| Hotline: 0983.970.780

Lợi ích ‘kép’ từ tăng thuế thuốc lá

Thứ Bảy 05/07/2025 , 08:13 (GMT+7)

Tăng thuế thuốc lá mang lại lợi ích ‘kép’ không chỉ là giải pháp tài chính mà trở thành công cụ mạnh mẽ bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nhận diện rõ “kẽ hở”

Thuốc lá, một sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe, đang là gánh nặng lớn đối với hệ thống y tế và nền kinh tế Việt Nam. Với hơn 15 triệu người hút thuốc, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới, kéo theo hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm và thiệt hại kinh tế lên đến 108.000 tỷ đồng/năm - tương đương 1,1% GDP.

Trước thực trạng này, việc tăng thuế thuốc lá được xem là giải pháp cấp bách và hiệu quả để giảm thiểu tác hại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và gia tăng nguồn thu ngân sách.

 Tăng thuế thuốc lá là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc ở giới trẻ. Ảnh: Thủy Nhi.

 Tăng thuế thuốc lá là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc ở giới trẻ. Ảnh: Thủy Nhi.

Trong Hội thảo bàn luận về thuế thuốc lá vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông tin, dù tỷ lệ hút thuốc tại Việt Nam có giảm trong giai đoạn 2010-2021, nhưng tốc độ này rất chậm. Nguyên nhân chính được chỉ ra là giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn quá rẻ và thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ chiếm 36% giá bán lẻ, thấp hơn nhiều so với các quốc gia có thu nhập trung bình.

Dữ liệu đáng báo động cho thấy, chỉ trong ba năm, từ 2021 đến 2023, sản lượng thuốc lá tại Việt Nam đã tăng từ 6,4 lên 7,5 tỷ bao. Điều này không chỉ phản ánh xu hướng tiêu dùng đang tăng trở lại mà còn là hồi chuông cảnh báo về sự thất bại nếu không có các biện pháp can thiệp mạnh mẽ.

Ông Lâm nhấn mạnh, tăng thuế là biện pháp hữu hiệu nhất và ít tốn kém nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, đặc biệt hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên, đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi giá thành thấp.

Quan điểm này được củng cố bởi bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khi khẳng định, Việt Nam cần mạnh dạn tăng thuế tuyệt đối để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc xuống 36% ở nam giới vào năm 2030. Không thể để thuế thuốc lá của Việt Nam chỉ nhỉnh hơn Lào và Campuchia, trong khi thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng cho thấy sự cấp thiết của việc điều chỉnh chính sách thuế để phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế và chuẩn mực quốc tế.

“Vỏ quý dày cần móng tay nhọn”

WHO và Bộ Y tế đã đề xuất lộ trình tăng thuế tuyệt đối với thuốc lá, bắt đầu từ 5.000 đồng/bao vào năm 2026, sau đó nâng dần lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030. Mức thuế này được kỳ vọng sẽ đưa tỷ trọng thuế lên 65% giá bán lẻ, tiến gần đến mức khuyến nghị 70 - 75% của WHO. Mục tiêu là để thuốc lá không còn là sản phẩm dễ tiếp cận, đặc biệt là với giới trẻ.

WHO và Bộ Y tế đã đề xuất lộ trình tăng thuế tuyệt đối với thuốc lá. Ảnh: Thủy Nhi.

WHO và Bộ Y tế đã đề xuất lộ trình tăng thuế tuyệt đối với thuốc lá. Ảnh: Thủy Nhi.

Một điểm quan trọng mà ông Nguyễn Tuấn Lâm nhấn mạnh là tăng thuế đồng đều cho tất cả các loại thuốc lá. Nếu chỉ tăng thuế loại cao cấp, người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại rẻ hơn, làm giảm hiệu quả của chính sách. Việc tăng đồng đều sẽ đảm bảo mọi người đều cảm thấy giá thuốc lá đắt hơn, từ đó hạn chế tiêu dùng trên diện rộng.

Việc tăng thuế thuốc lá không chỉ là giải pháp tài chính mà còn là công cụ mạnh mẽ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Theo TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, mức tăng thuế càng cao thì tác động tích cực tới sức khỏe càng lớn. Phương án khuyến nghị của WHO ước tính sẽ giảm khoảng 696.000 người hút thuốc vào năm 2030 so với năm 2020, góp phần đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam.

Ngoài ra, việc tăng thuế còn mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt, chuyên gia Đào Thế Sơn chỉ ra rằng tăng thuế thuốc lá sẽ giúp giảm chi phí y tế, cải thiện năng suất lao động và bảo vệ môi trường, những yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Dự kiến, phương án này sẽ giúp tăng doanh thu thuế thêm 29.000 tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020. Khoản thu này có thể được tái đầu tư vào các ưu tiên của Chính phủ, thúc đẩy phát triển bền vững.

Tăng thuế thuốc lá không chỉ là một chính sách kinh tế đơn thuần mà còn là một cam kết vì một tương lai khỏe mạnh hơn cho người dân Việt Nam. Hi vọng rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ quyết tâm để thực hiện ‘liều thuốc đắng’ này, vì lợi ích lâu dài của quốc gia.

Xem thêm

Bình luận mới nhất