Từ đầu năm 2025, Việt Nam chính thức cấm hoàn toàn việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, quảng cáo và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thuốc lá điện tử với nhiều mẫu mã vẫn được bán trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: Chụp từ Facebook.
Theo đó, các hành vi “sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử” là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì các cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá điện tử sẽ bị phạt hành chính từ 1-100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2-200 triệu đồng.
Tuy nhiên, chỉ cần vài thao tác đơn giản trên Facebook, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận với những sản phẩm này một cách công khai.
Mạng xã hội - “chợ đen” vẫn công khai
Chỉ với một vài từ khóa đơn giản như “vape”, “pod system”, “juice”… các hội nhóm với hàng chục nghìn thành viên, các trang bán hàng, bài viết có nội dung liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện lên nhan nhản trên nền tảng mạng xã hội Facebook.
Khảo sát chỉ ra rằng, mạng xã hội là kênh phổ biến nhất để giới trẻ tìm hiểu và mua thuốc lá điện tử. Nhiều tài khoản bán hàng sử dụng hình ảnh bắt mắt, đánh vào tâm lý tò mò, thử nghiệm của thanh thiếu niên, thậm chí gắn mác “ít độc hại”, “giảm nghiện” hoặc “an toàn hơn thuốc lá truyền thống”… hoàn toàn sai lệch với cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Quảng cáo nhắm vào giới trẻ với dòng chữ "Back to school" (quay lại trường học), cùng với dịch vụ "ship" hàng siêu nhanh, tận nơi sau 30 phút... khiến giới trẻ dễ dàng tìm hiểu, thử và sử dụng thuốc lá điện tử. Ảnh: Hoàng Hiền.
Trong các hội nhóm về thuốc lá điện tử trên mạng xã hội, không chỉ rao bán sản phẩm, nhiều bài viết còn chia sẻ kinh nghiệm sử dụng, cách lên tinh dầu, bảo quản pod… thu hút nhiều lượt thích và bình luận. Những nội dung này thường được ngụy trang dưới dạng "review", "trải nghiệm cá nhân", tạo cảm giác thân thiện và kích thích người dùng trẻ tò mò, thử nghiệm.
Trong nhóm Vape Việt Nam - cộng đồng với hơn 73,5 nghìn thành viên, quản trị viên tự giới thiệu rằng: “Chúng tôi ủng hộ và mong muốn nhìn thấy tương lai không khói thuốc (non-smoking) tại Việt Nam và trên toàn thế giới”. Tuy nhiên, phần lớn nội dung trong nhóm lại tập trung vào giới thiệu sản phẩm, chia sẻ cách sử dụng, mẹo “lên vị”, “hít êm” hay lựa chọn tinh dầu, cùng với đó là những nội dung góp phần tạo ra ảo tưởng về tính “an toàn” của thuốc lá điện tử.

Vape Việt Nam - cộng đồng với hơn 73,5 nghìn thành viên với lời giới thiệu: "Chúng tôi ủng hộ và mong muốn nhìn thấy tương lai không khói thuốc (non-smoking) tại Việt Nam và trên toàn thế giới" đang khiến giới trẻ có suy nghĩ sai lệch về tác hại của thuốc lá điện tử. Ảnh: Chụp từ Facebook.
Chính môi trường mạng xã hội, những hội nhóm như Vape Việt Nam đang vô tình tiếp tay cho việc định hình sai lệch trong nhận thức của giới trẻ. Không ít người trẻ lầm tưởng thuốc lá thế hệ mới không gây nghiện, ít độc hại, thậm chí xem việc sử dụng như một cách thể hiện cá tính, “ngầu” và hiện đại, mà không hề ý thức được những nguy cơ lâu dài đối với sức khỏe và hệ thần kinh đang phát triển.
Một thực tế đáng lo ngại là thuốc lá thế hệ mới đang xâm nhập ngày càng sâu vào giới trẻ, thông qua hình thức mua hàng trực tuyến. Theo báo cáo chung năm 2023 của Bộ Y tế và tổ chức Vital Strategies, tỷ lệ học sinh 13-15 tuổi từng sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 3,5% (2022) lên 8% (2023). Nhóm tuổi 15-24 có tỷ lệ sử dụng khoảng 7,3%, cao hơn hẳn các nhóm tuổi khác.
Hoạt động mua bán trên các nền tảng này không những không giảm mà còn biến tướng tinh vi hơn sau lệnh cấm. Các tài khoản bán hàng thường ẩn danh hoặc sử dụng tên giả, ảnh đại diện ảo và giao dịch qua chuyển khoản để tránh truy vết.
Các mặt hàng này thường được ngụy trang dưới tên các mặt hàng hợp pháp và địa chỉ gửi từ các người giao hàng trung gian khiến cơ quan chức năng khó truy nguồn gốc.
Cần khung pháp lý mạnh hơn
Dù đã có quyết định cấm, nhưng việc xử lý hành vi mua bán thuốc lá điện tử trên môi trường số vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các chế tài xử phạt hiện nay mới chỉ áp dụng được với hành vi kinh doanh hàng lậu hoặc không rõ nguồn gốc, chưa có khung xử lý riêng với hành vi đăng tải, quảng cáo, hay môi giới mua bán thuốc lá thế hệ mới trên mạng.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã nhiều lần kiến nghị bổ sung các quy định liên ngành, đồng thời yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phối hợp gỡ bỏ nội dung vi phạm. Năm 2021, hơn 4.200 bài đăng rao bán thuốc lá thế hệ mới đã bị xóa khỏi mạng, theo số liệu từ Viện Chiến lược và Chính sách Y tế. Tuy nhiên, hành vi tái xuất hiện vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí “lách luật” bằng các từ viết tắt hoặc hình ảnh ẩn dụ.

Giới trẻ cần hiểu đúng và hiểu rõ về tác hại của thuốc lá. Ảnh: Hoàng Hiền.
Việc mua bán thuốc lá thế hệ mới trên mạng xã hội hiện nay không chỉ là hành vi kinh doanh trái pháp luật, mà còn là hành vi chống lại chính sách kiểm soát sức khỏe cộng đồng của Nhà nước. Những kẽ hở pháp lý và công cụ kiểm soát chưa đủ mạnh đang tạo điều kiện để các đối tượng tiếp tục khai thác môi trường mạng, quảng bá và tiếp cận người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Trước tình trạng này, chuyên gia y tế công cộng khuyến nghị cần đẩy mạnh kiểm soát từ cả hai phía: siết chặt pháp lý và nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh, nhà trường và người trẻ. Song song với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cần tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, đặc biệt trong giới trẻ về tác hại của thuốc lá thế hệ mới.
Cùng với đó là kiểm soát thông tin trên không gian mạng xã hội. Các nền tảng mạng xã hội phải thực hiện biện pháp quyết liệt để ngăn chặn hoạt động quảng bá, giao dịch sản phẩm bị cấm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giữ gìn trật tự xã hội.