Tuyên truyền bằng nhiều hình thức
Ngay trước cổng Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt (phường Rạch Giá, tỉnh An Giang) được gắn tấm biển với nội dung: “Hãy nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”. Đây là nội dung tuyên truyền của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế, được Trung tâm Kiểm sát bệnh tật tỉnh An Giang (tỉnh Kiên Giang cũ) triển khai đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, trong đó có hệ thống học đường.

Thầy Nguyễn Thành Thông (bìa trái), Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt và Bí thư Đoàn trường Lý Hoàng Luân bên tấm biển tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá được gắn ở khuôn viên trường để học sinh dễ tiếp cận. Ảnh: Trung Chánh.
Vị trí và nội dung của tấm biển này luôn nằm ngay tầm mắt của thầy, cô và học sinh mỗi khi ra, vào trường, là lời tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân, cộng đồng hàng ngày. Thầy Nguyễn Thành Thông, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt cho biết, từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổng thể, phối hợp cùng các đoàn thể để đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử trong học đường. Nội dung này thường xuyên được lồng ghép, tuyên truyền đến tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh trong các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần.
Không chỉ vậy, Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt còn phối hợp với công an Rạch Giá tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và bạo lực học đường. Nhất là thuốc lá điện tử hiện nay được tẩm ướp các mùi hương nhân tạo hấp dẫn, học sinh dễ dàng mua được trên môi trường thương mại điện tử. Trong khi đó, học sinh cấp 2, cấp 3 là lứa tuổi thích biểu hiện, xem việc hút thuốc lá điện tử là “sành điệu”, mà không biết rằng thuốc lá điện tử còn độc hại hơn cả thuốc lá điếu, dễ gây nghiện và có nguy cơ chuyển thành ma túy học đường.
Thầy, cô là người tiên phong
Ở môi trường học đường, nơi thầy cô luôn bận rộn với giáo án, với giờ lên lớp và chất lượng việc giảng dạy, thật không dễ gì thay đổi những thói quen cũ – như việc hút điếu thuốc sau giờ lên lớp để “giải tỏa căng thẳng”. Nhưng rồi bằng gương mẫu, bằng khích lệ, bằng những buổi sinh hoạt chuyên đề đầy tính nhân văn, trường đã có những cán bộ giáo viên nói lời chia tay với thuốc lá. Chính sự thay đổi của người lớn, những người được coi là hình mẫu, là tác nhân mạnh mẽ nhất khiến học sinh tin rằng: bỏ thuốc là điều có thể.
Thầy Lý Hoàng Luân, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt cho biết, cùng với việc tuyên truyền dưới cờ, nhà trường còn quán triệt đến tất cả giáo viên chủ nhiệm lớp, ban cán sự lớp theo dõi, rà soát, nếu trong lớp có học sinh hút thuốc thì mời làm việc, tuyên truyền giáo dục để các em nhận thức về tác hại của thuốc lá và hỗ trợ các em từ bỏ. Đưa nội dung tuyên truyền lên trang Fanpage của trường, dán ở bảng tin sân trường để các em học sinh dễ dàng tiếp cận hàng ngày.

Nội dung tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt đưa lên trang Fanpage của trường, dán ở bảng tin sân trường để các em học sinh dễ dàng tiếp cận hàng ngày. Ảnh: Trung Chánh.
Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt đã thiết lập những quy chuẩn cụ thể trong xây dựng môi trường không khói thuốc: cấm tuyệt đối việc hút thuốc trong khuôn viên trường, vận động cán bộ, giáo viên bỏ thuốc lá. “Đầu năm học, tất cả các học sinh đều làm bản cam kết với sự ký kết của 3 bên: Đoàn trường, học sinh và phụ huynh về nội dung đảm bảo an ninh trật tự, không vi phạm luật giao thông và không hút thuốc lá trong và ngoài nhà trường. Nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xem xét xếp loại hạnh kiểm trong học kỳ và cuối năm”, thầy Luân nói.
Từ năm 2023, UBND tỉnh An Giang (tỉnh Kiên Giang cũ) đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Y tế tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện với mục tiêu chung là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá, nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra.
Theo đó, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh An Giang phấn đấu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam xuống dưới 39%, nữ dưới 1,4%. Đồng thời, giảm đáng kể tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại các không gian công cộng. Giai đoạn tiếp theo 2026–2030, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp ngăn ngừa thuốc lá điện tử, shisha và sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, với trọng tâm là giới trẻ.
Với vai trò tiên phong của các trường học trong phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ là lực đẩy quan trọng giúp thay đổi nhận thức xã hội. Mỗi giờ sinh hoạt lớp, mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề, mỗi khẩu hiệu “Trường học không khói thuốc” không còn là hình thức – đó là lời cam kết sống khỏe, sống văn minh từ thế hệ hôm nay cho tương lai mai sau.