Nhận thức non nớt về độ độc hại
Không còn là cảnh tượng hiếm gặp, hình ảnh học sinh tiểu học, trung học lén lút cầm theo cây ‘vape’, nhả từng làn khói đầy mùi hương dâu, bạc hà, caramen… đã trở nên phổ biến đến đáng báo động.
Các số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, tính đến đầu năm 2025, có đến 7,4% học sinh trung học và 12,6% sinh viên đại học đã từng sử dụng thuốc lá điện tử và con số này tăng đều mỗi năm.
Từ một xu hướng được quảng bá là “an toàn” hơn thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử đang trở thành con dao hai lưỡi với thế hệ trẻ. Màu sắc bắt mắt, mùi hương dễ chịu, thiết kế nhỏ gọn dễ giấu giếm tất cả những đặc điểm này đã biến sản phẩm độc hại này thành một “cơn nghiện thời thượng” được tiếp tay bởi sự thiếu kiểm soát trên thị trường và mạng xã hội.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Nghiệp vụ của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế chia sẻ Tác hại của hút thuốc lá, thuốc lá điện tử với sinh viên. Ảnh: Thủy Anh.
Không ít em học sinh đã phải nhập viện vì ngộ độc nicotine, thậm chí co giật, ảo giác, phải lọc máu. Tại Bệnh viện Bạch Mai, từ năm 2023 đến đầu 2025, đã tiếp nhận hơn 180 ca cấp cứu liên quan đến thuốc lá điện tử, trong đó 13% là trẻ dưới 16 tuổi. Đáng sợ hơn, theo kết quả kiểm nghiệm, 16/120 mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân sử dụng có dương tính với ma túy tổng hợp.
Thật trớ trêu khi một sản phẩm ra đời với danh nghĩa “giảm hại” lại đang từng ngày bào mòn thể chất và tinh thần của thế hệ trẻ. Khi làn khói không còn chỉ mang theo hương thơm mà là "hiểm họa thuốc lá điện tử", chúng ta cần nhìn nhận lại là liệu sự “thỏa hiệp” giữa tiện nghi và an toàn sức khỏe có đáng đánh đổi không? Nếu xã hội không quyết liệt, thì sự im lặng hôm nay sẽ là sự hối hận của ngày mai.
Câu chuyện từ người trong cuộc
Không ai hiểu rõ nỗi sợ bằng những người từng trải. Khi chính các bạn trẻ phải gánh chịu hậu quả từ thói quen tưởng chừng vô hại, chúng ta mới thấm thía sự cần thiết của giáo dục sớm về tác hại thuốc lá điện tử. Đây không còn là vấn đề cá nhân, đó là lời cầu cứu cần được lắng nghe từ cả một thế hệ.
Em T.P.T (24 tuổi) chia sẻ: “Em bắt đầu sử dụng từ năm 18 tuổi vì muốn tỉnh táo hơn khi học và làm việc. Lúc đầu là thuốc lá điện tử, sau mới chuyển sang thuốc lá truyền thống. Em biết là hại sức khỏe nhưng vẫn không bỏ được vì nó thành thói quen rồi.”
Câu chuyện của T.P.T chỉ là một trong hàng trăm ngàn mảnh ghép cho thấy sự thật là nhiều bạn trẻ đang nghiện mà không biết mình nghiện. Theo các chuyên gia, nicotine trong thuốc lá điện tử là một chất gây nghiện mạnh, tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, đặc biệt ở tuổi vị thành niên.
Còn em T.H.N (20 tuổi), người từng nghiện thuốc lá điện tử từ năm 17 tuổi, kể: “Em có tiền sử bệnh tim, sau một thời gian dùng vape thì thấy run tay, run chân, mệt mỏi kéo dài. Giờ nghĩ lại, em thấy sợ. Bạn bè em nhiều người cứ nghĩ thuốc lá điện tử là không hại, thậm chí còn dùng để “cai thuốc thật”, nhưng thực ra còn nguy hiểm hơn”.
Một trường hợp khác là B.Đ.V (22 tuổi) chia sẻ thêm: “Mình từng bỏ thuốc lá điện tử sau khi nhận ra mùi hương của nó ảnh hưởng tới người xung quanh. Nhưng bạn bè mình vẫn nhiều người hút. Các hội nhóm trên mạng vẫn bán hàng tràn lan. Nếu không siết chặt quản lý, còn nhiều bạn nhỏ sẽ tiếp tục bị cuốn vào”.
Lời cảnh tỉnh từ thế hệ trẻ
Khoảng trống pháp lý không chỉ là lỗi của luật pháp chậm chân, mà còn là hệ quả từ sự chủ quan của toàn xã hội. Việc để thuốc lá điện tử “lọt khe” trong quản lý là tạo điều kiện cho hiểm họa phát tán. Khi chính người trẻ đã lên tiếng, trách nhiệm của người lớn là biến tiếng nói ấy thành hành động, thành chính sách và thành tấm khiên bảo vệ tương lai.

Thuốc lá điện tử đang từng ngày bào mòn thể chất và tinh thần của thế hệ trẻ. Ảnh: Minh Hà.
Trong khi hệ lụy sức khỏe và xã hội do thuốc lá điện tử gây ra ngày càng rõ ràng, thì việc thực thi pháp luật tại Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo. Dù đã có quy định cấm bán thuốc lá điện tử, nhưng việc kiểm tra, giám sát thực tế còn hạn chế. Trên mạng xã hội, chỉ với vài cú nhấp chuột, trẻ em có thể dễ dàng mua hàng qua các “hội kín”, không cần CCCD hay kiểm duyệt gì.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo, thuốc lá điện tử là “chiếc cầu” dẫn người trẻ đến với nicotine, ma túy và các chất gây nghiện khác. Không ít quốc gia đã mạnh tay xử lý.
Singapore, Thái Lan, Úc, thậm chí một số bang ở Mỹ đã hoàn toàn cấm sử dụng và buôn bán thuốc lá điện tử. Việt Nam nếu không hành động kịp thời sẽ lặp lại “vết xe đổ” của công nghiệp thuốc lá truyền thống.
Làn khói “ngọt” từ thuốc lá điện tử đang đầu độc thế hệ tương lai một cách âm thầm. Nếu xã hội còn thờ ơ, nếu phụ huynh còn thiếu thông tin, nếu pháp luật còn lỏng lẻo thì mỗi đứa trẻ hôm nay có thể trở thành một bệnh nhân, một nạn nhân, thậm chí là tội nhân của ngày mai.