Tràn lan
Đầu lọc thuốc lá – phần đầu nhỏ xíu còn lại sau mỗi điếu thuốc – đang âm thầm phủ khắp không gian đô thị bằng một lớp rác độc mà ít ai để ý. Chúng nằm len lỏi giữa các khe gạch lát vỉa hè, chôn vùi một phần dưới cát tại bãi biển, lẫn lộn trong bùn đất ở chân cầu thang chung cư, nổi lềnh bềnh trong rãnh thoát nước hay bám chặt vào kẽ đá ở các công viên. Ở một số bến xe, đầu lọc thuốc lá vương vãi thành từng cụm, nơi tài xế hoặc hành khách chờ xe tranh thủ “rít vội một điếu”.
Sáng sớm, khi các tuyến phố còn chưa được quét sạch, dễ dàng bắt gặp vô số đầu lọc nằm rải rác trên lề đường, đôi khi còn dính cả vệt son môi hoặc vết cắn dở. Ở các quán cà phê vỉa hè hay khu tập thể cũ, đầu lọc thuốc lá thường nằm tụ lại nơi chân bàn, chân ghế – như một phần “mặc định” của không gian sinh hoạt. Dù nhỏ bé, chúng mang theo dư lượng chất độc như nicotine, hắc ín, chì và các hợp chất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng chục năm nếu không được xử lý đúng cách.

Đầu lọc thuốc lá nằm rải rác trên vỉa hè, kẽ gạch, góc tường và các lối đi trong khu dân cư. Ảnh: Minh Toàn.
“Tôi hút xong thì tiện tay búng đi đâu thì đi, chứ đầu lọc bé tí, ai mà đi tìm thùng rác để vứt?” – anh Hoàng Anh Quân (xã Lập Thạch, Vĩnh Phúc) nói. Không riêng gì anh Quân, nhiều người hút thuốc cũng có thói quen tương tự, với lý do “đầu lọc không đáng kể” hoặc “xả ở đâu chẳng được”.
Điều đáng nói, hầu hết những đầu lọc này đều không được nhặt lên, không được tính vào bất kỳ thống kê rác thải nào. Chúng không gây mùi rõ ràng, không chiếm diện tích lớn, không tạo cảm giác “phiền mắt” như túi nylon hay chai nhựa nên cứ thế chìm lẫn trong nền đô thị – thứ rác thải vô hình nhưng nguy hiểm. Và theo thời gian, khi số lượng tích tụ đủ lớn, chúng tạo nên một lớp ô nhiễm lặng lẽ và bền bỉ mà ít ai lường trước được.
Rác nhỏ – nhưng lan rộng, độc hại và khó kiểm soát. Đó là sự thật mà xã hội chưa nhận diện đủ mức nghiêm trọng. Và chính từ thói quen tưởng như vô hại của hàng triệu người mỗi ngày, chúng đang âm thầm trở thành gánh nặng môi trường.
Rác độc không tên
Lọc thuốc lá, chúng không chiếm chỗ, không gây độc trực tiếp nhưng lại mang theo dư lượng độc hại như nicotine, hắc ín, chì và asen, những chất đã được khoa học chứng minh gây hại nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người.
TS. Đào Thị Hồng Vân – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Mở Hà Nội) – cho biết: “Mỗi đầu lọc chứa hơn 4.000 hóa chất độc hại, trong đó có nhiều kim loại nặng và vi nhựa. Chúng tồn tại hàng chục năm ngoài môi trường, ngấm vào nước, đất, và cả cơ thể người thông qua chuỗi thức ăn".

Mỗi đầu lọc thuốc lá chứa hơn 4.000 hoá chất độc hại và có thể tồn tại hàng chục năm ngoài môi trường tự nhiên. Ảnh: AI.
Ba nguy cơ sinh thái đang hiện hữu nhưng ít được chú ý. Thứ nhất, động vật hoang dã có thể nhầm đầu lọc thuốc lá là thức ăn, dẫn đến ngộ độc hoặc tử vong. Thứ hai, khi bị mưa cuốn trôi, hóa chất từ đầu lọc ngấm vào sông, hồ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh vật thủy sinh và chất lượng nước. Thứ ba, vi nhựa từ đầu lọc đã được phát hiện trong mô người, làm dấy lên lo ngại sâu sắc về tác động lâu dài đối với sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, đầu lọc thuốc lá hiện vẫn chưa được quy định là chất thải nguy hại trong các văn bản pháp luật như Nghị định 38/2015/NĐ-CP hay Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Chúng cũng không có mã riêng trong hệ thống thu gom rác sinh hoạt, dẫn đến bị xem nhẹ, bỏ sót trong thống kê.
“Xã hội đang quá quen với đầu lọc thuốc lá nên không còn nhìn thấy mức độ độc của nó nữa. Truyền thông thường ưu tiên những loại rác lớn, dễ thấy. Nhưng thay vì chỉ nhìn vào kích thước, hãy nhìn vào độc tính và khả năng tồn lưu của loại rác này”, TS. Vân nhấn mạnh.