| Hotline: 0983.970.780

Ngành NN-MT tập huấn triển khai quy định mới về phòng, chống tác hại thuốc lá

Thứ Ba 15/07/2025 , 11:32 (GMT+7)

Sáng 15/7, Báo Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội nghị tập huấn nhằm cập nhật quy định mới về phòng, chống tác hại thuốc lá.

Sáng 15/7 tại Hà Nội, Báo Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Bà Lý Thị Hồng Điệp - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Khánh Ly.

Bà Lý Thị Hồng Điệp - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Khánh Ly.

Hội nghị là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai các chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là các quy định mới liên quan đến cấm thuốc lá thế hệ mới, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc tại các cơ quan, công sở.

Thuốc lá đe dọa sức khỏe và hình ảnh công sở

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Lý Thị Hồng Điệp - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tác hại của thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá truyền thống và thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, tim mạch, hô hấp... không chỉ ảnh hưởng tới người hút mà còn gây hại nghiêm trọng cho những người xung quanh. Trong môi trường công vụ, khói thuốc còn làm giảm chất lượng làm việc, ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của cơ quan, công sở.

Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động ban hành và triển khai một số kế hoạch, hành động về phòng chống tác hại của thuốc lá, đồng thời lồng ghép nội dung này vào hoạt động xây dựng văn hóa công sở, xanh - sạch - đẹp - lành mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong công tác triển khai, đặc biệt là về nhận thức, giám sát thực hiện và xử lý vi phạm.

Theo Phó Tổng biên tập Lý Thị Hồng Điệp, hội nghị là dịp để chúng ta cập nhật các chính sách, quy định mới về phòng chống tác hại của thuốc lá; trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng và triển khai môi trường không khói thuốc; đồng thời, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hành chính, công đoàn kiêm nhiệm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các đơn vị trực thuộc Bộ, đặc biệt là những đồng chí đoàn viên nòng cốt tại các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Theo ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, phụ trách Phòng Nghiệp vụ, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quỹ đang đẩy mạnh triển khai các chính sách nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Khánh Ly.

Theo ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, phụ trách Phòng Nghiệp vụ, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quỹ đang đẩy mạnh triển khai các chính sách nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Khánh Ly.

Bà hi vọng các đồng chí tham dự hội nghị tích cực trao đổi để sau buổi tập huấn, có thể vận dụng hiệu quả vào thực tiễn đơn vị mình, góp phần xây dựng môi trường làm việc xanh - sạch - không khói thuốc tại Bộ.

Nỗ lực liên ngành trong phòng, chống tác hại thuốc lá

Những nỗ lực trên của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng nằm trong tổng thể chiến lược mà các bộ, ngành đang phối hợp triển khai nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, Bộ Y tế cùng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang đẩy mạnh triển khai các chính sách nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng tới xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc và nơi công cộng.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, phụ trách Phòng Nghiệp vụ, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do hút thuốc thụ động. Thuốc lá gây ra hơn 28 loại bệnh nghiêm trọng như ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản. Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá sẽ tiếp tục gia tăng trong 10-20 năm tới nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, thuốc lá còn gây tổn thất kinh tế đáng kể. Ước tính mỗi năm, Việt Nam thiệt hại khoảng 108.000 tỷ đồng do chi phí khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, tương đương 1,14% GDP năm 2022. Về môi trường, mỗi năm ngành công nghiệp thuốc lá gây phá rừng và phát thải hàng nghìn tấn hóa chất độc hại như formaldehyde, nicotine và hàng trăm triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Trước thực trạng đó, Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%, nữ giới dưới 1% trong giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nơi làm việc, nhà hàng, quán bar, cà phê và khách sạn sẽ giảm đáng kể trong giai đoạn 2023-2030. Chiến lược cũng hướng tới ngăn ngừa sự gia tăng của các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Đoàn Thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tham dự Hội nghị tập huấn. Ảnh: Khánh Ly.

Đoàn Thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tham dự Hội nghị tập huấn. Ảnh: Khánh Ly.

Theo ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, một trong những điểm nhấn là việc Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong kỳ họp tháng 5/2025. Luật mới áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, phù hợp với khuyến nghị của WHO về việc tăng thuế lên mức 70-75% giá bán lẻ nhằm giảm sức mua thuốc lá.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành bộ tài liệu hướng dẫn xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Các cơ quan, đơn vị được khuyến khích thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá, khảo sát thực trạng sử dụng thuốc lá, xây dựng nội quy, phổ biến kế hoạch hành động, giám sát thực hiện và đánh giá hiệu quả định kỳ. Những nơi làm việc không có khói thuốc giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm thụ động, hỗ trợ người nghiện cai thuốc, giảm nguy cơ cháy nổ, tiết kiệm chi phí y tế và xây dựng hình ảnh cơ quan văn minh, chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn. Một số nơi công cộng như nhà hàng, quán bar, quán cà phê chưa thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc. Công tác thanh tra, xử lý vi phạm chưa được duy trì thường xuyên. Ngoài ra, chưa có cơ chế tài chính bền vững cho hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá, người dân vẫn khó tiếp cận thuốc hỗ trợ điều trị nghiện.

Trước sự bùng phát của các sản phẩm thuốc lá mới, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15, thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. WHO và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đều khẳng định không có bằng chứng cho thấy các sản phẩm này giúp cai nghiện hay ít gây hại hơn thuốc lá truyền thống. Nhiều báo cáo cũng ghi nhận các ca tổn thương phổi nghiêm trọng, thậm chí tử vong do sử dụng thuốc lá điện tử tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng việc triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát nguồn cung, tăng thuế, cấm quảng cáo và thúc đẩy môi trường không khói thuốc là nền tảng quan trọng để Việt Nam bảo vệ thế hệ trẻ, giảm gánh nặng bệnh tật và thiệt hại kinh tế do thuốc lá gây ra.

Xem thêm

Bình luận mới nhất