Từ rác thải đến "quả bom độc hại"
Con số đáng báo động từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, ngành công nghiệp thuốc lá sản xuất khoảng 6.000 tỷ điếu thuốc mỗi năm, thải ra 840.000 tấn rác đầu lọc. Con số 4.500 tỷ đầu mẩu thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm vẫn được nhắc đến, minh chứng cho quy mô khổng lồ của vấn nạn này.
Thực tế đáng lo ngại là đầu mẩu thuốc lá chứa Cellulose acetate, một loại nhựa khó phân hủy tự nhiên, phải mất từ 5-7 năm mới có thể biến mất. Trong quá trình phân hủy chậm chạp đó, chúng liên tục giải phóng các hóa chất cực độc như nicotine, cadmium, asen và chì.

Ngành công nghiệp thuốc lá sản xuất khoảng 6 nghìn tỷ điếu mỗi năm, thải ra 840.000 tấn rác đầu lọc. Ảnh: Trung Dũng.
Khi bị vứt bỏ bừa bãi, đặc biệt là ở những khu vực gần nguồn nước như sông, hồ, biển, các chất này sẽ ngấm vào hệ sinh thái thủy sinh, đầu độc nguồn nước và đe dọa sự sống của vô vàn sinh vật.
Theo Trung tâm Bảo tồn biển - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về bảo tồn sinh vật biển của Mỹ cho biết, trong các chiến dịch làm sạch và thu gom rác, đầu mẩu thuốc thuốc lá chiếm tới 1/5 trong tổng lượng rác thu gom và trở thành dạng rác thải phổ biến nhất trên Trái Đất.
Tại Việt Nam, tình hình cũng không mấy khả quan, dù tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới trưởng thành đã giảm từ 47,4% (năm 2010) xuống 38,9% (năm 2023), theo điều tra gần nhất, Việt Nam vẫn nằm trong top 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới.
Với hơn 15 triệu người hút thuốc và hàng nghìn tấn rác thải đầu mẩu mỗi năm, Việt Nam đang đối mặt với một thách thức nghiêm trọng trong việc kiểm soát rác thải và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Lượng rác thải khổng lồ này làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu.
Tác động chuỗi và giải pháp bền vững
Tác động của thuốc lá không chỉ dừng lại ở đầu mẩu, bởi theo WHO, việc trồng trọt và sản xuất thuốc lá đang "đầu độc" không khí, nước, đất, các bãi biển và đường phố của chúng ta bằng các chất hóa học, chất thải độc hại, tàn thuốc và vi nhựa.

Đầu mẩu thuốc lá thải ra hóa chất độc hại như nicotine, chì, asen vào đất và nước. Ảnh: Thủy Nhi.
Mỗi năm, khoảng 3,5 triệu ha đất bị phá để trồng thuốc lá và 600 triệu cây xanh bị chặt để lấy gỗ sấy nguyên liệu thuốc. Đặc biệt, tại Việt Nam, ước tính 1,4% diện tích rừng bị tàn phá mỗi năm để phục vụ ngành công nghiệp này. Cây thuốc lá còn là loại cây "nghiện" chất dinh dưỡng, làm thoái hóa đất nghiêm trọng, khiến đất bạc màu và dễ xói mòn. Hơn nữa, ngành công nghiệp thuốc lá tạo ra lượng khí nhà kính tương đương 84 triệu tấn CO2 mỗi năm, góp phần trực tiếp vào biến đổi khí hậu.
Đối mặt với thực trạng này, các giải pháp cần được triển khai đồng bộ. Việc thắt chặt Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tăng thuế thuốc lá như đề xuất tăng thuế tuyệt đối lên 5.000 đồng/bao và đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030 tại Việt Nam là những biện pháp hiệu quả để giảm tỷ lệ người hút.
Tuy nhiên, quan trọng hơn, cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp tái chế. Việc các nhà khoa học Hàn Quốc biến đầu lọc thuốc lá thành vật liệu carbon cho siêu tụ điện là một ví dụ điển hình cho tiềm năng ‘biến rác thành vàng’ mang lại giá trị kinh tế và môi trường.
Bên cạnh những nỗ lực khuyến khích cai bỏ thuốc lá đã và đang được thực thi, nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự kiến, sẽ vẫn còn hơn một tỉ người hút thuốc lá điếu trong tương lai. Đến nay dù đã có một số tín hiệu tích cực về tỉ lệ cai thuốc thành công cũng như ngăn ngừa tình trạng hút mới, nhưng để đẩy nhanh hiệu quả giảm gánh nặng từ nạn hút thuốc lá, Chính phủ các nước đã đưa hướng giảm tác hại vào trong chiến lược kiểm soát thuốc lá của quốc gia.

Thực hành vứt bỏ đầu mẩu thuốc lá một cách văn minh, khoa học chính là hành động thiết thực nhất để bảo vệ môi trường. Ảnh: Thủy Nhi.
Đây cũng đồng thời là hướng tiếp cận thứ 3 mà WHO đã đưa ra, bên cạnh chiến lược giảm nguồn cung thuốc lá điếu và giảm nhu cầu bằng các biện pháp cai thuốc.
Thế giới đang chung tay kêu gọi một tương lai không khói thuốc. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh nỗ lực từ các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học, vai trò của mỗi cá nhân là không thể thiếu.
Nâng cao nhận thức về tác hại nghiêm trọng của đầu mẩu thuốc lá và thực hành vứt bỏ chúng một cách văn minh, khoa học chính là hành động thiết thực nhất để bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta. Bởi lẽ, mỗi đầu mẩu thuốc lá bị vứt bừa bãi không chỉ là một mẩu rác đơn thuần, mà là một mảnh vỡ đang dần hủy hoại môi trường sống và sức khỏe của chính chúng ta và các thế hệ mai sau.