Lấp khoảng trống pháp lý, nâng trách nhiệm xã hội
Bộ Y tế đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 117/2020/NĐ-CP, trong đó đáng chú ý là quy định mới về xử phạt cá nhân không ngăn chặn hành vi sử dụng thuốc lá điện tử tại nơi có biển cấm với mức phạt lên đến 10 triệu đồng. Đồng thời, hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới khác cũng bị phạt từ 3-5 triệu đồng, kèm biện pháp buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Đây được xem là bước đi cần thiết để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, xử lý hành vi “chứa chấp”, “làm ngơ” trước các vi phạm đang diễn ra phổ biến trong cộng đồng.

Bộ Y tế đề xuất phạt đối với việc không ngăn chặn hành vi sử dụng thuốc lá điện tử tại nơi có biển cấm với mức phạt lên đến 10 triệu đồng. Ảnh: Minh Hoàng.
Lý giải cho đề xuất, Bộ Y tế cho biết, hiện nay pháp luật vẫn chưa đủ công cụ chế tài đối với người quản lý, chủ sở hữu địa điểm công cộng để họ có trách nhiệm phòng ngừa, báo cáo hành vi vi phạm. Trong bối cảnh thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ, việc bổ sung điều khoản “ngăn cản” hoặc “báo cơ quan chức năng” là cần thiết để tạo sự ràng buộc trách nhiệm giữa cộng đồng và cơ quan quản lý.
Nguyễn Minh An, chuyên gia y tế công cộng, phân tích: “Việc quy định phạt người không ngăn chặn hành vi hút thuốc tại nơi cấm sẽ thúc đẩy trách nhiệm của chủ địa điểm, từ quán cà phê, karaoke đến trường học không thể làm ngơ trước vi phạm. Đặc biệt, chúng ta cần nhìn thuốc lá điện tử không chỉ như một sản phẩm thương mại, mà là một thách thức sức khỏe cộng đồng. Nó len lỏi qua quảng cáo mạng xã hội, các clip 'review' hấp dẫn để đánh vào tâm lý tò mò, thích thể hiện của giới trẻ. Pháp luật phải theo kịp thực tế, nhưng quan trọng hơn là sự đồng lòng của xã hội. Đây là cách đưa toàn xã hội vào cuộc”.
Bối cảnh đáng lo ngại là thuốc lá điện tử không còn là xu hướng “sành điệu” vô hại như nhiều người lầm tưởng. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ học sinh 13-15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 3,5% năm 2022 lên tới 8% năm 2023, tức gấp đôi chỉ trong một năm. Cùng năm, có đến 1.224 ca nhập viện vì liên quan đến thuốc lá điện tử được ghi nhận tại các bệnh viện trên cả nước. Các chuyên gia y tế cảnh báo đây là “cánh cửa” dẫn đến nghiện nicotine và thậm chí cả các chất ma túy khác.
ThS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Thuốc lá điện tử đang trở thành mối nguy hại nghiêm trọng với thế hệ trẻ. Không chỉ vì nicotine, mà còn vì mẫu mã bắt mắt, hương liệu trái cây dễ gây nghiện, nhắm thẳng vào học sinh”.
WHO cũng cảnh báo: không có bằng chứng thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống; ngược lại, nó là sản phẩm gây hại trực tiếp đến hệ hô hấp, tim mạch, não bộ, nhất là đối với thanh thiếu niên. Thậm chí, trong thuốc lá điện tử có hơn 20.000 loại hương liệu, nhiều chất trong số đó chưa được nghiên cứu đầy đủ, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Không ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia như Thái Lan, Singapore, Brunei, Lào và Campuchia đã cấm hoàn toàn việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử.
Tại Việt Nam, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết cấm toàn diện thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Dự thảo Nghị định sửa đổi lần này của Bộ Y tế là bước tiếp theo nhằm cụ thể hóa chính sách, tạo công cụ pháp lý cho các cơ quan chức năng xử lý vi phạm từ giai đoạn hiện nay. TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Chúng ta cần mạnh mẽ hơn nữa. Cấm hoàn toàn là biện pháp hiệu quả để bảo vệ thế hệ tương lai khỏi làn sóng nghiện nicotine”.
Kiểm soát chặt nguồn cung và quảng cáo thuốc lá điện tử
Bên cạnh siết chế tài, Bộ Y tế cũng đề xuất tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, kết hợp với công an, y tế và giáo dục để kiểm soát chặt nguồn cung thuốc lá điện tử, xử lý các trường hợp nhập lậu, kinh doanh trái phép và quảng cáo trá hình trên mạng xã hội. Đồng thời, các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục tại trường học, cộng đồng cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, giúp giới trẻ hiểu rõ mối nguy hại ẩn sau những thiết bị bắt mắt mang tên “vape”.

Bộ Y tế phối hợp tăng cường kiểm soát chặt nguồn cung thuốc lá điện tử, xử lý các trường hợp nhập lậu, kinh doanh trái phép và quảng cáo trá hình trên mạng xã hội. Ảnh: Minh Hoàng.
Đáng chú ý, theo ước tính của Bộ Y tế, chi phí khám chữa bệnh liên quan đến thuốc lá nói chung tại Việt Nam lên tới 108.000 tỷ đồng/năm, gấp 5 lần số thu thuế từ thuốc lá. Điều này cho thấy nếu không quyết liệt hành động từ hôm nay, gánh nặng bệnh tật, tử vong và thiệt hại kinh tế do thuốc lá điện tử gây ra sẽ còn lớn hơn nhiều trong tương lai.
Đề xuất xử phạt cá nhân “không ngăn chặn” hành vi hút thuốc lá điện tử tại nơi cấm không chỉ là sự mở rộng về chế tài pháp lý, mà còn là bước chuyển dịch tư duy quản lý từ “hành vi cá nhân” sang “trách nhiệm xã hội”. Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ - đối tượng dễ bị dẫn dắt và tổn thương cần sự đồng lòng của tất cả: luật pháp nghiêm minh, thực thi hiệu quả, truyền thông sâu rộng và một cộng đồng không thỏa hiệp với những hiểm họa ẩn sau làn khói “vape” tưởng chừng vô hại. Khi đó, cuộc chiến với thuốc lá điện tử không chỉ nằm ở những dòng phạt, mà ở sự tỉnh táo và kiên quyết của cả xã hội.