
Tranh của Nguyễn Quang Thiều.
Yêu một người không dễ, đối với Tuấn, vì anh không được lành lặn như mọi người. Vì vậy, khi yêu một người, Tuấn rất phân vân. Thật may, Trang đã đến bên Tuấn nhẹ nhàng bằng những lời nói chân thành, giúp Tuấn được yêu một người thật sự dành cho mình.
Đôi mắt của Tuấn bị mất ánh sáng từ thuở nhỏ. Anh được bố mẹ cho đi học ở trường dành cho người khiếm thị. Học được hết lớp chín, gia đình khó khăn, anh phải nghỉ học. Để phụ giúp bố mẹ, Tuấn làm nghề đẩy xe đi bán rong ngoài chợ các thứ hàng gia dụng lặt vặt.
Được cái Tuấn có chất giọng rao hàng có duyên nên cũng được các khách vãng lai mua hàng. Niềm vui trong cuộc sống của Tuấn tất cả đều thông qua thính giác. Anh vận dụng tai nghe thay cho thị giác trên mọi phương diện, và Tuấn cũng đã bắt đầu biết yêu bằng đôi tai của mình.
Một ngày khá đặc biệt, Tuấn bất chợt nghe được giọng nói thật trong trẻo và êm ái của một cô gái. Chất giọng truyền cảm, tiếng cười khúc khích của cô tựa như dòng suối mát xoa dịu tâm hồn anh. Đối với Tuấn, chất giọng đó thật ấn tượng, một khi đã lọt vào tai rồi thì người ta sẽ không thể nào quên được.
Tuấn hình dung cô gái có giọng nói quyến rũ đó hẳn phải đẹp lắm. Sau này anh được biết cô tên Trang, làm nghề bán quần áo cho một shop trang phục may sẵn khá đắt khách trong chợ. Tuấn thường tìm cách lân la đến shop, thật sự là để có dịp được lắng nghe tiếng nói của Trang. Anh dè dặt và kín tiếng đến độ không ai biết được mục đích chính khiến anh vẫn thường tìm đến nơi này. Mọi người chỉ biết rằng anh chàng bán hàng rong hiền lành dễ thân cận đó vẫn hay tìm đến nơi đây để được có dịp chuyện trò đôi ba câu với người ta, thế thôi.
Thế nhưng có điều Tuấn không biết, đó là bản thân Trang cũng có những bất ổn. Cô bị chứng mắt kém, vừa cận thị nặng vừa loạn thị, do thuở nhỏ từng gặp hoàn cảnh ăn uống thiếu thốn suy dinh dưỡng kéo dài. Tuy cô đã mang kính mắt sát tròng nhưng thị lực vẫn kém.
Trong khi Tuấn còn có cha mẹ và gia đình, thì Trang tứ cô vô thân. Cô mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Ban đầu ở nhờ nhà bà dì, nhưng người dì hoàn cảnh cũng quá khó khăn, vì thế khi có một bà tốt bụng tên Tâm nhận nuôi, cô liền được đưa về sống chung với bà vào năm cô lên tám tuổi. Bà Tâm là một phụ nữ đơn thân. Hoàn cảnh không dư dả, bà sống độ nhật bằng nghề bán bánh cuốn, nuôi một cậu con trai. Hai mẹ con cũng tạm sống qua ngày.
Khi Trang được mười tám tuổi thì sức khỏe mẹ nuôi của cô đã yếu kém, nhờ có người giới thiệu cho việc làm ở shop quần áo, từ đó cô bắt đầu đảm nhận trách nhiệm gồng gánh gia đình. Thu nhập của Trang tuy không nhiều, nhưng cũng tạm đủ để lo được cái ăn cho ba mẹ con.
Trang ý thức được hoàn cảnh gia đình, nên ngoài giờ bán hàng ở chợ, ban đầu cô tranh thủ đi giúp việc tại gia, làm mướn theo giờ để có thêm thu nhập. Vài năm sau, khi đã có một ít vốn, cô mở cửa hàng tạp hóa nho nhỏ cho bà Tâm, mẹ nuôi của cô, bán các thứ tạp hóa nhu yếu phẩm.
Tuấn gặp may, được người giới thiệu đi chữa trị miễn phí nhân dịp có đoàn bác sĩ phẫu thuật mắt quốc tế đến thành phố hoạt động nhân đạo. Nhờ đó Tuấn có được cơ hội nhìn thấy như bao người bình thường khác. Niềm vui còn nhân đôi khi anh háo hức được trông thấy Trang.
Tuấn hơi ngỡ ngàng khi Trang không đẹp như anh vẫn tưởng tượng. Ngoại hình Trang gầy gò, thậm chí nước da hơi đen. Khi Tuấn biết được Trang bị mắt kém thì đã muộn, tiếc là đã không kịp giới thiệu cho cô đến gặp các bác sĩ từ thiện nhờ chữa trị. Tuấn ngẫm lại bản thân mình trước kia vốn là một kẻ tật nguyền, nay nhờ may mắn đã thoát được cảnh mù lòa. Tại sao lại không biết đồng cảm cho cô ấy? Vả lại, trước đây mình đã đem lòng yêu thương vì giọng nói của cô, cho đến giờ cảm nhận đó vẫn không thay đổi.
Cứ nghĩ ngợi như vậy, chuyện yêu một người của Tuấn xen cả sự thương xót lẫn đồng cảm. Anh bộc lộ tình cảm với cô. Trang hiểu rằng Tuấn giờ mắt đã sáng, tuy vậy anh đối với cô vẫn không thay đổi tình cảm nghĩa là anh thương cô thật tình. Cô rất xúc động. Họ trở thành đôi tình nhân.
Hạnh phúc vẫn ít khi khó có thể trọn vẹn. Bà Tâm có người con trai tên Vinh, hơn Trang hai tuổi. Vinh xuất thân là con nhà nghèo nhưng lại không hề biết lo toan. Trái lại, y còn theo bè bạn xấu lêu lổng ăn nhậu, bài bạc. Khi nhẵn túi lại về nhà hạch sách tiền của mẹ và Trang, dĩ nhiên những lần mượn như thế không bao giờ trả.
Biết được Vinh làm khổ mọi người như thế, Tuấn đến gặp Vinh, nửa khuyên giải, nửa đe dọa nếu y không chịu sửa đổi tính xấu. Tuấn vốn vóc người cao lớn, cao hơn Vinh hẳn một cái tai. Sợ oai của Tuấn nên Vinh không còn dám giở thói hung hăng bắt nạt phụ nữ trong nhà như trước. Tuấn học nghề sửa quạt điện rồi dạy nghề lại cho Vinh, nhờ đó y cũng có nghề nghiệp hẳn hoi.
Hai năm sau, Tuấn cưới Trang. Hai vợ chồng họ nương tựa nhau mà sống, âm thầm và bền bỉ như cách cả hai từng yêu một người qua giọng nói trước đây.