| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống tác hại thuốc lá - Cần chặn ‘từ gốc’

Thứ Bảy 24/05/2025 , 21:43 (GMT+7)

Cần một giải pháp toàn diện, đồng bộ và quyết tâm chính trị cao nhất để chặn ‘từ gốc’ trước những tác hại thuốc lá gây ra.

Cam go ‘cuộc chiến’ với làn khói trắng

Hút thuốc lá tốn tiền, hại sức khỏe, hại môi trường. Một bộ phận người thiếu hiểu biết nên trở thành ‘thiêu thân’ đã đành, vấn đề là hiện nay không ít người tuy hiểu biết nhưng vẫn đem tiền ‘đốt cuộc đời’ với khói thuốc lá.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do sử dụng thuốc lá.

Với những gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra, công tác phòng chống tác hại thuốc lá đang trở thành vấn đề y tế công cộng được ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Sử dụng thuốc lá đang chuyển nhanh từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, gây ra những tác hại đối với sức khỏe, kinh tế và môi trường cho các nước, trong đó có Việt Nam.

Nhiều bạn trẻ ‘đốt cuộc đời’ với khói thuốc lá. Ảnh: Minh Hà.

Nhiều bạn trẻ ‘đốt cuộc đời’ với khói thuốc lá. Ảnh: Minh Hà.

Hiện nay, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm.

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.

Chưa kể, mức thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp; các sản phẩm thuốc lá được bày bán khắp nơi, tạo điều kiện dễ dàng cho người dân tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên…

Đáng lưu ý, những năm gần đây, xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Việc sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng nhanh đặc biệt trong lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Những khó khăn này đã và đang ‘cộng hưởng’ ảnh hưởng lớn tới các nỗ lực phòng chống tác hại của thuốc lá của các ngành chức năng. Đồng thời, cũng là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguy cơ làm cho tỷ lệ hút thuốc lá gia tăng trở lại nếu như chúng ta không tiếp tục có các biện pháp quyết liệt và kịp thời.

Không để ‘ném đá ao bèo’

Hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam là tương đối đầy đủ. Nếu Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, cũng như các giải pháp chính sách cụ thể được thực thi nghiêm túc, quyết liệt thì đã có thể giảm đáng kể số người sử dụng thuốc lá.

Đơn cử, một tác hại không kém khói thuốc lá và cũng bị xã hội lên án chính là lạm dụng rượu bia. Song, nếu so sánh với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, sẽ thấy có một sự khác biệt không hề nhỏ.

Chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia song hành với những chế tài mạnh của Nghị định 100 ngay từ những bước đầu tiên, từ đó, tạo thành bàn tay thép, mạnh mẽ đẩy lùi vi phạm nồng độ cồn ở người tham gia giao thông.

Từ những quy định đầy dứt khoát của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trong giao thông, soi chiếu trở lại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, có thể thấy rõ vấn đề đang nằm ở quy định mới chỉ dừng lại ở mức độ truyền thông, vận động. Tuy đã có những thay đổi trong nhận thức người dân, song để phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả trong cộng đồng, cần sự đồng bộ, nghiêm túc hơn nữa.

Do đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng trong việc giám sát, thực thi pháp luật và có quy định về việc ‘phạt nóng’, phạt tại chỗ đối với người hút thuốc lá vi phạm; xem xét, đánh giá, sửa đổi các quy định về mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá để đảm bảo chế tài mang tính răn đe. 

Thuốc lá - gánh nặng kéo dài với sức khỏe và kinh tế. Ảnh: Minh Hà.

Thuốc lá - gánh nặng kéo dài với sức khỏe và kinh tế. Ảnh: Minh Hà.

Mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cương các biện pháp bao gồm: tăng thuế thuốc lá; truyền thông để nâng cao nhận thức cho mọi người về tác hại của thuốc lá, các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá nhằm thay đổi hành vi hút thuốc.

Đồng thời, nâng cao ý thức tuân thủ các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; thực hiện nghiêm quy định cấm quảng cáo khuyến mại, tài trợ của các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc lá; in cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh trên bao bì các sản phẩm thuốc lá; tổ chức cai nghiện thuốc lá.

Đã lến lúc bảo vệ sức khỏe người dân không chỉ cần sự nghiêm minh trong xử lý vi phạm mà còn phải có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của cả cộng đồng, để đảm bảo rằng pháp luật không chỉ là một văn bản trên giấy mà còn là một công cụ thực thi quyền lợi và bảo vệ sức khỏe của toàn xã hội.

Theo Nghị định số 117/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về PCTHTL thì cá nhân hút thuốc lá ở nơi công cộng như: Trong rạp hát, rạp chiếu phim, bệnh viện, thư viện, phòng chờ của nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng, ở những nơi công cộng khác có quy định cấm hút thuốc sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000đ…

Xem thêm
Chốt danh sách công trình không đảm bảo phòng cháy chữa cháy trong 2025

Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát, phân loại, công khai công trình không đạt chuẩn, đồng thời chuẩn bị phương án chuyển đổi công năng hoặc xử lý dứt điểm.

Thông tin 'trứng giả' ảnh hưởng người chăn nuôi thật

Trước thông tin trứng giả bịa đặt, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Tiêu thụ Gà đồi Ba Vì cho biết, đang phải tự bảo vệ mình để ít bị ảnh hưởng nhất.