Duke và Vanderbilt, hai bệnh viện đại học hàng đầu của Hoa Kỳ, đang tiên phong mở rộng nguồn tạng hiến bằng cách tận dụng tim từ những người chết do ngừng tuần hoàn (DCD). Đây là một nhóm người hiến mà từ lâu giới y học thường e ngại sử dụng vì lo ngại tim bị thiếu oxy trong thời gian quá lâu trước khi được lấy ra, dễ ảnh hưởng đến chất lượng ghép.

Kỹ thuật ghép tim mới mở ra hy vọng cho hàng triệu người trên thế giới. Ảnh: Duke Health.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Y học New England, các bác sĩ tại 2 bệnh viện trên đã chứng minh rằng, những quả tim DCD, nếu được xử lý đúng cách, có thể hoạt động hiệu quả tương đương với tim từ người chết não - nguồn hiến phổ biến nhất hiện nay.
“Tim DCD hoạt động tốt không kém gì tim từ người chết não”, bác sĩ Aaron M. Williams, tác giả chính của nghiên cứu tại Vanderbilt khẳng định.
Trong ghép tạng, phần lớn tim hiến hiện nay đến từ người chết não, những người được duy trì sự sống nhân tạo bằng máy thở cho đến khi các cơ quan được lấy ra. Tim của họ vẫn đập, được nuôi dưỡng đầy đủ oxy, đảm bảo chất lượng cho việc cấy ghép.
Ngược lại, với DCD, tức người bệnh có tổn thương não không thể phục hồi nhưng chưa chết não hoàn toàn, sau khi gia đình đồng ý rút ống thở, tim sẽ ngừng đập tự nhiên. Điều này khiến tim trải qua một khoảng thời gian thiếu oxy trước khi được lấy ra, dẫn đến lo ngại về khả năng hoạt động và an toàn sau ghép.
Thông thường, để giảm thiểu tổn thương do thiếu oxy, bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật NRP - bơm máu có oxy vào vùng bụng và ngực của người hiến nhằm “hồi sinh” các cơ quan, đồng thời kẹp động mạch lên não để tránh tái cung cấp máu cho não bộ. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật gây tranh cãi đạo đức vì can thiệp vào tuần hoàn sau khi bệnh nhân được xác định đã chết, khiến một số bệnh viện không chấp thuận áp dụng.
Một phương pháp khác là dùng máy “hồi sức tim”, thiết bị ngoại vi bơm máu và chất dinh dưỡng để giữ cho tim tiếp tục hoạt động trong quá trình vận chuyển. Song máy này đắt đỏ, phức tạp, và không phù hợp với những trái tim quá nhỏ, như của trẻ sơ sinh.

Trẻ em là nhóm đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ bước tiến y học mới. Ảnh: ABC.
Bác sĩ Joseph Turek và nhóm tại Bệnh viện Đại học Duke đã tìm ra một giải pháp trung gian. Thay vì sử dụng máy móc đắt tiền hay kỹ thuật hồi phục tuần hoàn gây tranh cãi, họ đặt quả tim vừa lấy ra lên bàn mổ vô trùng, nối các ống dẫn máu và oxy, quan sát trực tiếp phản ứng.
Phương pháp này được thử nghiệm đầu tiên trên lợn con. Sau đó, khi một bệnh viện khác chuẩn bị rút máy thở khỏi một bé sơ sinh 1 tháng tuổi, đã được gia đình đồng ý hiến tim nhưng không cho phép thực hiện kỹ thuật NRP, nhóm bác sĩ Duke đã áp dụng thử nghiệm.
“Chỉ mất 5 phút để xác định động mạch vành đang bơm máu tốt, tim hồng hào và đang đập”, bác sĩ Turek kể lại.
Ngay lập tức, họ đưa trái tim nhỏ vào môi trường lạnh và vận chuyển nhanh về Duke, nơi một bệnh nhi 3 tháng tuổi đang chờ ghép. Ca ghép thành công, đánh dấu bước ngoặt mới cho lĩnh vực ghép tim nhi khoa.
Trong khi đó, nhóm bác sĩ tại Vanderbilt áp dụng phương pháp thậm chí đơn giản hơn: Bơm dung dịch bảo quản lạnh giàu dinh dưỡng vào tim trước khi lấy ra khỏi cơ thể người hiến, tương tự như cách xử lý tim từ người chết não.
“Dung dịch giúp phục hồi năng lượng bị cạn kiệt trong quá trình hấp hối và bảo vệ tim trong lúc vận chuyển”, bác sĩ Williams giải thích. Vanderbilt đã thực hiện thành công 25 ca ghép tim theo phương pháp này, tất cả đều từ người chết tuần hoàn.
Sự khan hiếm tạng ghép vẫn là vấn đề nan giải trên toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 700 trẻ em được đưa vào danh sách chờ ghép tim, trong đó khoảng 20% không thể chờ đến lượt. Với người lớn, hàng trăm nghìn người bị suy tim giai đoạn cuối cũng không có cơ hội ghép vì thiếu nguồn hiến phù hợp.
Theo số liệu năm 2023, người chết do ngừng tuần hoàn chiếm tới 43% số người hiến tạng đã qua đời ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ 793 trong số 4.572 ca ghép tim năm đó là từ người DCD.
Việc 2 trung tâm lớn như Duke và Vanderbilt chứng minh được hiệu quả của kỹ thuật mới có thể thay đổi vấn đề này. Không chỉ mở rộng cơ hội cho người bệnh, các nhà khoa học còn từng bước vượt qua được những rào cản đạo đức khiến nhiều bệnh viện từ chối áp dụng NRP.
“Đổi mới trong cách phục hồi tạng từ người chết tuần hoàn là thiết yếu để giảm bớt tình trạng thiếu hụt”, chuyên gia đạo đức y sinh Brendan Parent từ NYU Langone Health nhận định. Nếu những phương án này tiếp tục cho kết quả tích cực, chắc chắn sẽ được các chương trình ghép tim hoan nghênh.
Đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ những cải tiến này chính là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhóm bệnh nhân vốn rất khó tìm được tim ghép phù hợp. Với kích thước tim quá nhỏ, trẻ em không thể sử dụng máy bảo quản tuần hoàn. Việc có một phương pháp đơn giản, nhanh gọn như Duke đang áp dụng sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.