Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương, chuyên gia của tổ chức mạng lưới giám sát ngành công nghiệp thuốc lá toàn cầu (STOP) đã vạch rõ những góc khuất đằng sau lớp vỏ tưởng chừng như "an toàn hơn" của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Đầu lọc, thuốc lá điện tử - tất cả đều là “cạm bẫy cảm giác”
Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương, cụm từ “giảm hại” gần đây thường xuyên xuất hiện trong các chiến dịch quảng bá thuốc lá thế hệ mới. Theo bà, liệu đây có phải là một hướng đi tích cực của ngành công nghiệp này?

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương, chuyên gia của tổ chức mạng lưới giám sát ngành công nghiệp thuốc lá toàn cầu (STOP) vạch rõ những góc khuất đằng sau lớp vỏ tưởng chừng như "an toàn hơn" của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Ảnh: Trung Nguyên.
Thực ra, “giảm hại” không phải là một hướng đi mới, và cũng không hẳn là một nỗ lực thiện chí như nhiều người lầm tưởng. Từ giữa thế kỷ trước, khi bằng chứng khoa học ngày càng chứng minh rõ tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, các tập đoàn thuốc lá đã nhanh chóng xoay trục. Họ đưa ra những sản phẩm được quảng bá là “ít độc hại hơn”, như thuốc lá điếu có đầu lọc, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhưng thực chất chỉ nhằm kéo dài vòng đời của sản phẩm nicotine dưới một hình thức khác.
“Giảm hại” chỉ là một phần trong chiến lược tiếp thị khéo léo. Ngành này không có ý định từ bỏ nicotine - chất gây nghiện chính - mà chỉ tìm cách đóng gói nó trong những hình thức mới để tiếp tục duy trì người dùng và thu lợi nhuận.
Nhiều người vẫn tin rằng thuốc lá điếu có đầu lọc hoặc thuốc lá điện tử là “ít hại” hơn thuốc lá điếu truyền thống. Quan điểm của bà về điều này?
Đó là một hiểu lầm phổ biến và cũng là thành công của chiến lược tiếp thị mà ngành công nghiệp thuốc lá đã xây dựng trong nhiều thập kỷ.
Vào thập niên 1950, một hãng thuốc lá từng tung ra đầu lọc có khả năng đổi màu, từ trắng sang nâu, để tạo cảm giác rằng chất độc hại đã được “giữ lại”. Tuy nhiên, về mặt y học, sự đổi màu đó không có giá trị lọc độc tố. Đầu lọc chỉ giúp người hút cảm thấy êm hơn ở cổ họng, khiến họ hút sâu và nhiều hơn, điều đó thực ra còn tăng nguy cơ phơi nhiễm độc chất.
Còn thuốc lá điện tử hay nung nóng, dù không theo kiểu truyền thống, nhưng vẫn đưa nicotine vào cơ thể và ảnh hưởng đến não bộ, tim mạch. Đặc biệt, với thanh thiếu niên, nhóm dễ bị tổn thương, việc tiếp xúc sớm với nicotine có thể dẫn tới lệ thuộc lâu dài. Mà mục tiêu cuối cùng của các nhà sản xuất chính là vậy.
Bà từng chia sẻ rằng, giới trẻ là mục tiêu tiếp cận trọng tâm của ngành thuốc lá. Ngành này làm điều đó như thế nào, thưa bà?
Họ đã “giăng bẫy” rất bài bản và tinh vi. Ngay từ năm 1957, một lãnh đạo cấp cao của một tập đoàn thuốc lá đa quốc gia đã thừa nhận rằng giới trẻ dễ bị ảnh hưởng và trở thành khách hàng trung thành đối với thương hiệu thuốc lá đầu tiên họ sử dụng và có ảnh hưởng trong nhóm đồng trang lứa. Từ đó, các chiến lược tiếp thị luôn nhằm vào độ tuổi thanh thiếu niên như một điểm khởi đầu.

Việc tiếp thị qua mạng xã hội, với người nổi tiếng trẻ tuổi, video “bắt trend”, khiến thuốc lá điện tử trở thành một “phong cách sống” hơn là một chất gây nghiện. Ảnh: Lan Chi.
Một ví dụ kinh điển là hình ảnh chàng cao bồi hút thuốc Marlboro - đánh trúng tâm lý muốn khẳng định cá tính, tự do của người trẻ. Ngày nay, chiến lược này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Thuốc lá điện tử được thiết kế bắt mắt như đồ chơi, mùi vị như kẹo trái cây, bạc hà, sữa chua… khiến người dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên, có cảm giác đó là thứ vô hại.
Chưa kể, việc tiếp thị qua mạng xã hội, với người nổi tiếng trẻ tuổi, video “bắt trend”, khiến sản phẩm này trở thành một “phong cách sống” hơn là một chất gây nghiện. Điều đáng lo là người lớn, bao gồm cha mẹ, thầy cô khó lòng phát hiện vì vẻ ngoài quá tinh vi, ẩn mình của các thiết bị này.
“Giảm hại” - một chiêu bài bảo vệ lợi nhuận
Với những sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay túi nicotine, liệu chúng có giúp người hút cai thuốc như quảng cáo, thưa Tiến sĩ?
Thực tế, hầu hết các nghiên cứu độc lập chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng nào cho thấy những sản phẩm này hiệu quả trong hỗ trợ cai thuốc. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại sản phẩm này có thể là “cửa ngõ” dẫn người trẻ đến với thuốc lá điếu.
Điều chúng ta cần nhìn rõ là ngành thuốc lá không quan tâm đến việc người dùng bỏ thuốc. Mục tiêu của họ là giữ người dùng ở lại và gắn bó với sản phẩm thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào. Dù là thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, hay bất kỳ sản phẩm thuốc lá thời thượng nào khác, miễn là người dùng vẫn lệ thuộc vào nicotine thì họ vẫn còn lợi nhuận.
Theo bà, ngoài vấn đề sức khỏe, ngành thuốc lá còn tác động như thế nào đến môi trường?
Đây là một vấn đề rất lớn nhưng lại ít được nhắc đến. Chuỗi sản xuất thuốc lá, từ trồng cây, chế biến, vận chuyển, cho đến tiêu dùng, đều gây ô nhiễm. Bao bì, đầu lọc, pin từ thuốc lá điện tử, tất cả đều trở thành rác thải độc hại khó xử lý.
Theo ước tính của Trung tâm toàn cầu về quản trị tốt trong kiểm soát thuốc lá (GGTC), Việt Nam thiệt hại khoảng 98 nghìn tỷ đồng mỗi năm để xử lý ô nhiễm biển và rác thải liên quan đến thuốc lá. Trên toàn cầu, rác thuốc lá chiếm từ 25-40% tổng lượng rác tại các đô thị. Đáng lo hơn, phần lớn những thứ đó, như đầu lọc, đều không thể phân hủy sinh học.
Trong khi đó, việc gắn mác “sinh học” hay “có thể tái chế” cho các sản phẩm mới chỉ là một phần của chiến lược “tẩy xanh”, làm đẹp hình ảnh của sản phẩm thuốc lá, tạo dựng niềm tin cho người dùng về việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các công ty thuốc lá, nhưng không thực sự thay đổi bản chất gây hại của sản phẩm thuốc lá đối với môi trường.
Với bức tranh như vậy, theo bà, đâu là giải pháp để ứng phó?
Điều đầu tiên là phải nhận diện rõ chiến lược “giảm hại” chỉ là một chiêu bài tiếp thị, không phải là một nỗ lực vì sức khỏe cộng đồng. Bất kỳ sản phẩm chứa nicotine nào cũng đều có nguy cơ gây hại, đặc biệt là với não bộ đang phát triển của thanh thiếu niên.
Người tiêu dùng - nhất là giới trẻ và phụ huynh - cần trang bị kiến thức để không bị đánh lừa bởi vẻ ngoài hào nhoáng của các sản phẩm mới. Còn các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng trước những đề xuất “hợp pháp hóa” hoặc “nới lỏng kiểm soát” với danh nghĩa “giảm hại”.
Nếu không, chúng ta sẽ vô tình trở thành công cụ để một ngành công nghiệp vốn tồn tại dựa vào sự lệ thuộc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng, với cái giá phải trả là sức khỏe con người và môi trường sống.
Trân trọng cảm ơn bà!