Tuyên truyền bằng nhiều hình thức
Trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, các cấp bộ đoàn phường Thanh Khê, TP Đà Nẵng xác định công tác tuyên truyền về Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và cung cấp cho đoàn viên thanh niên những kiến thức về tác hại và hệ lụy của thuốc lá đối với con người, xã hội và cộng đồng là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục.
Các cấp bộ đoàn phường đã và đang triển khai nhiều hình thức truyền thông phong phú, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của đoàn viên, thanh thiếu niên. Không còn là những bài giảng khô khan hay khẩu hiệu suông, các chương trình được thiết kế sáng tạo, trực quan và có tính tương tác cao, giúp các bạn trẻ tiếp nhận thông tin một cách tự nhiên và chủ động.

Tuyên truyền tác hại của thuốc lá cho đoàn viên, thanh niên Đà Nẵng. Ảnh: Lan Anh
Anh Mai Hồng Anh, Bí thư Đoàn phường Thanh Khê, cho biết: đơn vị luôn nỗ lực đổi mới phương pháp truyền thông để làm sao thông điệp phòng, chống thuốc lá đến được với đoàn viên một cách gần gũi, dễ tiếp cận nhất. Trong thời gian qua, các buổi tuyên truyền về tác hại của thuốc lá thường xuyên được tổ chức tại các trường THCS, THPT với sự phối hợp của lực lượng công an. Đặc biệt, nội dung tuyên truyền được lồng ghép vào các hoạt động sinh hoạt chào cờ đầu tuần, hội thi hùng biện, phiên tòa giả định... tạo sự hấp dẫn và thu hút đông đảo học sinh tham gia.
“Các phiên tòa giả định, với hình thức sân khấu hóa sinh động, đã tái hiện chân thực các tình huống pháp lý liên quan đến việc tàng trữ, sử dụng và mua bán thuốc lá, thuốc lá điện tử trong môi trường học đường. Qua đó, giúp học sinh hình dung rõ ràng hơn hậu quả pháp lý và xã hội của hành vi vi phạm. Đồng thời, thông điệp “nói không với thuốc lá” được khắc sâu trong nhận thức của các em một cách tự nhiên và hiệu quả hơn”, anh Mai Hồng Anh chia sẻ.
Chuyển hóa nhận thức thành hành động
Theo ông Nguyễn Duy Thành, Phó Ban Công tác Đoàn và thanh thiếu nhi (UBMTTQVN TP Đà Nẵng), việc phòng, chống tác hại thuốc lá không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế hay giáo dục, mà cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt.

Học sinh THCS, THPT là đối tượng được chú trọng trong tuyên truyền tác hại thuốc lá. Ảnh: Lan Anh
“Tuyên truyền về tác hại thuốc lá giúp bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai, đồng thời giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng, hạn chế gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế cho gia đình và xã hội. Chúng tôi thường xuyên lồng ghép nội dung này trong các hoạt động phong trào thanh niên, tạo cơ hội để các bạn trẻ được tiếp cận, hiểu và hành động", ông Thành cho biết.
Song hành cùng công tác tuyên truyền, các cấp bộ đoàn tại Đà Nẵng cũng triển khai nhiều mô hình thiết thực nhằm tạo lập môi trường học đường trong lành, không khói thuốc. Tại các trường THPT, đoàn trường tổ chức cho học sinh ký cam kết không sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử. Những cam kết này không chỉ mang ý nghĩa tượng trưng mà còn là lời nhắc nhở bản thân mỗi đoàn viên, thanh niên về trách nhiệm gìn giữ sức khỏe và góp phần bảo vệ môi trường sống chung.
Bên cạnh đó, các đội thanh niên xung kích được thành lập, làm nhiệm vụ giám sát, nhắc nhở các hành vi hút thuốc không đúng nơi quy định, đặc biệt tại khu vực trường học. Những đội hình này không chỉ góp phần giữ gìn an ninh học đường mà còn là lực lượng tiên phong trong việc xây dựng môi trường học đường văn minh, không khói thuốc.
Một số trường học còn sáng tạo triển khai các chiến dịch truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội, clip ngắn, poster và infographic. Nhờ đó, thông tin về tác hại của thuốc lá lan tỏa rộng rãi, không chỉ trong nhà trường mà còn đến với phụ huynh và cộng đồng địa phương.

Với vai trò xung kích, tình nguyện, đoàn viên, thanh niên chính là lực lượng tiên phong "nói không với thuốc lá". Ảnh: Lan Anh
Đáng chú ý, những nỗ lực tuyên truyền đã bắt đầu phát huy hiệu quả rõ nét, khi ngày càng nhiều bạn trẻ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Các bạn đoàn viên, thanh niên không chỉ nói “không” với thuốc lá mà còn chủ động lên tiếng trước những hành vi hút thuốc không đúng nơi quy định.
Đoàn viên Đoàn Huỳnh Gia Bảo (học sinh Trường THPT Hòa Vang) chia sẻ: “Chúng em chọn lối sống lành mạnh, tích cực thay vì tìm đến sự hấp dẫn giả tạo của khói thuốc. Mỗi hành động nhỏ như nhắc nhở bạn bè, phản ánh hành vi hút thuốc nơi công cộng hay lan tỏa thông điệp "vùng xanh không khói thuốc" cũng chính là đóng góp thiết thực cho cộng đồng”.
Từ nhận thức đúng đến hành động cụ thể, đoàn viên thanh niên Đà Nẵng đang từng bước hình thành thói quen sống tích cực, chủ động bảo vệ bản thân và góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn và lạnh mạnh. Với vai trò xung kích, tình nguyện, đoàn viên, thanh niên chính là lực lượng tiên phong phòng chống tác hại của thuốc lá. Họ không chỉ là người tiếp nhận thông điệp mà còn là những “đại sứ truyền thông” tích cực, góp phần lan tỏa giá trị sống khỏe, sống đẹp đến cộng đồng.
Giai đoạn 2026–2030, Đà Nẵng tiếp tục duy trì các mục tiêu đã đặt ra, đồng thời hướng tới giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%, nữ giới dưới 1%. Thành phố cũng đặt mục tiêu giảm tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nơi làm việc, nhà hàng, quán bar, cà phê và khách sạn, đồng thời tăng cường ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới trong cộng đồng.