất dễ gánh chịu những hệ lụy do kẻ khác gây ra trong cuộc sống.

Tác giả Anita Moorjani là một người truyền cảm hứng nổi tiếng ở Mỹ.

Tác giả Anita Moorjani là một người truyền cảm hứng nổi tiếng ở Mỹ.

Người thấu cảm thường bị tác động bởi môi trường chung quanh, bất kể là vui, buồn, tức giận, lo lắng hay sợ hãi. Vài đặc điểm có thể nhận thấy ở người thấu cảm như, thường kiệt sức khi lắng nghe câu chuyện của người khác và cảm thấy đó như câu chuyện của mình, hoặc thường đồng ý trước một lời đề nghị dù trong lòng muốn từ chối, chỉ vì không muốn nhìn thấy ai ấy thất vọng. Cho nên, người thấu cảm hay bị tổn thương, nếu không biết cách che chắn và điều chỉnh tâm lý cá nhân.

Tác giả Mỹ Anita Moorjani trong cuốn sách “Sức mạnh của người thấu cảm” (tựa gốc: Sensitive is the New Strong) đã đưa ra nhiều kiến giải thú vị để phát huy giá trị tử tế giữa các mối quan hệ phức tạp.

Thế giới chúng ta đang sống được vận hành dựa trên năm giác quan, gồm thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác. Những tiêu chuẩn phổ biến như lý trí, logic, khả năng quan sát, bằng chứng rõ ràng, hiệu quả, năng suất và sự kiểm soát là cơ sở để đánh giá mọi vấn đề. Từ hệ quy chiếu đó, trực giác và sự nhạy cảm thường bị xem nhẹ. Nếu một người thể hiện sự nhạy cảm của mình, họ thường bị dán nhãn là “yếu đuối”, “ủy mị” hoặc “phiền phức”. Họ luôn được khuyên phải “mạnh mẽ lên”, “dạn dĩ hơn”. Và nếu là phái mạnh thì chắc hẳn họ sẽ được nghe câu “đàn ông phải cứng rắn lên” hay “đàn ông/con trai không được khóc”. 

Nói cách khác, người thấu cảm dường như trở thành kẻ lạc loài. Họ như những người mang giác quan thứ sáu trong một thế giới chưa sẵn sàng để đón nhận điều đó.

Tác giả Anita Moorjani cũng là một người thấu cảm. Trong quá khứ, bà sống như chiếc bóng vô hình, luôn gạt bỏ nhu cầu của cá nhân, cố gắng làm hài lòng người khác và tự kìm hãm khả năng của mình để đạt được sự chấp thuận của mọi người hoặc tránh làm họ thất vọng. Thế nhưng, khi chạm đến ngưỡng cửa giữa sống và chết vào đầu năm 2006, bà đã thay đổi hoàn toàn nhận thức về bản thân, về thế giới và về sự thấu cảm mà trước kia từng muốn chối bỏ.

Trong cuốn sách “Sức mạnh của người thấu cảm”, Anita Moorjani đã chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình, từ trải nghiệm cận tử đến quá trình nhận ra mình là người thấu cảm và học cách khẳng định sức mạnh bản thân. Bà nhấn mạnh rằng sự thấu cảm không phải là điểm yếu mà là một món quà đặc biệt, nếu ta biết cách sử dụng. 

Ở nhiều trường hợp, người thấu cảm thường phải đối mặt với cảm giác kiệt sức vì rất dễ bị tác động bởi năng lượng xung quanh. Nếu người bình thường có thể “nhận biết” cảm xúc của người khác thì người thấu cảm lại “hấp thụ” và chịu đựng những cảm xúc ấy như thể đó là của chính mình. Hệ quả là họ dễ rơi vào trạng thái quá tải cảm xúc, lo âu, thậm chí là trầm cảm. Họ có xu hướng ưu tiên cảm xúc và nhu cầu của người khác, ngay cả khi điều đó khiến họ phải hy sinh lợi ích cá nhân. Việc thiếu ranh giới rõ ràng cũng khiến họ dễ đánh mất bản thân, không còn phân biệt được đâu là con người thật của mình.

Tệ hơn, nếu người thấu cảm lớn lên trong môi trường không công nhận bản chất nhạy cảm của họ. Họ sẽ học cách phủ nhận cảm xúc của mình, cố gắng làm hài lòng người khác và kìm nén năng lực nội tại để không gây thất vọng. Dần dần, họ xây dựng một hình ảnh giả định về bản thân như một người dễ chịu, dễ chấp nhận, không chống đối. Thậm chí, một số người còn che đậy sự nhạy cảm bằng vẻ ngoài lạnh lùng, xa cách hoặc bằng những hành vi trốn tránh: sử dụng chất kích thích, ăn uống vô độ, nghiện công việc hay cờ bạc… Tất cả đều nhằm tránh đối diện với cảm giác bị áp đảo bởi các kích thích cảm xúc và năng lượng xung quanh.

Khi chối bỏ giác quan thứ sau, chúng ta đồng thời cũng chối bỏ một phần con người mình. Và đây là lý do vì sao những người thấu cảm cũng như những người siêu nhạy cảm và có trực giác nhạy bén gặp khó khăn trong thế giới này. Họ buộc phải chối bỏ một trong những giác quan cơ bản giúp họ định hướng thế giới, và khi làm vậy, họ rơi vào trạng thái bơ vơ và bối rối.

Tuy nhiên, nếu được bảo vệ đúng cách, sự thấu cảm sẽ biến thành nguồn sức mạnh. Người thấu cảm có thể tạo nên sự đồng cảm sâu sắc, giảm xung đột, duy trì các mối quan hệ bền vững và hỗ trợ quá trình phục hồi tâm lý cho người khác. Trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, tâm lý trị liệu, công tác xã hội hoặc quản trị con người, khả năng thấu cảm là nền tảng để xây dựng môi trường hỗ trợ, đồng hành và nâng cao hiệu suất làm việc.

Không chỉ vậy, khi biết cách phát huy sức mạnh của mình, người thấu cảm còn có thể trở thành những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng, tạo nên thay đổi tích cực trong cộng đồng và xã hội. Họ còn có khả năng truyền cảm hứng và khuyến khích sự đồng cảm cũng như lòng trắc ẩn của mọi người, từ đó tạo nên một môi trường tốt đẹp hơn.

Khái niệm về sự thấu cảm vốn không phải mới mẻ, tuy nhiên, cách tác giả Anita Moorjani nhìn nhận, diễn giải và dẫn dắt người đọc đi vào thế giới của người thấu cảm lại mang đến cho chúng ta những điểm nhìn mới lạ. Bởi lẽ, tác giả Anita Moorjani không xem sự thấu cảm như một công cụ để đạt đến thành công, mà là ngôn ngữ kết nối và xây dựng thế giới. Trong thời đại mà mọi thứ ngày càng trở nên bất an và căng thẳng, người thấu cảm chính là điểm neo cho thế giới không trở nên vô cảm. Khả năng đồng cảm, lòng tốt và lòng trắc ẩn của người thấu cảm là yếu tố quan trọng để làm dịu đi những xung đột và lan tỏa tình yêu thương cùng sự tử tế.

Cuốn sách 'Sức mạnh của người thấu cảm'.

Cuốn sách "Sức mạnh của người thấu cảm".

Để biến sự thấu cảm thành nguồn sức mạnh, người thấu cảm trước hết cần hiểu rõ bản thân, nhận diện được đâu là cảm xúc của mình, đâu là cảm xúc “vay mượn” từ người khác. Chính vì vậy, việc thiết lập ranh giới như học cách nói “không”, không nhận trách nhiệm cảm xúc thay người khác, không can thiệp khi không được mời gọi… là những thứ quan trọng mà người thấu cảm nên học. Điều này không khiến con người trở nên ích kỷ hơn, mà ngược lại, nó sẽ giúp duy trì sự cân bằng. Bởi lẽ, chỉ khi có nguồn năng lượng sống dồi dào, người thấu cảm mới có thể giúp đỡ người khác.

Song song với việc xây dựng ranh giới, người thấu cảm cũng cần thực hành tái kết nối với nội tâm thông qua thiền định, viết nhật ký, dành thời gian trong thiên nhiên, hoặc tạm ngắt kết nối với những môi trường có quá nhiều kích thích… Đây là những cách giúp người thấu cảm phục hồi năng lượng, tránh tình trạng bị cuốn vào những luồng cảm xúc hỗn loạn từ xung quanh.

Khi làm chủ được nhịp điệu sống của mình, người thấu cảm không còn bị động trước cảm xúc người khác mà có thể chủ động định hình và lan tỏa năng lượng tích cực. Họ không chỉ cảm nhận được nỗi đau của người khác, mà còn có khả năng truyền đi sự chữa lành một cách có giới hạn và tỉnh thức. Đó chính là lúc sự thấu cảm trở thành một “siêu năng lực” chứ không còn là gánh nặng.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là chấp nhận và tôn trọng bản chất nhạy cảm của mình. Khi người thấu cảm không còn cố gắng trở nên “bình thường” hay “mạnh mẽ” theo tiêu chuẩn xã hội, họ sẽ nhận ra mục đích sống của mình và tận dụng được tối đa năng lực thấu cảm. 

Xem thêm
Sai lầm dinh dưỡng tạo cơ chế phát sinh tế bào ung thư

Sai lầm dinh dưỡng được các nhà khoa học xác định là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các loại bệnh ung thư trực tiếp đe dọa sức khỏe cộng đồng hiện nay.

Yêu một người nhờ giọng nói chinh phục trái tim

Yêu một người có hàng nghìn lý do khác nhau, nhưng yêu một người thông qua giọng nói truyền cảm lại đòi hỏi trái tim có cùng nhịp đập ân cần.

Người bệnh tim mạch cần một thực đơn như thế nào?

Người bệnh tim mạch không thể ăn uống thoải mái, mà phải cân nhắc bổ sung những loại thực phẩm phù hợp nhằm cải thiện thể trạng và phòng tránh rủi ro.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Bình luận mới nhất